Nông nghiệp tăng trưởng nhưng không thể lơ là

VOV.VN - Mức tăng trưởng ngành nông nghiệp 9 tháng chưa cao, giá trị gia tăng chưa lớn và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro.

Trong khi liên tiếp 3 năm qua, khu vực ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản luôn gặp khó khăn (thậm chí nhiều quý có mức tăng trưởng âm) thì 9 tháng qua đã ghi nhận mức tăng 2,78% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 0,43 điểm % vào mức tăng GDP chung của nền kinh tế.

Trong đó, ngành thủy sản đạt mức tăng cao nhất với 5,42% so với cùng kỳ năm 2016, đóng góp 0,17 điểm % vào mức tăng GDP chung; tương tự, ngành lâm nghiệp tăng 5,00%, đóng góp 0,03 điểm %; ngành nông nghiệp tăng 1,96%, đóng góp 0,23 điểm %.

Ngành thủy sản đạt mức tăng trưởng 5,42% so với cùng kỳ năm 2016.
(Ảnh minh họa: KT)

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro

Theo các chuyên gia kinh tế, mức tăng trưởng này mới chỉ là bước đầu, chưa phải là cao, giá trị gia tăng chưa lớn và còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, cần những biện pháp quyết liệt và phù hợp hơn để ngành nông nghiệp phát triển bền vững.

Nhận định về những con số mà ngành nông nghiệp đã đóng góp cho nền kinh tế thời gian qua, Chuyên gia kinh tế TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, chúng ta không thể lơ là với lĩnh vực này, bởi nó tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về thiên nhiên cũng như thị trường.

Theo TS. Ánh, trong quãng thời gian 2014-2016, ngành nông nghiệp liên tiếp gặp khó khăn, thậm chí nhiều quý tăng trưởng âm.. do đó những rủi ro cho khu vực nông nghiệp nông thôn cũng có thể có những tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế chung. Hơn nữa, trong mọi lĩnh vực thì kinh tế nông nghiệp vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro lớn nhất.

Nhận thấy giá trị đóng góp trong tăng trưởng của ngành nông nghiệp không cao, Chuyên gia kinh tế, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng, mặc dù giá trị kinh tế tính bằng tiền không lớn hơn nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ, nhưng một khi phát triển bền vững ngành nông nghiệp sẽ kéo theo sự ổn định đời sống, an sinh xã hội, bởi 70% dân số đang làm nông nghiệp, phụ thuộc vào nông nghiệp.

TS. Lưu Bích Hồ cho rằng, tăng trưởng ngành nông nghiệp 9 tháng mới chỉ là những kết quả bước đầu, cần có các giải pháp mạnh mẽ và đồng bộ hơn để gia tăng giá trị cho ngành nông nghiệp trong thời gian tới. “Ngành nông nghiệp đang có những cải tiến, cơ cấu lại, chuyển đổi từ lúa gạo sang tôm, cá… song song đó là đưa khoa học công nghệ vào để phục vụ sản xuất, tăng cường chế biến mới thực sự bứt phá”, TS Lưu Bích Hồ nhấn mạnh.

Thiếu liên kết vẫn là một hạn chế

Cùng chung quan điểm về định hướng phát triển nông nghiệp, PGS. TS Phạm Tất Thắng cho rằng, mặc dù các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo chuỗi, nhưng việc đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn rất hạn chế, chưa tận dụng được nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp.

Do đó, cần phải có chính sách tốt hơn, trong đó, chính sách đất đai, hạn điền là một ví dụ để phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn. Phải gắn sản xuất với thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với đa dạng hóa các thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường, khi đó chắc chắn sẽ không còn cảnh “giải cứu” nông sản như trong thời gian qua.

Đề cao tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các chuyên gia cho rằng, ngành nông nghiệp được coi là trụ đỡ của nền kinh tế thì không thể “lung lay”, vì lung lay thì kinh tế sẽ còn mãi tụt hậu, đi sau các nước, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay. Muốn ngành nông nghiệp phát triển xứng tầm “trụ đỡ”, không thể để nền nông nghiệp cứ mãi phát triển một cách manh mún, nhỏ lẻ, nông dân “mạnh ai nấy làm”.  

Theo TS. Lưu Bích Hồ, thiếu tính liên kết đang là điểm yếu khiến tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực của ta không lớn, trong đó, nếu nông nghiệp thiếu tính liên kết thì hậu quả sẽ khôn lường. Đây chính là hậu quả của việc phải giải cứu lợn, giải cứu dưa hấu, vải thiều và rất nhiều mặt hàng nông sản khác thời gian qua.

Do vậy, một lần nữa các chuyên gia lưu ý, ngành nông nghiệp phải làm tốt việc liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, và nhà nông… ) đã đề ra từ rất nhiều năm qua. Đồng thời với đó, phải phát huy thế mạnh của từng vùng miền, gắn với liên kết vùng miền để phát huy và bổ trợ cho nhau. Có như vậy, nông nghiệp mới phát triển bền vững và đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của nền kinh tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay làm nông nghiệp công nghệ cao
Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay làm nông nghiệp công nghệ cao

VOV.VN - Do các tiêu chí, điều kiện cho vay khắt khe, thủ tục rườm rà, nên doanh nghiệp ở Lâm Đồng vẫn khó tiếp cận vốn vay nông nghiệp công nghệ cao.

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay làm nông nghiệp công nghệ cao

Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn vay làm nông nghiệp công nghệ cao

VOV.VN - Do các tiêu chí, điều kiện cho vay khắt khe, thủ tục rườm rà, nên doanh nghiệp ở Lâm Đồng vẫn khó tiếp cận vốn vay nông nghiệp công nghệ cao.

Cần "bốn nhà" chung tay thúc đẩy nông nghiệp ĐBSCL phát triển bền vững
Cần "bốn nhà" chung tay thúc đẩy nông nghiệp ĐBSCL phát triển bền vững

VOV.VN - Thách thức người dân đang đối mặt rất cần sự vào cuộc nhiều hơn nữa của nhà quản lý các cấp, nhà khoa học và doanh nghiệp.

Cần "bốn nhà" chung tay thúc đẩy nông nghiệp ĐBSCL phát triển bền vững

Cần "bốn nhà" chung tay thúc đẩy nông nghiệp ĐBSCL phát triển bền vững

VOV.VN - Thách thức người dân đang đối mặt rất cần sự vào cuộc nhiều hơn nữa của nhà quản lý các cấp, nhà khoa học và doanh nghiệp.

Nông dân là nòng cốt trong tổ chức lại sản xuất nông nghiệp
Nông dân là nòng cốt trong tổ chức lại sản xuất nông nghiệp

VOV.VN - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là nòng cốt trong tổ chức lại sản xuất nông nghiệp.

Nông dân là nòng cốt trong tổ chức lại sản xuất nông nghiệp

Nông dân là nòng cốt trong tổ chức lại sản xuất nông nghiệp

VOV.VN - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi là nòng cốt trong tổ chức lại sản xuất nông nghiệp.