Hệ lụy từ thủy điện Đồng Nai 3: Đền bù hỗ trợ, doanh nghiệp lao đao

VOV.VN - Việc giải tỏa đền bù không đúng quy định đã nảy sinh tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc dư luận và xã hội.

 

Tiền của đổ xuống vùng tái định cư Đắc Plao ở huyện Đắc Glong, tỉnh Đắc Nông hàng trăm tỷ đồng, nhưng hiệu quả chưa ai tính được. Người dân về vùng tái định cư thiếu đất sản xuất, cuộc sống ngày càng khó khăn, dẫn đến tình trạng phá rừng làm nương rẫy.

Trong khi đó, việc giải tỏa đền bù không đúng qui định đã làm cho nhiều người dân và doanh nghiệp trong diện bị thu hồi đất của vùng dự án bị thiệt đơn, thiệt kép. Từ đó, đã nảy sinh tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc dư luận và xã hội.

Ngày 26/9/2007, UBND tỉnh Đắc Nông ra Quyết định số 1267/QĐ-UBND, về việc thu hồi 1.195 ha đất để xây dựng khu tái định canh, định cư công trình thủy điện Đồng Nai 3, là xã Đắc Plao hiện nay. Trong đó, Lâm Trường Quảng Khê (nay là Xí nghiệp Lâm nghiệp Quảng Khê thuộc Công ty Lâm nghiệp Gia Nghĩa) bị thu hồi 771 ha. Gần một nửa số đất này, Lâm trường Quảng Khê đã ký hợp đồng liên kết trồng cây công nghiệp, trồng rừng với nhiều cá nhân, và tập thể khác.


Ông  Lê Khắc Thuận đứng trên thân đập Đắc Uynh khẳng định: “Từ  khi xây dựng đến nay, con đập này chưa hề bị vỡ”

Ông Lê Khắc Thuận, ở phường Tân Lập, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk trong diện những hộ liên kết này. Tháng 8/1998, (khi tỉnh Đắc Nông chưa tách) ông Thuận ký hợp đồng với Lâm trường Quảng Khê để trồng cà phê, cao su và cây lấy gỗ với diện tích 200 ha (chưa tính đất làm đường, làm nhà ở và các công trình phúc lợi khác). Thời hạn liên kết là 50 năm, kinh phí đầu tư do ông Lê Khắc Thuận tự bỏ ra.

Theo ông Thuận, ông (sau này là Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Thuận, do ông làm Giám đốc) đã huy động vốn, nhân lực khai hoang được 245 ha đất tại tiểu khu 1028, 1031. Trong đó, đã làm 12 km đường cấp phối, 25 km đường nội bộ, đường băng cản lửa, đắp 7 đập thủy lợi vừa và nhỏ để tưới tiêu. Ông Thuận và các hộ liên kết cũng đã trồng 145 ha cà phê, 52 ha cây keo và 48 ha cây lát hoa trồng xen trong diện tích rừng khoanh nuôi bảo vệ. Ngoài ra, ông còn xây dựng nhà làm việc, nhà ở cho công nhân, chuồng trại, bể chứa, giếng nước sinh hoạt… Tổng số tiền đầu tư  liên tục trong 7 năm lên đến trên 30 tỷ đồng.

Ngày 17/6/2008 UBND huyện Đắc Glong ra quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng xây dựng khu tái định cư Đắc Plao. Tiếp đó, ngày 5/12/2008 UBND huyện ra thêm quyết định phê duyệt phương án bổ sung lần 1 về bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng xây dựng khu tái định cư này.

Theo ông Thuận, quyết định không đúng nên đã xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông. Do đó, ông đã làm đơn khiếu nại về 5 vấn đề, trong đó đề nghị đền bù công trình giao thông, hồ đập, diện tích vườn cà phê, cây lát hoa và 4.706 cây keo lai đã trồng 5 năm, nhưng UBND huyện Đắc Glong đã bác bỏ không giải quyết.

Không cách gì khiếu nại được, tháng 11/2009 Công ty trách nhiệm hữu hạn Nam Thuận đã làm đơn khởi kiện hành chính UBND huyện ra Tòa án nhân dân huyện Đắc Glong. Từ đó đến nay, đã qua 3 lần xét xử của các cấp tòa sơ thẩm, rồi phúc thẩm; nhiều đơn thư, công văn, quyết định qua về, lên xuống, nhưng sự việc chẳng thấy nhúc nhích t‎‎í nào.


Một trong  những lán trại còn sót lại của công nhân công ty Nam Thuận, tại xã  Quảng Khê.
Trong khi đó, ngày 31/7/2012, ông Đàm Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Đắc Glong, ký văn bản số 749/UBND-TTr, gửi Viện kiểm sát nhân dân, Giám đốc Công an, và Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Đắc Nông: “Đề nghị điều tra làm rõ và xử lý trách nhiệm hình sự đối với các cá nhân có liên quan trong việc lập hồ sơ khống để xây dựng phương án và phê duyệt chi trả, nhận bồi  thường không đúng quy định đối với công trình đường, cầu cống và đập nước Đắc Uynh, tại xã Quảng Khê (nay là xã Đắc Plao) với số tiền 794.445.678 đồng để thu nộp ngân sách Nhà nước”. Theo văn bản này, ông Lê Khắc Thuận không hề đầu tư xây dựng đường giao thông, không đắp đập Đắc Uynh, mà chỉ lập hồ sơ khống để nhận tiền đền bù!?.

Nhưng thực tế, đập Đắc Uynh từ khi ông Thuận xây dựng đến nay vẫn còn đó, cứ đến mùa khô, những hộ có vườn cây quanh hồ vẫn sử dụng nguồn nước đập Đắc Uynh để tưới. Ông K’ Pan ở thôn 1 xã Quảng Khê thừa nhận: “Theo tôi được biết, từ trước đến nay, hồ này là do Công ty Nam Thuận  làm. Nó dùng để tưới cho vườn tược xung quanh khu vực này. Đập này giờ vẫn còn”.

Còn ông Phạm Minh Thực, quê Thanh Hóa, người đã nhiều năm gắn bó với núi rừng và bà con dân tộc Mạ ở Quảng Khê thì quả quyết:  “Năm 2001, ông Thuận tổ chức đắp cái đập này và đã tưới tiêu cho toàn bộ phần đất của công nhân Công ty Nam Thuận làm ở đây. Hiện nay, hiện trạng vẫn được giữ nguyên”.

Mới đây, khi đứng ngay trên mặt đập hồ chứa nước Đắc Uynh, ông Lê Khắc Thuận một lần nữa khẳng định: “Sau khi nhận được đất này với lâm trường Quảng Khê, tôi đầu tư sản xuất và đắp cái đập này, gọi là đập Đắc Uynh 1. Cái đập này lúc Ban giải tỏa đền bù của huyện Đắc Glong làm, tôi đề xuất rất nhiều lần xuống đây kiểm tra, nhưng họ không đi. Tự họ làm rồi chuyển tiền về cho tôi, giờ lại bảo tôi lập hồ sơ khống cái đập này. Họ nói cái đập này vỡ năm 2005, nhưng trên thực tế, nó này vẫn duy trì từ lúc đắp cho đến bây giờ vẫn nguyên thế này”. 

Bị thu hồi đất, “của  đau con xót”, ông Thuận đã tìm cách lập nên những hợp đồng, hồ sơ nộp Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng huyện Đắc Glong. Công trình hạ tầng: đường, hồ thủy lợi, nhà cửa, giếng nước, vườn cây đều là tiền của mình bỏ ra, tự đầu tư, thi công, nên không đủ, thậm chí không có hồ sơ thiết kế, hợp đồng thi công, quyết toán … là điều dễ hiểu.

Nhưng khó hiểu là tại sao Hội đồng đền bù huyện Đắc Glong trong quá trình lên phương án bồi thường, hỗ trợ đã không kiểm tra thực tế hiện trạng mà vẫn được UBND huyện chấp nhận để Ban quản lý dự án Thủy điện 6 chi tiền!.

Sơ kết điều tra số 121 ngày 30/11/2013 của Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Đắc Nông nhận định: “Việc không kiểm tra hiện trạng mà lên phương án bồi thường, hỗ trợ của Hội đồng bồi thường huyện Đắc Glong đã không thực hiện theo quy định tại điều 55, 56 Nghị định 84/007 của Chính phủ”. “Hành vi của các thành viên Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Đắc Glong cần được tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo quy định”.

Hơn 7 năm kể từ khi UBND tỉnh Đắc Nông ra quyết định thu hồi đất để xây dựng dự án định cư Đắc Plao, gần 6 năm UBND huyện Đắc Glong ra quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, nhưng vướng mắc, nhùng nhằng liên quan đến những quyết định này vẫn chưa được giải quyết. “Tình ngay lý gian”, ông Lê Khắc Thuận đã được tại ngoại sau 3 tháng bị Công an Đắc Nông bắt tạm giam, điều tra về hành vi “lập hồ sơ khống” để nhận tiền đền bù hỗ trợ giải phóng mặt bằng dự án tái định cư Đắc Plao. Và “Hành vi cung cấp hồ sơ giả chỉ thỏa mãn yếu tố gian dối, chua thỏa mãn yếu tố chiếm đoạt nên hành vi của Thuận chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm”- Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Nông cũng đã khẳng định như vậy.

Ông Thuận lại tiếp tục hành trình thưa - kiện, bởi theo ông, không chỉ gia đình, công ty đã bỏ ra hàng chục tỷ đồng chưa lấy lại được, tài sản, mồ hôi công sức của hàng chục công nhân lao động của ông cũng đã lao đao mấy năm nay do bất công từ việc đền bù hỗ trợ./.

Đón đọc bài 3: Chính quyền thờ ơ, chủ đầu tư né tránh.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hệ lụy từ thủy điện Đồng Nai 3: Dân nghèo đói, khổ trăm bề
Hệ lụy từ thủy điện Đồng Nai 3: Dân nghèo đói, khổ trăm bề

VOV.VN -Hiện nay, công tác tái định cư vùng lòng hồ của công trình này vẫn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân Đắc Glong.

Hệ lụy từ thủy điện Đồng Nai 3: Dân nghèo đói, khổ trăm bề

Hệ lụy từ thủy điện Đồng Nai 3: Dân nghèo đói, khổ trăm bề

VOV.VN -Hiện nay, công tác tái định cư vùng lòng hồ của công trình này vẫn còn nhiều bất cập, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân Đắc Glong.