Kết quả khả quan trong hạn chế nhập siêu

Theo Bộ Công thương, hiện nay có đến 83% tổng giá trị nhập khẩu rơi vào máy móc thiết bị sản xuất.  

Sau 1 năm triển khai thực hiện việc sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất trong công tác đấu thầu các dự án có vốn Nhà nước đã đạt kết quả khả quan, góp phần kiểm soát nhập khẩu, giảm nhập siêu, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển. Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội nghị sơ kết một năm về vấn đề này do Bộ Công Thương tổ chức sáng 28/9 tại Hà Nội.

Theo báo cáo của các Tập đoàn, Tổng công ty và công ty, hoạt động sản xuất kinh doanh giá trị máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước năm ngoái đạt doanh số hơn 30,590 tỷ đồng, tỷ lệ sử dụng hàng hóa trong nước gần 54%. Năm nay dự kiến gần 38 tỷ đồng, tỷ lệ sử dụng hàng hóa trong nước khoảng 52%.

Tại hội nghị, các đại biểu khẳng định trong quá trình thực hiện chủ trương sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sản xuất trong công tác đấu thầu vẫn chưa khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia và cung cấp máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước sử dụng được. Hầu như chưa có hàng rào kỹ thuật nhất là các tiêu chuẩn liên quan đến bảo vệ sức khỏe người sử dụng đối với các hàng hóa, đặc biệt là các sản phẩm cơ khí.

Theo ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, hiện, có tới 20 công trình điện thuộc về tổng thầu Trung Quốc, theo hợp đồng EPC, trong đó nhà thầu thực hiện toàn bộ các công việc từ thiết kế kỹ thuật tới cung ứng vật tư, thiết bị, thi công công trình và chạy thử bàn giao cho chủ đầu tư. Do Luật đấu thầu giá rẻ của chúng ta nên các tổng thầu nước ngoài có nhiều điều kiện thuận lợi trúng thầu. Ông Nguyễn Văn Thụ cho rằng, với những nhà máy nhiệt điện, khả năng chúng ta có thể làm 30-40% giá trị công trình, nhưng với những bất cập trong Luật đấu thầu hiện nay, khiến doanh nghiệp trong nước mất đi nhiều cơ hội.

Theo Bộ Công thương, hiện nay có đến 83% tổng giá trị nhập khẩu rơi vào máy móc thiết bị sản xuất. Nếu thực hiện tốt chỉ thị 21 về tăng cường sử dụng máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên vật liệu trong nước sản xuất thì không những hạn chế được nhập siêu mà các doanh nghiệp trong nước cũng có thêm nhiều cơ hội chiếm lĩnh thị trường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên