Mỗi người dân Việt Nam “gánh” nợ công tăng lên hơn 905 USD

VOV.VN -Đến 13/6/2014, nợ công của Việt Nam đang ở mức trên 81,885 tỷ USD, chiếm 47,7% GDP.

Theo Đồng hồ nợ công toàn cầu (Global debt clock) trên trang The Economist.com, tính đến 10h00 (giờ Việt Nam) hôm nay (13/6), nợ công của Việt Nam đang ở mức trên 81,885 tỷ USD; bình quân nợ công theo đầu người là 905,18 USD; nợ công chiếm 47,7% GDP, tăng 10,9% so với năm 2013. Nợ công toàn cầu thời điểm này đang ở mức trên 53.551 tỷ USD.

Trước đó, tính đến 11h00 (giờ Việt Nam) hôm 23/3, nợ công của Việt Nam ở mức trên 80,070 tỷ USD; bình quân nợ công theo đầu người là 886,36 USD; nợ công chiếm 48,0% GDP, tăng 11,2% so với năm 2013. Nợ công toàn cầu thời điểm này đang ở mức trên 52.945 tỷ USD.

Như vậy, sau 3 tháng, tổng nợ công của nước ta tăng 1,815 tỷ USD, bình quân nợ theo đầu người tăng 18,82 USD. Nhưng tính theo GDP, 3 tháng qua, tỷ lệ nợ công giảm 0,3%.  

Liên quan đến nội dung về nợ công, chiều 11/6, báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Quốc hội cho biết: Theo số tuyệt đối, nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nếu so với GDP thì tỷ lệ thay đổi không nhiều, (tỷ lệ nợ công trên GDP qua các năm 2010 là 51,7%, 2011 là 50,1%, đến 2012 là 50,8%  và ước tính của 2013 là 54,1%).

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định: Nợ công hiện ở dưới mức theo nghị quyết của Quốc hội là 65%. Nhưng sở dĩ nợ công tăng nhanh như vậy là vì đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn của Nhà nước tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế cho đầu tư phát triển còn chưa lớn, để có nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu phát triển của đất nước, cần phải huy động nguồn tài chính bổ sung cho đầu tư phát triển, đặc biệt là cơ sở hạ tầng.

Về cơ cấu nợ công, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, khoảng 50% là nợ nước ngoài. 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ. Do vậy, áp lực về vay mới để trả các khoản vay cũ trong nước là tương đối lớn.

Tại Việt Nam, theo quy định của Luật Quản lý nợ công hiện hành, nợ công bao gồm: nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Còn các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh, nợ vay về cho vay lại của Chính phủ đã được tính trong phạm vi nợ công. Các khoản vay nợ của doanh nghiệp không được tính trong nợ công, bởi doanh nghiệp là người trực tiếp đi vay nợ để đầu tư và có nghĩa vụ trả nợ. Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trả nợ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên