Lãi suất ngân hàng và tác động đến kích cầu đầu tư sản xuất kinh doanh

Thị trường lãi suất ngân hàng tiếp tục chùng xuống cả ở huy động vốn và cho vay vốn. Về hình thức, động thái này của các ngân hàng là rất đáng mừng đối với  doanh nghiệp.

Song thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn dè dặt, chưa có chuyển biến nào đáng kể trong đầu tư hay mở rộng sản xuất kinh doanh. Tình trạng này khiến nhiều người nghĩ đến còn có những thay đổi trong điều hành lãi suất ngân hàng, cả lãi suất cơ bản và lãi suất thương mại. 

Với hoạt động cho vay, không những lãi suất các khoản vay mới giảm mạnh mà các khoản vay cũ thời điểm lãi suất tăng rất cao nay cũng được giảm khá mạnh, theo sự kêu gọi của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng NN và PTNT là đơn vị đầu tiên hưởng ứng lời kêu gọi này ngay từ ngày 1/1/2009.

Theo đó, các hợp đồng vay theo lãi suất cố định trước đây và đang còn nợ số dư nay lãi suất được giảm xuống còn 12,72%/năm, tức là còn thấp hơn so với mức trần 12,75%/năm như quy định của Ngân hàng Nhà nước. Với các khoản vay mới lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ còn 0,9%/tháng, trung hạn và dài hạn là 1%/tháng.

Theo ước tính, với việc giảm lãi suất như thế, Agribank lỗ khoảng 2.000 tỷ đồng so với các khoản huy động trước đây. Với NH Đầu tư và Phát triển VN, lãi suất cho vay ngắn hạn thấp nhất xuống còn 6,5%/năm, với USD, cho vay trung hạn và dài hạn thì lãi suất bằng lãi suất huy động  kỳ hạn 12 tháng trả lãi sau cộng với phí tối thiểu 3%/năm.

Về lãi suất huy động bằng gửi tiết kiệm, các mức lãi suất giảm rất nhanh. Tại Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam, lãi suất huy động tiền Đồng kỳ hạn 6 tháng là 7,86%/năm,  huy động USD chỉ còn 3,68%/năm. Tại  NH TMCP Sài Gòn, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng còn 8,3%/năm, từ 3 tháng đến 6 tháng là từ 8,3% đến 8,8%/năm.

Như vậy lãi suất hiện nay đã giảm rất mạnh so với thời kỳ huy động và cả cho vay cao điểm hồi quý 3 năm ngoái, có thời giản mức huy động cao nhất lên đến gần 19%/năm và cho vay lên đến 21%/năm, chưa kể các khoản phí kèm theo.

Hệ luỵ của tình trạng này, về phía ngân hàng là các ngân hàng sẽ xoay xở ra sao với những khoản huy động trung hạn và dài hạn rất lớn với lãi suất cao trước đây. Một ví dụ dễ thấy nhất là Ngân hàng Đông Nam Á cách đây đúng một năm ào ạt tăng lãi suất huy động tiền đồng, vào thời điểm lãi suất 14,4%/năm, có những khách hàng gửi dài hạn vài tỷ đồng, nay đã đến kỳ thanh khoản những khoản gửi của khách hàng có kỳ hạn 12 tháng.

Đây là khó khăn cho doanh nghiệp khi vừa phải thanh khoản các hợp đồng này, vừa phải giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp, hiện tại tác động và dư âm tác động của các khoản vay với lãi suất quá cao trước đây vẫn chi phối hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp vẫn dè chừng việc đầu tư sản xuất kinh doanh. Một trong những nguyên nhân là lãi suất ngân hàng cao, nhưng còn có nguyên nhân quan trọng khác là diễn biến thị trường và kinh tế chung còn khó khăn. Có một lượng hàng hoá lớn đang tồn đọng tại các doanh nghiệp, chưa tiêu thụ được do thị trường giảm nhu cầu từ ảnh hưởng suy thoái của thị trường, cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng đã đề nghị được khoanh nợ, treo nợ và giãn nợ để có thể nghĩ tới tiếp tục đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh mới theo hướng cơ cấu lại thị trường và sản phẩm.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, sắp tới, lãi suất cơ bản sẽ còn tiếp tục được điều chỉnh giảm từng bước và phù hợp với tình hình thực tế để tạo điều kiện cho các ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất, tạo cơ hội cho doanh nghiệp vay được vốn rẻ hơn để đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Chính phủ trong năm nay là chống suy giảm kinh tế.

Các chuyên gia phân tích thị trường tiền tệ ngân hàng cho rằng, khả năng lãi suất cơ bản sẽ được điều chỉnh giảm dần xuống khoảng 7%/năm. Nếu vậy, lãi suất trần của các ngân hàng thương mại theo quy định của Luật Dân sự là bằng 150% lãi suất cơ bản, sẽ ở mức 10,5%/năm, so với mức 12,75% hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên