Nhiều doanh nghiệp Pháp có nguy cơ phá sản: Cần thận trọng khi ký kết hợp đồng

Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết, hiện một số công ty nhập khẩu Pháp đã có dấu hiệu khó khăn trong việc thanh toán đầy đủ và đúng hạn cho các bạn hàng.

Các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần thận trọng khi ký kết hợp đồng và giao hàng trả chậm cho các nhà nhập khẩu. Các hợp đồng có giá trị lớn cần phải có điều kiện thanh toán an toàn, tốt nhất là L/C không thể hủy ngang do một ngân hàng có uy tín đảm bảo. Nếu là khách hàng mới nên cẩn thận tìm hiểu đối tác trước khi xếp hàng lên tàu.

Mặc dù vẫn được coi là khá hơn nhiều nền kinh tế trong khu vực châu Âu năm 2011, kinh tế Pháp với mức tăng trưởng 1,65% so với năm 2010 có thể được ví như một cỗ xe đang lên dốc bị hụt hơi mà lại có nhiều người đeo bám.

Về đối ngoại, Pháp phải thể hiện vai trò của một nước lớn trong việc giải cứu các nước thành viên EU đang hoặc sắp lún sâu vào khủng hoảng nợ công và giúp đỡ các nước châu Phi bất ổn.

Về đối nội, chế độ phúc lợi hào phóng được xác lập trong thời kỳ kinh tế phồn thịnh đang trở thành gánh nặng quá sức của Ngân sách nhà nước và thổi căng quả bóng nợ công.

Thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước suy giảm trong khi chi phí sản xuất - kinh doanh tăng cao (chi phí nhân công + bảo hiểm y tế cao, thuế nặng, đồng euro mất giá,…) là nguyên nhân chính đẩy nhiều doanh nghiệp Pháp đến chỗ phá sản. Theo Viện nghiên cứu và thống kê kinh tế Pháp (INSEE), hơn 41 ngàn doanh nghiệp đã tuyên bố phá sản trong năm 2011, tăng 8,99% so với năm 2010. Số người thất nghiệp vì thế cũng tăng cao kỷ lục kể từ năm 1999, vượt ngưỡng 2,85 triệu tính đến cuối tháng 12/2011./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên