Hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết Tam nông:

Nhiều “nút thắt” được gỡ

Sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bước đầu những chính sách từ Nghị quyết đã và đang dần đi vào cuộc sống, mang lại nhiều ích lợi thiết thực cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Hôm nay (17/9), tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo về kết quả phối hợp thực hiện Nghị quyết 26 – NQ/TƯ “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn”  do Hội nghị T.Ư 7 thông qua vào tháng 8/2008.

Trải thảm đỏ để thu hút đầu tư

Sau hơn 20 năm đổi mới, tình hình đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (NNNT) có thể nói đang ở ngưỡng thấp nhất, tỉ lệ nghịch so với sự phát triển của ngành cũng như toàn nền kinh tế đất nước. Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy, đầu tư Nhà nước vào NNNT chỉ chiếm chưa đầy 34.000 tỷ đồng (trong tổng vốn đầu tư xã hội là 520.000 tỷ đồng) và tỷ trọng mỗi năm cũng chỉ tăng có 4%.

TS. Đào Quang Thu, Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ KH-ĐT) cho rằng: “Hiện tại, nhiều nguồn tài nguyên đất đai, mặt nước chưa được khai thác hiệu quả, diện tích rừng và đất rừng rất lớn, nhưng đóng góp cho GDP lại thấp. Ngành khai thác hải sản xa bờ, nuôi trồng thuỷ sản trên biển chưa được phát triển; giá trị sản xuất trên một hecta đất đai còn thấp xa so với nhiều nước trên thế giới; công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề chậm phát triển...”.

Trước những hạn chế này, Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT thực hiện dự thảo Đề án “Khuyến khích đầu tư vào NNNT” để phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH nông thôn, đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, vào khu vực dịch vụ NNNT. Theo dự thảo mới nhất của đề án này, việc đầu tư vào NNNT sẽ tập trung vào 2 nhóm đối tượng: Các dự án do chính Nhà nước chủ động triển khai và các dự án do các nhà đầu tư ngoài Nhà nước, bao gồm DN trong nước, DN có vốn nước ngoài, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể… đầu tư. Khi đầu tư vào NNNT, các nhà đầu tư sẽ được miễn tiền sử dụng đất đối với các dự án thuộc lĩnh vực đặc biệt ưu đãi đầu tư tại địa bàn có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, được giảm 20-50% tiền sử dụng đất phải nộp trong một số trường hợp khác… Ngoài ra, dự thảo đề án còn đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ để thu hút DN đầu tư vào NNNT như miễn, giảm thuế thu nhập DN; Miễn, giảm thuế giá trị gia tăng; đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho NNNT...

Bên cạnh đó, để giúp nông dân, DN vượt qua khủng hoảng, trong năm 2009, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 497 về việc hỗ trợ lãi suất mua máy móc, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Mặc dù còn nhiều vướng mắc, song theo nhận định của hầu hết các chuyên gia, chính sách này như một “liều thuốc bổ” bơm vào cơ thể đang ốm yếu. Gần 1.000 tỷ đồng vốn hỗ trợ lãi suất đã được giải ngân trong hơn 4 tháng qua đã đem lại nhiều kết quả tích cực cho sản xuất nông nghiệp như: người dân mở rộng sản xuất hơn, tỉ lệ cơ giới hoá máy móc trong nông nghiệp tăng cao.

Lập “hàng rào” bảo vệ đất lúa

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ năm 2007 đến nay, trung bình mỗi năm, cả nước chuyển đổi 50.000ha đất lúa sang mục đích phi nông nghiệp, tương đương với khoảng nửa triệu tấn thóc bị mất đi, cùng hàng triệu người nông dân bị mất việc. Để hạn chế việc các khu công nghiệp, đô thị và cả sân golf “gặm nhấm” đất lúa, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã đưa ra hàng loạt các văn bản, chính sách mới. Đơn cử, Chính phủ đã phê duyệt Nghị định 69 “Quy định bổ sung về sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư” sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10 tới đây.

Theo ông Phùng Văn Nghệ, quyền Tổng Cục trưởng Tổng Cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT): “Đối với đất nông nghiệp trong khu dân cư và đất vườn, ao không được công nhận là đất ở, ngoài việc nhận bồi thường theo giá đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, người có đất bị thu hồi còn được hỗ trợ bằng 30 - 70% giá đất của thửa đất đó; diện tích được hỗ trợ không quá 5 lần hạn mức giao đất tại địa phương. Trong trường hợp người dân bị thu hồi từ 30% - 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng, sẽ được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất trong 24 tháng, trường hợp bị thu trên 70% diện tích sẽ được hỗ trợ trong thời gian tối đa 36 tháng”.

Đến năm 2015, cả nước sẽ có trên 20% trong tổng số gần 10.000 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập dân cư nông thôn tăng trên 1,5 lần, giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 8%. Đến năm 2020, con số này sẽ là 50% số xã (tương đương 5.000 xã) đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, thu nhập dân cư tăng gấp 2 lần và tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 3%.

Trong khi đó, Bộ NN&PTNT cũng đang soạn thảo Nghị định về quản lý đất lúa. Ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Trong Nghị định sẽ có quy hoạch chi tiết và xác định vùng chuyên lúa nước, đảm bảo bằng mọi cách phải giữ được đất lúa với diện tích 3,6 - 3,8 triệu ha, đảm bảo đủ lương thực cho 130 triệu dân. Để tránh tình trạng cát cứ tại các địa phương, trong quy hoạch cũng sẽ ấn định diện tích trồng lúa đối với từng địa phương”. Theo Nghị định này, mọi vi phạm về đất lúa sẽ được xử lý nghiêm minh đối với những người có quyền quyết định về quản lý đất lúa.

“Đỉnh điểm” của việc bảo vệ đất lúa là việc Chính phủ đưa ra Nghị quyết tại phiên họp thường kỳ tháng 8 vừa qua, nhằm “ngăn chặn” việc các dự án sân golf “ăn” vào đất lúa. Theo đó, Chính phủ giao Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT, tiếp thu các ý kiến tại phiên họp, hoàn chỉnh Báo cáo quy hoạch phát triển sân golf đến năm 2020. Nghị quyết chỉ rõ: “Phát triển sân golf không được lấy đất trồng lúa, đất màu, đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị... không được hỗ trợ tài chính từ ngân sách và phải đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường”.

Ngoài những động thái bảo vệ đất lúa, nhiều chính sách liên quan tới việc đảm bảo đời sống cho nông dân, nhất là người trồng lúa cũng được ban hành như: bảo hiểm giá lúa 3.800 đồng/kg, thu mua hết lúa gạo cho dân…

Đột phá vào hạ tầng nông thôn

Trong Hội thảo phát triển nông thôn Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020, diễn ra hôm qua (16/9), tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT nhận định: “Trong những năm qua, mặc dù nông thôn nước ta đã được chú trọng đầu tư khá nhiều. Song theo đánh giá khách quan, đến nay nông thôn vẫn còn phát triển thiếu quy hoạch, tự phát. Kết cấu hạ tầng (giao thông, thuỷ lợi, trường học, điện...) lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu, đời sống của người nông dân còn ở mức thấp...”. Trước những bức xúc này, tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 491 ban hành bộ 19 tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Theo ông Tăng Minh Lộc, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), mục tiêu tổng quát của chương trình xây dựng nông thôn mới là phát triển nông thôn theo quy hoạch, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị, cải thiện đời sống vật chất của người dân, phát triển hạ tầng KT-XH... Hiện tại, Bộ NN&PTNT đang soạn thảo 11 đề án về PTNT, trong đó có các đề án về quy hoạch, phát triển hạ tầng KT-XH nông thôn, xoá đói - giảm nghèo, giáo dục - đào tạo, y tế...  “Để phục vụ được chương trình này, sẽ cần kinh phí rất lớn, trung bình mỗi xã cần 120-150 tỷ đồng” - ông Lộc cho biết.

Theo mục tiêu đã được Chính phủ đề ra: Đến năm 2015, cả nước sẽ có trên 20% trong tổng số gần 10.000 xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập dân cư nông thôn tăng gấp trên 1,5 lần, giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 8%. Đến năm 2020, con số này sẽ là 50% số xã (tương đương 5.000 xã) đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, thu nhập dân cư tăng gấp 2 lần và tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 3%./.

Ông Hồ Xuân Hùng

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng: Phải làm rõ vốn đầu tư cho nông nghiệp

Muốn làm gì thì cũng phải có nguồn lực - tiền và người để thực thi. Cho tới bây giờ, chúng ta đầu tư quá thấp cho nông nghiệp, không phải so với mong muốn của họ đâu mà so với thực tế đóng góp của họ, so với cái mà để họ phát triển được. Bây giờ, Chính phủ phải xác định tỷ lệ đầu tư vào nông nghiệp bao nhiêu cho hợp lý; cần có chính sách để doanh nghiệp bù đắp cái mà Chính phủ không làm được, đồng thời, cần huy động nguồn lực từ cộng đồng người dân và các tổ chức quốc tế thì mới giải quyết được. Tôi nghĩ, muốn giải quyết nhanh nhất thì Chính phủ phải làm rõ việc dành vốn đầu tư cho nông nghiệp là bao nhiêu. Nông nghiệp đã từng thắt lưng, buộc bụng cho công nghiệp phát triển, công nghiệp phải trả nợ cho nông dân, phải sòng phẳng như thế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên