Người tiêu dùng nói về việc tăng giá xăng dầu

Người dân lo ngại, giá xăng dầu tăng sẽ kéo theo nhiều mặt hàng khác cũng tăng giá. Còn doanh nghiệp “than” khó khăn trong sản xuất, kinh doanh  

Việc điều chỉnh giá xăng dầu vào chiều 13/8 đã tác động nhiều đến đời sống người dân và hoạt động của các doanh nghiệp tại TPHCM.

Chiều 14/8, sau đúng một ngày điều chỉnh giá xăng dầu tăng thêm 1.100 đồng/lít xăng, các cửa hàng xăng dầu trong thành phố vẫn tấp nập người đổ xăng. Bởi lẽ, xăng là mặt hàng thiết yếu, giá thế nào thì người dân cũng vẫn phải mua để dùng.

Nhiều người dân cho rằng, mình không còn quan tâm đền giá cả xăng dầu, không biết bao nhiêu tiền một lít xăng vì giá được điều chỉnh liên tục. Người nhìn xa hơn thì lo ngại, giá xăng tăng sẽ kéo theo hàng loạt thứ khác tăng giá, cuộc sống vốn đã khó khăn sẽ khó khăn hơn.

Anh Đỗ Mạnh Cường, người dân quận Bình Thạnh, TP HCM nói: “Giá xăng lên thì thấy khó khăn trong cuộc sống nhưng vì công việc thì mình vẫn phải đổ để đi làm. Mỗi lần tăng giá thì tăng nhiều mà giảm thì ít khi giảm. Hy vọng nhà nước điều hành giá xăng sao cho đúng với cơ chế thị trường để người dân được hưởng lợi từ cơ chế đó chứ người thu nhập thấp, nhất là công nhân mà xăng cứ lên thế này thì rất khổ”.

Về phía các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vận tải, việc tăng giá xăng dầu đã gây nhiều khó khăn trong hoạt động và nhiều doanh nghiệp đã phải tính đến chuyện tăng giá vận tải khi được phép. Đại diện taxi Mai Linh cho biết, giá xăng tăng 1.100 đồng/lít là quá cao và ngoài dự đoán của doanh nghiệp. Bởi cách đây hơn 10 ngày, giá xăng đã tăng với mức 900 đồng/lít. Hội đồng quản trị của Mai Linh đã khẩn cấp họp để có quyết định điều chỉnh giá cước.

Các doanh nghiệp cho rằng, Bộ Tài chính đã không làm đúng cam kết là điều chỉnh giá xăng dầu theo biên độ 30 ngày, vì lần điều chỉnh này biên độ chỉ có 10 ngày. Thêm vào đó, cách tính giá cả theo kiểu cộng dồn giá của 10 ngày lại rồi chia bình quân ra là không đúng. Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đương nhiên phải biết tính toán nhập hàng lúc nào và nhập bao nhiêu để có lợi nhất.

Đây đã là lần thứ hai sau khi được trao quyền chủ động giá, các doanh nghiệp đầu mối đã “chọn” cách tăng cùng một mức giá, thời điểm chênh lệch không đáng kể. Tất cả những yếu tố đó khiến việc đưa giá xăng dầu về dần với thị trường còn rất xa.

Ông Lương Hoàng Trung, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội vận tải hàng hóa TPHCM nói: “Vấn đề cơ chế điều chỉnh giá xăng dầu thì Nhà nước nên có chính sách dài hơn. Khi nói là kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường thì cách điều chỉnh của các đơn vị phải có sự chênh lệch rõ ràng, chẳng hạn như Petrolimex thì phải khác với Xăng dầu Đồng Tháp, chứ không thể theo cơ chế thị trường mà điểm xuất phát và điểm đi tới đều giống nhau. Thế là không đúng. Vấn đề ở đây là điều chỉnh giá xăng dầu phải thể hiện được: khi cho điều chỉnh là nhà nước phải nắm được ngày 1,2,3 số lượng nhập từng lô hàng là bao nhiêu, chứ không thể cứ lấy giá 10 ngày lại chia bình quân rồi nói đây là giá thay đổi là không đúng”.

Theo một số chuyên gia kinh tế, mấu chốt vấn đề khiến giá xăng dầu liên tục biến động như hiện nay vẫn là do cơ chế giá. Thị trường xăng dầu vẫn đang là độc quyền của một số ít doanh nghiệp đầu mối thì nhà nước phải có sự can thiệp, kiểm soát chặt chẽ về giá. Mặt khác, việc công khai giá vốn, chi phí, lượng hàng nhập và tồn kho của các đầu mối là hết sức cần thiết, để đảm bảo minh bạch lỗ lãi và xác định rõ mức tăng của các doanh nghiệp có thực sự hợp lý hay không./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên