Người Dao “hô biến” lá thuốc nam thành hàng hóa

VOV.VN - Những dược liệu truyền thống của người Dao ở Hoành Bồ (Quảng Ninh) được chính đồng bào bảo tồn, bước đầu phát triển thành sản phẩm hàng hóa.

Người Dao ở Hoành Bồ, Quảng Ninh có nghề thuốc từ lâu đời, nổi tiếng với những loại lá tắm phòng, trị bệnh công hiệu. Những dược liệu truyền thống đó nay được chính đồng bào bảo tồn, bước đầu phát triển trở thành sản phẩm hàng hóa, đem lại những đổi thay tích cực.

Bài lá thuốc tắm được người Dao Đồng Sơn chọn lựa cẩn thận, theo bí quyết riêng gia truyền
Từ trung tâm huyện Hoành Bồ ngược lên xã miền núi Đồng Sơn, xã đặc biệt khó khăn với 98% là người dân tộc Dao, mất hơn 1 giờ đồng hồ, con đường 30km vắt vẻo qua những vạt rừng xanh mướt. Từ lúc lọt lòng, cuộc sống của đồng bào nơi đây đã gắn bó với cánh rừng. Rừng là nhà, rừng cho họ kế sinh nhai, cái ăn, cái mặc và đặc biệt, cho họ một món quà quý giá: những lá thuốc nam.

Ông Bàn Sinh Quan, gần 70 tuổi ở thôn Tân Ốc 2 chậm rãi kể, người Dao Đồng Sơn không biết từ bao đời đã truyền cho nhau những bài dược liệu từ lá cây rừng, dùng để nấu nước uống, để tắm và ngâm chân vô cùng công hiệu.

Theo ông Quan, lá tắm này giúp cho cơ thể khỏe mạnh, tăng cường bạch - hồng cầu, chống gió, chống độc được phần nào. Bài thuốc có từ ngày xưa, gia truyền mấy đời rồi. Làm bài thuốc này khó vì lá thuốc nằm rải rác khắp các khe núi, không phải là người nào cũng biết.

Trước những năm 90, đường sá khó khăn, chẳng ai biết bệnh viện thế nào. Những bệnh cảm mạo, đau nhức xương khớp, tê bì chân tay, người ốm cần phục hồi sức khỏe, đều nhờ cả vào thứ dược liệu quý giá lấy từ rừng già. Đặc biệt, phụ nữ Dao sinh nở, ai cũng dùng lá thuốc tắm. Bằng 3-7 nồi thuốc, có khi sau sinh chỉ 3 ngày đã có thể lên nương, lên rừng. Trẻ con sơ sinh tắm lá không mụn nhọt, rôm sảy, lớn lên ít ốm vặt, khỏe khoắn như cây cỏ.

Là người Dao Đồng Sơn, có ai không biết những cây lá quen thuộc cù gay khăng, địa gió, bàn tay ma, xương bồ, địa khang đỏ, huyết đằng,… Lá thuốc mọc đầy trên rừng, nhưng việc phối hợp, chế biến, đun nấu lại là bí quyết riêng của từng người. Những ông lang, bà lang như ông Quan quen rừng đến mức thuộc từng gốc cây, khe suối. Họ chỉ truyền lại nghề cho con cháu trong gia đình.

Anh Linh Du Hương từ bé đã cùng bà nội, rồi bố mẹ lên rừng hái lá thuốc. Người đi trước chỉ mang thuốc đi bán rong trong huyện, sang Hải Dương, Hải Phòng, Nam Định, còn anh lại trăn trở làm sao biến “đặc sản” dân tộc mình thành sản phẩm hàng hóa.

Anh Linh Du Hương tự hào về sản phẩm quê mình, nhưng vẫn trăn trở với nhiều khó khăn phát triển thành hàng hóa
Cơ hội đã đến khi Quảng Ninh đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, tháng 7/2015, anh Linh Du Hương thành lập HTX Quế Sơn, thực hiện Dự án sản xuất và phát triển sản phẩm lá tắm truyền thống của đồng bào người Dao.

Vốn đầu tư trên 1,6 tỷ đồng, nhưng được Nhà nước hỗ trợ một nửa xây dựng cơ sở hạ tầng, máy móc, chuyển giao công nghệ sản xuất. Xưởng chế biến mọc lên giữa rừng cây, thu mua lá thuốc tạo công ăn việc làm cho đồng bào. Tỉnh có chương trình Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP), lá tắm thuốc nam người Dao cũng được đóng góp, bước đầu xây dưng trở thành thương hiệu riêng của Hoành Bồ quê anh.

Tuy vậy, "vạn sự khởi đầu nan", hiện nay sản phẩm lá tắm còn sản xuất ở quy mô nhỏ, đã được bày bán tại các điểm bán hàng OCOP trong tỉnh nhưng chưa được nhiều người tiêu dùng biết đến và tiêu thụ chậm.

Đặt nhiều niềm tin vào sản phẩm quê mình, anh Đặng Hữu Linh, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn không chỉ trăn trở khâu tiêu thụ mà còn lo bảo tồn bài thuốc quý. Những năm gần đây, nguồn nguyên liệu đã dần thưa thớt, dù đã mở rộng vùng khai thác không chỉ trong xã mà còn rẻo cao Kỳ Thượng, sang huyện Ba Chẽ lân cận. Đồng Sơn vận động người đi rừng chỉ lấy cành lá, không lấy củ, đồng thời bước đầu nhân giống để trồng.

Anh Đặng Hữu Linh chia sẻ: "Chúng tôi đã mở các CLB, các lớp để các thầy lang cao tuổi truyền dạy, trao đổi lại nghề thuốc nam cho thế hệ trẻ. Vừa qua cũng đã hỗ trợ cho 10 hộ dân trồng và bảo tồn. Làm thế nào để tương lai sau này nhân dân có thể tập trung phát triển, tạo nguồn lực kinh tế của địa phương, giúp cho người dân thoát nghèo một cách bền vững".

Hoành Bồ cũng đã có các biện hỗ trợ HTX tăng cường quảng bá, đưa sản phẩm lá tắm người Dao tới gần hơn với người tiêu dùng, tới du khách ở trung tâm du lịch Hạ Long lân cận. Một vùng dược liệu của huyện và Quảng Ninh được kỳ vọng sẽ dần hình thành, đưa những bài thuốc nam trở thành sản phẩm hàng hóa, vừa bảo tồn vừa phát triển đời sống văn hóa, kinh tế của đồng bào rẻo cao./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên