“Người Việt dùng hàng Việt” - yêu nước là đây

Để hàng Việt có thể hấp dẫn được người tiêu dùng trong nước trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt, điều cốt lõi vẫn là lòng tự tôn quốc gia của mỗi người dân Việt Nam.  

Cuộc cách mạng chung

Tại cuộc Giao lưu trực tuyến “Để tự hào hàng Việt” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Thời báo kinh tế Việt Nam tổ chức chiều 30/10, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ phó Vụ chính sách thuế Bộ Tài chính khẳng định, đợt vận động người Việt dùng hàng Việt là chủ trương, cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa sâu sắc, mang tính lâu dài, bền bỉ để cổ vũ mọi người yêu chuộng hàng Việt. Qua đó, tạo động lực để các nhà sản xuất hàng hoá chất lượng, có khả năng cạnh tranh tốt hơn, làm tiền đề để hàng Việt vươn ra thế giới.

Ông Phụng cũng nhấn mạnh, cuộc vận động tác động đến ý thức trách nhiệm, tự tôn dân tộc, tự lực tự cường. Mỗi một người dân, đơn vị quan tâm thì cuộc vận động này sẽ đem lại kết quả lớn cho đất nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc định nghĩa thế nào là hàng Việt, làm cách nào để người dân ưa dùng hàng Việt… vẫn là một bài toán khó.

Ủng hộ hàng Việt Nam cũng là cách bày tỏ lòng yêu nước

Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cà phê Trung Nguyên, cuộc vận động chỉ đạt kết quả khi “3 trụ”: Chính phủ - Doanh nghiệp - Người tiêu dùng cùng cố gắng theo một hướng. Trong đó, doanh nghiệp phải đi đầu trong áp dụng công nghệ, thay đổi phương thức làm ăn để nâng cao chất lượng sản phẩm, quan tâm dịch vụ khách hàng, đầu tư khâu hậu mãi- điều mà lâu nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa chú trọng.

Cùng chung ý kiến, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Tổng GĐ Công ty cổ phần May 10 cho rằng, “các doanh nghiệp Việt Nam cần cung cấp sản phẩm tốt nhất cho người Việt Nam. Chỉ khi nào tôn trọng người tiêu dùng Việt Nam, sản phẩm đó đi ra thế giới mới được tôn trọng”.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng rất cần sự ủng hộ của người dân, và sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, trên tinh thần vì nền kinh tế Việt Nam, thương hiệu Việt Nam. Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, các bên phải phấn đấu vì mục tiêu chung là khát vọng quốc gia, trên nguyên tắc công bằng. Mọi sự hỗ trợ là theo nhiệm vụ vì đất nước chứ không phải là ban ơn hay “xin cho”. Có như vậy, hàng Việt mới có chỗ đứng, đặc biệt là trong lòng người dân Việt.

“Làm bằng người ta sẽ đi sau người ta”

Theo ông Đặng Lê Nguyên Vũ, hàng Việt trước hết phải của cơ sở sản xuất do người Việt làm chủ. Cuộc vận động phải hướng vào khát khao của quốc gia, phải cố kết dân tộc, lấy kinh tế làm trung tâm của mọi trung tâm.

Khi đã gia nhập và tuân theo luật chơi chung của thế giới, doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh với nhiều đối thủ mạnh, thậm chí là tham gia cuộc chơi không cân sức. Do đó, cần phải suy nghĩ rằng, hàng Việt Nam không sống được trên đất nước mình thì làm sao sống được trên thế giới!

TS Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng Thư ký Hội doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, việc vận động người Việt dùng hàng Việt thể hiện ở 4 yếu tố: Nếu đúng xu thế phát triển sẽ hỗ trợ cho quá trình hội nhập. Ngược lại, có thể nảy sinh về vấn đề nuôi dưỡng những doanh nghiệp theo cơ chế kiểu bao cấp. Bên cạnh đó, công tác truyền thông phải phù hợp với quy định của WTO, không mang tính kỳ thị hàng ngoại. Một yếu tố quan trọng là hình thành nên những thương hiệu toàn cầu, xây dựng thương hiệu quốc gia tạo ra đầu tầu kéo theo thương hiệu khác; thay đổi tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng. Ngoài ra, chính phủ cũng cần có những cơ chế bảo hộ bản quyền, tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển.

Cuộc giao lưu "Để tự hào hàng Việt" (Ảnh:chinhphu.vn)

Ông Cường cũng nhấn mạnh, mỗi người dân, đơn vị phải có hành động cụ thể để ủng hộ cho hàng Việt, không chỉ là việc kêu gọi chung chung. Nội lực của doanh nghiệp + ủng hộ của người dân + hỗ trợ doanh nghiệp sẽ tạo động lực rất lớn cho hàng Việt phát triển.

Với người tiêu dùng, theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, khi lựa chọn mua cùng một sản phẩm mà chưa biết giá trị thật của sản phẩm đó với giá cao gấp nhiều lần hàng Việt, thì việc làm đó cũng cần xem xét lại. Với mặt hàng may mặc, từ lâu hàng Việt Nam đã khẳng định được vị trí của mình trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều người Việt Nam với tâm lý sính ngoại nhiều khi không quan tâm đến những sản phẩm nội.

Điều đó cũng có nghĩa, để hàng Việt hấp dẫn được người Việt, công tác tư tưởng vẫn phải đóng vai trò hàng đầu. Theo cách nói của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, chúng ta phải thực hiện thật tốt “công tác dân vận”, nêu cao tinh thần tự tôn dân tộc ở mỗi doanh nghiệp, đơn vị, người dân.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu, cuộc vận động diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động xấu, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng có một ý nghĩa to lớn. Đây cũng là cơ hội cho hàng Việt Nam tự tìm cho mình một hướng đi thích hợp, hướng đến người tiêu dùng trong nước; là dịp để mỗi một người dân biểu hiện lòng yêu nước của mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên