Hội nghị “Phát triển công nghiệp, thương mại nông thôn vùng ĐBSCL"

Ngày 23/10, tại Tiền Giang, lãnh đạo Sở Công thương 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tham dự hội nghị “Phát triển công nghiệp, thương mại nông thôn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế”.

Theo ông Bùi Xuân Khu, Thứ trưởng Bộ Công Thương: hiện công nghiệp và thương mại nông thôn vùng ĐBSCL chưa phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có. Do đó, để đầy nhanh quá trình phát triển công nghiệp, thương mại nông thôn ở vùng ĐBSCL trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, trong thời gian tới, các tỉnh cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp, chính sách như: tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn; công tác đào tạo, nhân cấy nghề; tổ chức sản xuất, duy trì và phát triển sản xuất ở các làng nghề; nâng cao chất lượng việc lập qui hoạch và thực hiện qui hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại; tăng cường xúc tiến và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh thực hiện các gói kích cầu của Chính phủ; chích sách xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm. Cũng theo ông Khu, các tỉnh vùng ĐBSCL cần triển khai thật mạnh và tuân thủ các giải pháp của Chính phủ để phát triển công nghiệp nông thôn, góp phần đắc lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Những năm qua, số lượng cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn của vùng ĐBSCL đã không ngừng tăng lên, trong đó nhiều nhất là thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Đến đầu năm 2009, ĐBSCL có 99.966 cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn,chiếm 92,25% số cơ sở công nghiệp toàn vùng, tăng 15.931 cơ sở so với năm 2005. Các sản phẩm công nghiệp nông thôn của vùng ĐBSCL rất đa dạng về mẫu mã, phong phú về chủng loại. Ngoài các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của toàn vùng như: Chế biến thủy sản, chế biến rau quả, chế biến gạo xuất khẩu, thì mỗi tỉnh đều có những sản phẩm đặc trưng riêng như: Rượu đế Gò Đen (Long An); bánh phồng Cái Bè, hủ tiếu Mỹ Tho, Mắm tôm chà Gò Công (Tiền Giang); kẹo dừa, bánh tráng Mỹ Lòng-Bánh phồng Sơn Đốc (Bến Tre); gạch ngói và đồ gốm (Vĩnh Long); khô, mắm và đồ mộc (An Giang); than đước, ghe xuồng (Hậu Giang), bánh pía, lạp xưởng (Sóc Trăng)... góp phần phát triển công nghiệp nông thôn, tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn.

Đến nay, các tỉnh ĐBSCL đã phát triển được 161 làng nghề, trong đó có 133 làng nghề đã được công nhận ở 8/13 tỉnh, thành phố, thu hút 84.500 lao động. Trong đó, làng nghề đan lát chiếm tỷ trọng cao nhất, do những năm gần đây thị trường xuất khẩu ưa chộng hàng thủ công thân thiện với môi trường. Nhờ vậy, hầu như địa phương nào ở ĐBSCL cũng có làng nghề làm hàng thủ công mỹ nghệ từ nguyên liệu lục bình, bẹ chuối, lác.. Riêng trên lĩnh vực thương mại, đến nay, ĐBSCL phát triển được 1.625 chợ, chiếm 19,5% tổng số chợ của cả nước, trong đó, chợ nông thôn là 1.290 chợ ( chiếm gần 80%). Ngoài ra, vùng ĐBSCL còn hình thành các chợ đầu mối nông sản, thủy sản với qui mô lớn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên