Nhóm lợi ích và thủ tục hành chính đang cản trở doanh nghiệp

VOV.VN - Đây là ý kiến của các đại biểu Quốc hội là doanh nhân tại buổi gặp Chủ tịch nước chiều 25/10

Cuối giờ chiều nay (25/10) tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gặp mặt thân mật gần 40 đại biểu Quốc Hội là những doanh nhân, hiện đang tham dự kỳ 6, Quốc hội khóa XIII. Cùng dự có đại diện Trung ương Đoàn TNCSHCM, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội doanh nhân trẻ Việt Nam.  

Tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn và ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các đại biểu Quốc hội là doanh nhân đã thông báo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trong bối cảnh khó khăn chung, sức cầu yếu, lượng thất nghiệp tăng, những nỗ lực tự thân vận động của doanh nghiệp chưa mang lại nhiều kết quả; nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc hoạt động cầm chừng do hàng tồn kho nhiều, tiếp cận nguồn vốn khó dẫn đến 60% doanh nghiệp không có doanh thu nộp thuế...

Theo các đại biểu, định hướng phát triển kinh tế đúng nhưng thực tế triển khai không hiệu quả do bị chi phối bởi những nhóm lợi ích và rào cản về thủ tục hành chính cũng đang cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

Các đại biểu kiến nghị Nhà nước cần có cơ chế chính sách bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp; đẩy mạnh cổ phần hóa để huy động vốn xã hội; tăng cường công tác dự báo thị trường để có chính sách phù hợp, đặc biệt là đảm bảo tỷ lệ lưu thông tiền vốn, tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng...

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước là không ngừng phát triển đội ngũ doanh nhân, kịp thời tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc. 

Chủ tịch nước cho rằng trong tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, để vượt qua những thách thức và khó khăn đó, các doanh nghiệp cần chủ động xây dựng một tầm nhìn xa trong chiến lược kinh doanh, đảm bảo sự phát triển bền vững, hiệu quả.

Chủ tịch nước đề nghị, Trung ương Đoàn TNCSHCM, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và đội ngũ doanh nhân sẽ phát huy hơn nữa trách nhiệm với đất nước, tích cực tham gia đóng góp ý kiến và tư vấn cho Nhà nước trong việc hoạch định chính sách vĩ mô và các giải pháp kinh tế-xã hội; làm tốt hơn nữa việc quảng bá hình ảnh, thế mạnh của thương hiệu Việt Nam, phát huy hơn nữa vai trò, sứ mạng của đội ngũ doanh nhân trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Nhấn mạnh vai trò của các đại biểu Quốc hội đại diện cho lực lượng doanh nhân, doanh nghiệp và cử tri, Chủ tịch nước cho rằng năm tới còn rất nhiều khó khăn do đó từ thực tế hoạt động của mình các đại biểu Quốc hội cần thẳng thắn, mạnh dạn phản ánh thực trạng, khó khăn vướng mắc mà doanh nghiệp Việt Nam đang gặp phải trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đồng thời đưa ra những kiến nghị, đề xuất với Quốc hội những giải pháp nhằm giúp doanh nhân, doanh nghiệp tự tin hơn trong việc ổn định sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế đất nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên