Không nên “gượng ép” hạ lãi suất ngân hàng

Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc hạ lãi suất cho vay, nhưng các ngân hàng vẫn dè dặt, thậm chí còn dùng nhiều giải pháp mạo hiểm để huy động vốn.

Tiếp sau những vận động sôi nổi của hoạt động ngân hàng những tháng cuối năm 2011, từ đầu năm 2012, một vấn đề đang nóng lên là liệu lãi suất cho vay của các ngân hàng có hạ như yêu cầu của Chính phủ? Nếu có thì bao giờ hạ và hạ bao nhiêu phần trăm? Đây là những vấn đề liên quan sát sườn và bức bách đối với giới doanh nghiệp, vì hiện nay, điều bức xúc nhất đối với các doanh nghiệp là lãi suất ngân hàng quá cao, và khó tiếp cận nguồn vốn.

Dè dặt hạ lãi suất

Một trong những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ là trong năm nay, ngành ngân hàng phải tìm biện pháp hạ lãi suất cho vay. Chính Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng tuyên bố với báo chí rằng một trong những nhiệm vụ trọng tâm của NHNN trong năm nay là kéo lãi suất ngân hàng xuống.

Một số ngân hàng đã hạ một số loại lãi suất huy động và cho vay

Mới đây, Chính phủ một lần nữa yêu cầu NHNN phải theo dõi sát tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng, có phương án hạ lãi suất cho vay tại Nghị quyết số 03 ngày 8/2. Đây là đòi hỏi của nền kinh tế, vì giới doanh nghiệp không thể chịu đựng lãi suất cao được lâu hơn.

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, còn nhiều vấn đề phải lưu tâm. Thứ nhất, muốn hạ lãi suất cho vay, các ngân hàng phải hạ được lãi suất huy động. Thế nhưng trong bối cảnh thanh khoản đang có nhiều vấn đề như hiện nay, cuộc chiến cạnh tranh huy động vốn vẫn đang diễn ra quyết liệt trong thế giới các ngân hàng, thì việc hạ lãi suất huy động là một nhiệm vụ “bất khả thi”.

Hiện nay, một số ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Agribank… đã công bố hạ một số loại lãi suất huy động và cho vay, nhưng với tỷ lệ rất nhỏ, và cũng được đánh giá là động thái mang tính chính trị nhiều hơn là kinh tế. Từ trước đến nay, các ngân hàng hoạt động dựa vào 3 nguồn vốn chủ yếu: tiền gửi của dân cư; tiền vay ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng; tiền gửi của các tổ chức kinh tế.

Các ngân hàng gia tăng mạo hiểm

Hiện nay, nguồn vốn vay trên thị trường liên ngân hàng không còn dễ như trước. Lãi suất của thị trường này cũng bị đẩy lên khủng khiếp, có thời điểm lên đến 30% cho những kỳ hạn tuần hoặc ngày. Đặc biệt đã xuất hiện yêu cầu thế chấp tài sản hoặc giấy tờ chứng chỉ có giá khi vay vốn ở thị trường này.

Từ trước đến nay, các ngân hàng vay lẫn nhau chủ yếu bằng tín chấp, vì thế đến hạn trả nợ không ngân hàng nào “dám” chậm nợ vì như vậy là mất chữ tín, lần sau khó vay. Thế nhưng nay đã xuất hiện nhiều trường hợp khất nợ trên thị trường liên ngân hàng (đây là tình huống cực chẳng đã, cho thấy các ngân hàng quá khó khăn về thanh khoản, chẳng đặng đừng, buộc phải “lộ gót chân A-shin”).

Hơn nữa, các khoản vay trên thị trường liên ngân hàng thường rất lớn, nên ít ngân hàng nào dám vay dài ngày bởi không chịu nổi lãi suất. Chỉ còn hai nguồn là tiền gửi của tổ chức và tiền gửi của dân cư. Nhưng với tình trạng giới doanh nghiệp luôn thiếu vốn như hiện nay, ít doanh nghiệp nào có lượng tiền nhàn rỗi lớn để tồn trong tài khoản. Nếu có, họ cũng phải tìm cách quay vòng hoặc chuyển đổi sang dạng tiền gửi dân cư để hưởng lãi suất cao hơn.

Vốn của các ngân hàng đang phụ thuộc nhiều vào khoản tiền gửi của dân

Như vậy, nguồn vốn huy động chủ yếu nhất vẫn nằm trong khoản tiền gửi của dân cư. Các ngân hàng vẫn phải cạnh tranh quyết liệt để lôi kéo khách hàng có lượng tiền gửi lớn bằng các chương trình khuyến mãi khủng. (Ví dụ: năm 2011, BIDV tung ra một chương trình khuyến mãi có giá trị trọn gói là 35 tỷ, Agribank 30 tỷ; Năm nay, Ngân hàng cổ phần Quân đội tung gói khuyến mại trị giá 15 tỷ; Ngân hàng Á châu ACB tung gói khuyến mại 25 tỷ, Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn vừa hợp nhất có gói khuyến mại 32 tỷ…).

Động thái này đủ thấy các ngân hàng đang khát vốn từ nguồn huy động dân cư đến mức nào. Vì thế, hạ lãi suất huy động chẳng khác nào “tự chặt chân mình”, như Tổng Giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần ví von. Thậm chí, mặc dù NHNN rất quyết liệt trong việc xử lý những ngân hàng cố tình vượt trần lãi suất, nhưng tình trạng vượt trần lãi suất, lách luật vẫn chưa được ngăn chặn; trái lại, các thủ thuật vượt trần ngày càng tinh vi hơn. Chắc chắn phải có lý do cho những hành động mạo hiểm. Cần phải nhìn thẳng vào những lý do này để tìm biện pháp ngăn chặn phù hợp.

Một vấn đề nữa cần lưu tâm, đó là sự mạo hiểm của các ngân hàng- đặc biệt là các ngân hàng cổ phần – đang ngày càng gia tăng. Trước đây, khi Thông tư 13 về giới hạn tỷ lệ vốn tín dụng trên vốn huy động còn hiệu lực, hầu hết các ngân hàng cổ phần đều sử dụng hết “room” cho phép; tức là cho vay 80-85% số vốn huy động được. Nhưng kể từ năm ngoái, Thông tư này bị bãi bỏ, nhiều ngân hàng đã cho vay tới 100%, thậm chí 110% số vốn huy động được.

Đây là sự mạo hiểm rất nguy hiểm, nhất là trong bối cảnh hoạt động kinh tế toàn cầu đang có nhiều bất ổn; giới doanh nghiệp Việt Nam dựa chủ yếu vào vốn vay ngân hàng còn các ngân hàng phụ thuộc nhiều vào thanh khoản ngoại tệ.

Nếu thị trường tiền tệ thế giới có nhiều biến động, sẽ tác động mạnh đến các ngân hàng Việt Nam. Khi đó, ngân hàng nào đang ở thế “đi trên dây” chắc chắn khó mà trụ vững. Không phải vô cớ mà Hãng xếp hạng tín nhiệm có uy tín thế giới Moody’s đưa Việt Nam vào danh sách 3 nước châu Á mà hệ thống ngân hàng có thể bị tác động nhiều nhất của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, và cho rằng mức độ ảnh hưởng sẽ không nhỏ hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007- 2008, thậm chí còn mạnh hơn.

Không nên “gượng ép”

Vì những lý do phân tích trên đây, việc mong muốn hạ lãi suất cho vay là đúng, nhưng không thể nóng vội. Càng không thể đạt tới một mục tiêu kinh tế bằng các biện pháp hành chính, bằng sự duy ý chí, hay bằng những động thái “gượng ép” vì mục tiêu chính trị.

Để thực hiện được yêu cầu của Chính phủ, và đáp ứng nguyện vọng của giới doanh nghiệp (vì suy cho cùng chính giới doanh nghiệp đang tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng), giới ngân hàng cần cơ cấu lại các nguồn vốn, tìm biện pháp giảm thiểu tiến tới triệt tiêu các yếu tố rủi ro tiềm ẩn có nguồn gốc từ ý chí chủ quan của giới chủ ngân hàng. Đặc biệt cần tiết giảm chi phí, đa dạng hóa dịch vụ, áp dụng công nghệ quản trị ngân hàng hiện đại để tăng hiệu quả của vòng quay vốn.

Tóm lại, cần một cuộc đại phẫu trong khi toàn hệ thống vẫn không được dừng hoạt động. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nhưng không phải là không thực hiện được. Vấn đề phụ thuộc vào quyết tâm và bước đi của Ngân hàng Nhà nước, cùng với nhận thức đúng và sự hợp tác của các ngân hàng thương mại trong thử thách cam go này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên