Lập “siêu ủy ban” quản lý hàng trăm tỷ USD liệu có cần thiết?

VOV.VN - Có ý kiến cho rằng chỉ nên giao về cho một bộ quản lý giám sát tài sản, vốn của doanh nghiệp nhà nước không nhất thiết phải lập “siêu ủy ban”.

Tiếp tục câu chuyện dự thảo nghị định thành lập ủy ban quản lý, giám sát tài sản, vốn của doanh nghiệp nhà nước, một số chuyên gia cho rằng, nếu ủy ban được thành lập sẽ có nhiều thách thức đặt ra. Bởi ngoài việc quản lý vốn nhà nước lên tới hàng trăm tỷ USD, ủy ban này còn được phép duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh của 30 tập đoàn, tổng công ty lớn.

Trong khi đó, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lại đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Lo ngại đặt ra là, liệu ủy ban quản lý, giám sát tài sản, vốn của doanh nghiệp nhà nước có đủ năng lực để phê duyệt, bảo toàn và tối đa hóa giá trị vốn đầu tư và tài sản nhà nước theo phương thức đầu tư hay không?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân có ý kiến nên đưa vấn đề quản lý, giám sát tài sản, vốn của doanh nghiệp nhà nước về Bộ Tài chính. (Ảnh: Internet)

Giao về một đầu mối là Bộ Tài chính?

Quan điểm của ông Trần Hoàng Ngân - ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh khi trao đổi với báo chí đã cho rằng, nên đưa vấn đề quản lý, giám sát tài sản, vốn của doanh nghiệp nhà nước về một đầu mối, đó là Bộ Tài chính mà không nhất thiết phải thành lập thêm một ủy ban như dự thảo nghị định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Bởi vì Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội trong việc báo cáo về tình hình tài chính ngân sách. Nhiệm vụ của bộ này làm sao sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính quốc gia. Bộ Tài chính có quyền quyết định những vấn đề tài chính, và khi đã làm chủ tài chính là đã làm chủ doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp nào không đạt được mức trích nộp về cho ngân sách nhà nước, không đạt về mức tăng trưởng thì Bộ có quyền cắt nguồn.

“Tại sao lại phải lập ra“siêu” ủy ban, “siêu” bộ máy nữa làm gì? Rất mệt! Trong khi ta đã có Luật Quản lý vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Như vậy, Bộ Tài chính sẽ quản lý về vốn, còn sản xuất kinh doanh thì giao cho doanh nghiệp. Bộ chỉ cần biết mỗi năm tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp là bao nhiêu, trích lập bao nhiêu? Nên giao hẳn vấn đề này cho Bộ Tài chính và có sự giám sát của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm.

Cũng theo Đại biểu Trần Hoàng Ngân, khi đã giao “siêu ủy ban” này cho Bộ Tài chính thì gắn trách nhiệm giữ kỷ cương ngân sách nhà nước. Bộ Tài chính có nhiệm vụ giữ mức tăng và kéo giảm bội chi ngân sách nhà nước, giữ nhiệm vụ quản lý nợ của Chính phủ và tài sản của nhà nước.

“Vốn nhà nước hiện nay nên sử dụng như thế nào đó để mỗi năm đưa về cho ngân sách từ 100.000 – 200.000 tỷ. Vừa qua chúng ta cũng thu về 50.000 tỷ lợi tức Chính phủ từ đầu tư vốn của nhà nước, do đó nên đưa ra chỉ tiêu để gắn với việc sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính quốc gia. Ví dụ, vốn nhà nước có 1 triệu tỷ đồng, trong khi lãi suất ngân hàng đang là 5% thì đơn vị quản lý phải mang về cho nhà nước ít nhất 50.000 tỷ đồng/năm”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề xuất.

Theo cách phân tích của Đại biểu Trần Hoàng Ngân thì với chủ trương hiện nay đang là làm sao để tách bạch được giữa quản lý nhà nước với kinh doanh. Nhưng nếu bây giờ lại thành lập thêm một ủy ban quản lý nhà nước đồng nghĩa với việc chuyển từ cơ quan quản lý nhà nước này sang một cơ quan quản lý nhà nước khác.

Nếu làm như vậy có thể sẽ can thiệp sâu vào quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Cho nên hơn lúc nào hết vẫn cần phải đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Sẽ tránh được đầu tư dàn trải?

Phân tích ở một góc độ khác, ông Phạm Tất Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long mặc dù ủng hộ ý tưởng thành lập một cơ quan quản lý, giám sát nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn. Bởi theo Đại biểu Thắng, thực tế thời gian qua việc quản lý vốn ở các doanh nghiệp nhà nước có vấn đề nên nhiều dự án nghìn tỷ phải đắp chiếu, không phát huy hiệu quả.

Điều này liên quan đến việc mỗi tập đoàn, tổng công ty do một bộ chủ quản và có phương thức quản lý khác nhau, dẫn đến sự không tương đồng trong quản lý vốn nhà nước.

Trong khi đó, các cơ quan do bận các chức năng quản lý nhà nước nên chưa quan tâm đến việc quản lý các tập đoàn, tổng công ty trực thuộc. Cho nên, việc tăng cường quản lý với một đầu mối thống nhất để quản lý các dự án trong quá trình đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công là cần thiết.

Tuy nhiên, nếu để một cơ quan quản lý vốn với phạm vi và quyền hạn lớn, rộng như như dự thảo đề xuất, trong khi có rất nhiều doanh nghiệp với những lĩnh vực hoạt động khác nhau thì cách thức tổ chức bộ máy thế nào là bài toán lớn cần phải giải quyết.

“Tôi ủng hộ ý tưởng nhưng để thành thực tiễn cần phải cân nhắc nhiều yếu tố. Về phương thức, cơ quan này phải được tổ chức gọn nhẹ và hiệu quả theo hướng không phải cơ quan quản lý hành chính, hiệu quả sử dụng vốn phải được đặt lên hàng đầu. Cơ quan này phải là một thể chế mới với những quy định cụ thể, đặc biệt phải có chế tài xử lý đủ sức răn đe, tránh lạm quyền”, Đại biểu Phạm Tất Thắng chỉ rõ.

Phân tích sâu hơn về mặt tích cực khi thành lập ủy ban, Đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng, khi có cơ quan đầu mối thống nhất trực thuộc Chính phủ quản lý vốn của tất cả tập đoàn, tổng công ty nhà nước sẽ cân đối, phân bổ nguồn lực tập trung. Tránh tình trạng hiện nay ngân sách cấp đồng loạt cho các doanh nghiệp mà không tính đến hiệu quả hoạt động thực sự. Quan trọng hơn là nếu trong trường hợp doanh nghiệp nào cần đầu tư nhiều hơn sẽ có thể khắc phục được./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

SCIC đang rót tiền của Nhà nước vào đâu?
SCIC đang rót tiền của Nhà nước vào đâu?

Sứ mệnh mang tiền nhà nước đi đầu tư không hề dễ dàng, SCIC đang có nguy cơ bị sa lầy, mất vốn trong không ít dự án...

SCIC đang rót tiền của Nhà nước vào đâu?

SCIC đang rót tiền của Nhà nước vào đâu?

Sứ mệnh mang tiền nhà nước đi đầu tư không hề dễ dàng, SCIC đang có nguy cơ bị sa lầy, mất vốn trong không ít dự án...

Lập “siêu ủy ban” quản lý khối tài sản 100 tỷ USD của DN Nhà nước
Lập “siêu ủy ban” quản lý khối tài sản 100 tỷ USD của DN Nhà nước

Siêu ủy ban sẽ quản lý vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại các doanh nghiệp lên tới 1,2 triệu tỷ đồng, giá trị tài sản là hơn 3,1 triệu tỷ đồng.

Lập “siêu ủy ban” quản lý khối tài sản 100 tỷ USD của DN Nhà nước

Lập “siêu ủy ban” quản lý khối tài sản 100 tỷ USD của DN Nhà nước

Siêu ủy ban sẽ quản lý vốn chủ sở hữu của Nhà nước tại các doanh nghiệp lên tới 1,2 triệu tỷ đồng, giá trị tài sản là hơn 3,1 triệu tỷ đồng.

“Siêu” Ủy ban quản lý vốn Nhà nước: Tham vọng lớn, giám sát thế nào?
“Siêu” Ủy ban quản lý vốn Nhà nước: Tham vọng lớn, giám sát thế nào?

VOV.VN - Dự thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp đang thu hút dư luận.

“Siêu” Ủy ban quản lý vốn Nhà nước: Tham vọng lớn, giám sát thế nào?

“Siêu” Ủy ban quản lý vốn Nhà nước: Tham vọng lớn, giám sát thế nào?

VOV.VN - Dự thảo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản Nhà nước tại doanh nghiệp đang thu hút dư luận.