PCI 2011: Lào Cai dẫn đầu, Cao Bằng đội sổ

Lần đầu tiên trong suốt quá trình thực hiện điều tra chỉ số PCI, cả Bình Dương và Đà Nẵng đều không ở thứ hạng cao nhất.

Theo kết quả công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2011 tại Hà Nội ngày hôm nay (23/2) cho thấy khác biệt rất ấn tượng so với các năm trước. Đó là thăng hạng và sụt hạng đột biến của các địa phương trong bảng xếp hạng.

Lần đầu tiên trong suốt quá trình thực hiện điều tra chỉ số PCI, cả Bình Dương và Đà Nẵng đều không ở thứ hạng cao nhất. Bình Dương giảm điểm trong chỉ số năng động, tiếp cận đất đai và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và đào tạo lao động.

10 Tỉnh đứng đầu trong Bảng xếp hạng PCI 2011

1/ Lào Cai: 73,53 điểm
2/ Bắc Ninh: 67,27 điểm
3/ Long An: 67,12 điểm
4/ Đồng Tháp: 67,06 điểm
5/ Đà Nẵng: 66,98 điểm
6/ Bà Rịa Vũng Tàu: 66,13 điểm
7/ Hà Tĩnh: 65,97 điể
8/ Bình Phước: 65,87 điểm
9/ Đồng Nai: 64,77 điểm
10/ Bình Dương: 63,99 điểm

Hai thành phố lớn là Thành phố Hồ Chí Minh đứng ở vị trí 20 với 61,93 điểm và Hà Nội đứng vị trí 36 với 58,28 điểm.

Hai tỉnh miền Bắc là Lào Cai và Bắc Ninh và tỉnh Long An ở phía Nam đã lần đầu tiên vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng sau những nỗ lực lớn cải thiện công tác điều hành kinh tế của chính quyền tỉnh trong nhiều năm qua.

Lào Cai  đặc biệt tạo ấn tượng khi dẫn đầu ở 4/9 chỉ số thành phần phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân

Hai tỉnh khác cũng có thành tích nổi bật là Hà Tĩnh và Bình Phước, bất ngờ lọt vào nhóm 10 tỉnh dẫn đầu PCI năm nay, sau khi ban hành một số quy định và thành lập tổ công tác của tỉnh nhằm cải thiện các lĩnh vực điều hành theo kết quả PCI.

Biến động lớn về thứ hạng cũng được ghi nhận theo chiều hướng ngược lại. Hai tỉnh luôn đứng trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu là tấm gương điển hình mà nhóm nghiên cứu PCI thường nhưacs tới là Vĩnh Long và Bình Định, sụt giảm mạnh trong bảng xếp hạng năm 2011. Cả hai địa phương này tiếp tục đà sụt giảm đã khá rõ nét trong năm 2010.

Theo ông Đậu Anh Tuấn – Phó trưởng ban Pháp chế VCCI, thành viên nghiên cứu PCI: “những thay đổi bất thường trong bảng xếp hạng năm nay chủ yếu phản ánh thực tế thay đổi trong cảm nhận của doanh nghiệp về công tác điều hành tại địa phương”.

Báo cáo PCI 2011 được thực hiện dựa trên khảo sát chi tiết cảm nhận của 6922 doanh nghiệp trong nước và 1.970 doanh nghiệp FDI trong cả nước.

Có 9 chỉ số thành phần, phản ánh các lĩnh vực điều hành kinh tế tác động đến sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Một tỉnh sẽ được coi là thực hiện tốt tất cả 9 chỉ số thành phần nếu có: Chi phí gia nhập thị trường để khởi sự kinh doanh thấp; tiếp cận đất đai dễ dàng và sở dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và việc tiếp cận thông tin kinh doanh thuận lợi; chi phí không chính thức ở mức tối thiểu; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện quy định, thủ tục hành chính ít; lãnh đạo tỉnh năng động và sáng tạo trong giải quyết vẫn đề cho doanh nghiệp; dịch vụ hỗ trợ kinh doanh phát triển và có chất lượng cao; chính sách đào tạo lao động phù hợp; thủ tục pháp lý giải quyết tranh chấp công bằng và hiệu quả.

Theo ông David B. Shear, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam: “PCI cung cấp những ý kiến phản hồi có giá trị của doanh nghiệp, giúp các hoạt động cải cách cấp tỉnh tăng thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế. Khi Việt Nam và Hoa Kỳ đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương để mở rộng thương mại và đầu tư, Việt Nam sẽ có thể hưởng lợi nhiều hơn từ những hiệp định thương mại như vậy thông qua thực hiện những cải cách thể chế và thị trường ở cả cấp trung ương và địa phương để phát huy đầy đủ lợi thế hội nhập kinh tế toàn cầu”.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI bày tỏ: “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cảm nhận tích cực của các doanh nghiệp về chất lượng điều hành kinh tế có thể xem là một điểm sáng trong báo cáo PCI năm nay. Chúng tôi kỳ vọng rằng từ thông điệp quan trọng này của cộng đồng kinh doanh, Chính phủ và chính quyền các địa phương tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên