Kinh doanh đa cấp biến tướng: Kon Tum kiến nghị mở chuyên án điều tra

VOV.VN - UBND tỉnh Kon Tum nhận định loại hình kinh doanh bán hàng đa cấp sẽ ảnh hưởng đến kinh tế xã hội trên địa bàn, đặc biệt là an ninh nông thôn

Như VOV.VN đã phản ánh về tình trạng một số doanh nghiệp kinh doanh bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh Kon Tum sử dụng nhiều chiêu trò lôi kéo, dụ dỗ, thậm chí lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để lừa đảo thu lợi bất chính, UBND tỉnh Kon Tum vừa có công văn gửi Bộ Công thương, trong đó có nội dung đề xuất với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo mở chuyên án điều tra, đấu tranh xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Một cơ sở giao dịch kinh doanh đa cấp.

Trong công văn số 2641 ngày 10/11/2015 gửi Bộ Công thương, UBND tỉnh Kon Tum nhận định trong thời gian tới loại hình kinh doanh bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều công chức, viên chức, giáo viên, cán bộ hưu trí, người lao động, đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa… tham gia sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh tế xã hội, an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh đặc biệt là tình hình an ninh nông thôn.

Từ nhận định trên, UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo Cục quản lý cạnh tranh xem xét tính pháp lý việc xác nhận giá cả các mặt hàng kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp; hỗ trợ công tác nghiệp vụ cho Sở Công thương, các lực lượng chức năng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh về công tác kiểm tra, xử lý đối với các hành vi kinh doanh bán hàng đa cấp trái phép.

Đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu đề xuất Chính phủ bổ sung, sửa đổi Nghị định 71 ngày 21/7/2014 của Chính phủ theo hướng bổ sung thẩm quyền xử phạt cho các cơ quan quản lý bán hàng đa cấp tại địa phương và UBND các cấp cho phù hợp với Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012; bổ sung, sửa đổi nội dung tiền ký quỹ theo quy định tại Điều 29, Nghị định số 42  ngày 14/5/2014 của Chính phủ theo hướng doanh nghiệp bán hàng đa cấp khi hoạt động tại địa phương phải ký quỹ một khoản tiền nhất định (ngoài việc ký quỹ tại địa phương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính) để làm cơ sở quản lý doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Ngoài ra, đáng chú ý là UBND tỉnh Kon Tum đề nghị Bộ Công thương đề xuất với Ban chỉ đạo 389 Quốc gia chỉ đạo mở chuyên án điều tra, đấu tranh với đường dây, ổ nhóm lợi dụng hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp chiếm đoạt tài sản của người tham gia kinh doanh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật góp phần răn đe, giáo dục phòng ngừa chung, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn cả nước nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng. 

Như Đài TNVN đã phản ánh, hiện trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 20 doanh nghiệp với trên 4.100 người tham gia hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp. Đáng báo động là tình trạng cả người bán lẫn người mua không quan tâm tới hàng hóa, bất chấp thủ đoạn dụ dỗ, lôi kéo người khác tham gia vào hệ thống để hưởng hoa hồng và ăn chia lợi nhuận./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Kinh doanh hàng đa cấp ở Kon Tum biến tướng khó kiểm soát
Kinh doanh hàng đa cấp ở Kon Tum biến tướng khó kiểm soát

VOV.VN - Hoạt động kinh doanh, bán hàng đa cấp tại tỉnh Kon Tum đang bùng phát, khó kiểm soát.

Kinh doanh hàng đa cấp ở Kon Tum biến tướng khó kiểm soát

Kinh doanh hàng đa cấp ở Kon Tum biến tướng khó kiểm soát

VOV.VN - Hoạt động kinh doanh, bán hàng đa cấp tại tỉnh Kon Tum đang bùng phát, khó kiểm soát.

Hàng đa cấp ở Kon Tum biến tướng, hậu quả khó lường
Hàng đa cấp ở Kon Tum biến tướng, hậu quả khó lường

VOV.VN -Hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp ở tỉnh Kon Tum có những biến tướng với nhiều chiêu trò gây hậu quả khó lường.

Hàng đa cấp ở Kon Tum biến tướng, hậu quả khó lường

Hàng đa cấp ở Kon Tum biến tướng, hậu quả khó lường

VOV.VN -Hoạt động kinh doanh bán hàng đa cấp ở tỉnh Kon Tum có những biến tướng với nhiều chiêu trò gây hậu quả khó lường.