Lập lại trật tự ngành thép

Chuyện ngành thép đứng trước nguy cơ “đại khủng hoảng thừa” do sự bùng nổ các dự án thép trong một thời gian ngắn trở thành vấn đề được nhiều người nói đến thời gian qua

Vì thế, việc Chính phủ chỉ đạo tạm dừng cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án thép xây dựng thông thường, được những người trong cuộc đánh giá là một hành động nhằm lập lại trật tự trong ngành thép.

Trong 2 năm 2007-2008, ngành thép chứng kiến sự bùng nổ về đầu tư với rất nhiều dự án cả trong và ngoài nước được cấp phép. Đặc biệt trong năm 2008, nhiều dự án FDI có công suất thiết kế lớn tới 5-7 triệu tấn/năm đã được cấp phép như: dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh), dự án thép Cà Ná ở Bình Thuận… Một điểm đáng chú ý trong cấp phép đầu tư vào ngành thép là có tới 32 dự án ngoài quy hoạch so với 23 dự án trong quy hoạch (theo kết quả kiểm tra của Bộ Công thương). Trong 32 dự án đó, có tới 24 dự án bị coi là vượt rào vì chưa được sự chấp thuận của Chính phủ và không hề xin ý kiến của bộ quản lý ngành là Bộ Công thương.

Nguyên nhân của việc cấp phép ồ ạt này có nhiều. Đó là, do dự báo nhu cầu thép tăng cao trong thời gian tới trong khi khả năng hiện tại chưa đáp ứng được; việc phân cấp đầu tư về địa phương có quy định, những dự án có quy mô vốn dưới 1.500 tỷ VND thì địa phương được quyền quyết định, trong khi việc chọn lựa dự án của nhiều địa phương còn có vấn đề. Bởi thế, việc đầu tư thời gian qua đã xuất hiện nhiều bất cập. Đầu tư trong nước thì manh mún, công nghệ thấp nên sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh. Các địa phương có mỏ chưa thăm dò trữ lượng cụ thể, cứ kêu gọi đầu tư khiến nhiều dự án đã được cấp phép nhưng không thể tiếp tục triển khai do các điều kiện chưa được chuẩn bị tốt.

Còn về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dù đã có nhiều dự án tầm cỡ vào Việt Nam nhưng thực chất, đó không phải của những công ty, quốc gia có kinh nghiệm, uy tín về luyện kim nên khả năng chuyển giao công nghệ cao bị hạn chế. Một số dự án lớn của các công ty Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ là những quốc gia phát triển về lĩnh vực này đang tạm dừng hoặc chưa thể triển khai với lý do, bên công ty chủ quản khó khăn về tài chính và thép không phải lĩnh vực đầu tư chính của họ. Điều này cũng chứng tỏ việc lựa chọn nhà đầu tư của Việt Nam có vấn đề. Hậu quả là, ngành thép đứng trước nguy cơ một cuộc “đại khủng hoảng thừa” khi công suất nếu chiểu theo số dự án được cấp phép có thể lên tới 60 triệu tấn/năm, trong khi quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt chỉ là 10-11 triệu tấn/năm vào năm 2010 và khoảng 24-25 triệu tấn vào năm 2025. Đó là còn chưa kể tới việc môi trường bị phá hủy, rất nhiều đất đai bị sử dụng lãng phí trong khi nông dân bị thu hồi đất thì không có việc làm, không có kế sinh nhai…

Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, đây là một quyết định kịp thời nhằm tránh cho ngành thép lặp lại tình cảnh nơi nơi làm gang thép, bất chấp mất cân đối cung cầu như đã từng xảy ra với xi măng lò đứng trước đây. Điều này cũng tránh cho Nhà nước sự lãng phí lớn.

Trước thực tế đó, việc VPCP ra Công văn số 1708/VPCP-KTN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các địa phương có liên quan phối hợp với các bộ chấn chỉnh ngay công tác cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án thép tại địa phương, tạm dừng cấp giấy chứng nhận đầu tư các dự án thép xây dựng thông thường được đánh giá là một quyết định rất đúng đắn và cần thiết. Bởi lẽ theo dự báo, nhu cầu thép thông thường trong thời gian tới không tăng, trong khi năng lực hiện tại của các nhà máy thép đã thừa sức đáp ứng.

Trong Công văn 1708 cũng nêu rõ: các dự án sản xuất thép chỉ được xem xét nếu đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu quặng sắt, các dự án sản xuất thép chất lượng cao như: thép kỹ thuật điện, ống thép không hàn, thép hình cỡ lớn, thép hợp kim, thép đặc biệt. Có nghĩa là, Chính phủ không đóng cửa hoàn toàn đối với đầu tư vào ngành thép, mà những dự án sản xuất thép kỹ thuật cao, thép đặc biệt… vẫn tiếp tục được cấp phép vì đây là những lĩnh vực Việt Nam còn yếu trong khi nhu cầu trong tương lai sẽ lớn. Nhưng theo ông Phạm Chí Cường, để tránh xảy ra tình trạng bùng phát như thời gian qua, cần chú trọng thực lực của nhà đầu tư nước ngoài khi xét duyệt dự án. Dù quyết định này được cho là một cách để lập lại trật tự trong ngành thép vốn đang rất lộn xộn nhưng theo ông Cường, cách lập lại trật tự nhanh nhất chính là thử thách khắc nghiệt của nền kinh tế hiện nay. Chỉ những doanh nghiệp có thực lực mới có thể tồn tại qua giai đoạn này, còn những doanh nghiệp yếu sẽ phải phá sản./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên