Nâng cao sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch Hà Nội

VOV.VN - Đây là nội dung chính tại Hội thảo tổ chức sáng 4/4 trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam 2015.

Những năm qua, lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến Hà Nội tăng trưởng khá, với tốc độ trung bình năm trên 10%. Năm 2014, thành phố đón 3 triệu lượt khách quốc tế và 15,5 triệu lượt khách nội địa.

Nhiều khách du lịch coi Hà Nội là điểm đến lý tưởng
Tuy nhiên, với hệ thống tài nguyên du lịch phong phú, có giá trị, gồm trên 5 nghìn di tích lịch sử văn hóa, nhiều di tích được UNESCO cộng nhận là di sản văn hóa như Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, 82 bia Tiến sĩ tại Văn miếu Quốc Tử Giám… du lịch Thủ đô vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những cái có sẵn, phát triển còn manh mún, tự phát, chưa được quy hoạch, đầu tư tôn tạo đúng mức.

Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà nghiên cứu du lịch, các doanh nghiệp lữ hành đã đề xuất những giải pháp để nâng cao sức hấp dẫn của sản phẩm du lịch Thủ đô, như cần khắc phục hạn chế về cơ sở hạ tầng phục vụ du khách, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch, phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch…

Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist phát biểu, Hà Nội 3 năm liên tục gần đây tổng doanh thu du lịch đều chiếm trên 10% GDP của thành phố. Với đóng góp trên 10%, du lịch Hà Nội phải là kinh tế mũi nhọn.

Theo ông Lưu Đức Kế, lãnh đạo, các ban ngành hữu quan của thành phố phải xúc tiến đầu tư cho ngành mũi nhọn này. “Chúng ta đã có sản phẩm tốt, hàng đẹp nhưng chúng ta không biết chào, không biết giới thiệu cho người mua. Do vậy công tác chào mời, giới thiệu cần phải làm tốt hơn nữa,” ông nói.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho biết, Hội thảo nhằm tìm giải pháp tạo những sản phẩm du lịch tốt, tăng cường thu hút khách du lịch đến với Thủ đô và thúc đẩy sự phát triển bền vững của du lịch Hà Nội.

Ông Trương Minh Tiến đề xuất cần phải đẩy mạnh xã hội hóa mới đảm bảo phát triển bền vững cho ngành du lịch. “Nhà nước chỉ đóng vai trò quản lý, tạo hành lang và có những cái gọi là hỗ trợ,” ông nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên