PCI của Lào Cai – nhìn từ thủ tục hành chính

Thủ tục hành chính đơn giản, thuận tiện nên đã có nhiều doanh nghiệp đến với Lào Cai.

Năm 2011, tỉnh Lào Cai vượt lên đứng đầu về chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Trong đó có nhiều chỉ số của tỉnh, trong 9 chỉ số thành phần đạt điểm cao, nhưng thủ tục hành chính là chỉ số được nhiều doanh nghiệp hoan nghênh. Đây là “thương hiệu”, đồng thời cũng là động lực để Lào Cai thu hút đầu tư, cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh.

Thực tế trong 4 năm gần đây, tỉnh Lào Cai luôn được ghi nhận là một trong những tỉnh đứng đầu về xếp hạng PCI. Năm 2008, ở vị trí thứ 8, năm 2010 đứng ở vị trí thứ 2. Đặc biệt là năm 2011, chỉ số PCI của Lào Cai đạt 73,53 điểm, tăng 5,58 điểm so với năm 2010 và vươn lên ở vị trí số 1 trong 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Năm 2011, chỉ số thành phần 4 về chi phí thời gian, trong đó có các tiêu chí như: cán bộ Nhà nước làm việc hiệu quả hơn sau khi thực hiện cải cách thủ tục hành chính công, số lần đi xin dấu và chữ ký của doanh nghiệp, thủ tục giấy tờ… thì tỉnh Lào Cai có số điểm cao nhất- đạt 8,28 điểm. Để có kết quả này, cải cách thủ tục hành chính được lãnh đạo tỉnh Lào Cai đặt vào một trong những chỉ số được ưu tiên hàng đầu. Trong đó tập trung vào đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính trên từng lĩnh vực quản lý nhà nước từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn. Cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”.

Hải Quan Lào Cai là hình ảnh đầu tiên trong việc cải cách thủ tục hành chính. Đây cũng là một trong ba đơn vị đầu tiên của ngành Hải Quan thực hiện hải quan điện tử. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp cài đặt, hướng dẫn sử dụng khai báo hải quan điện tử; ban hành chính sách ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp tại Lào Cai khi tham gia thủ tục hải quan điện tử, góp phần khuyến khích và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu qua Lào Cai.

Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lào Cai cho biết: Cục Hải quan Lào Cai đã xây dựng kế hoạch phát triển hiện đại hóa Hải quan Lào Cai. Chúng tôi đã đưa ra những lộ trình cụ thể từng năm một để cho các đơn vị thực hiện. Chúng tôi thấy rằng đây là cơ sở để cho Hải quan Lào Cai cải cách phát triển hiện đại hóa, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh, đồng thời cũng thu hút các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn.

Hơn 10 năm hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai, từ khi thực hiện khai báo hải quan điện tử, việc kinh doanh của công ty trách nhiệm hữu hạn Hoa Phong có trụ sở tại thành phố  Lào Cai thuận lợi rất nhiều so với trước. Năm 2011, công ty nhập khẩu gần 4.000 tấn phân đạm qua cửa khẩu, nộp ngân sách hơn 130 tỷ đồng, nhưng việc kết nối giữa doanh nghiệp và các cơ quan công quyền luôn được thông suốt.

Thủ tục hành chính đơn giản nên đã có nhiều doanh nghiệp đến với Lào Cai. Hiện nay, Lào Cai có gần 1.600 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Trong đó có 43 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo ông Nguyễn Văn Vịnh, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai thì các thủ tục phải thường xuyên được rà soát để  tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng tổ chức hội nghị trao đổi với các doanh nghiệp trên địa bàn, thông tin về chính sách, định hướng những vấn đề về đầu tư lớn và cùng tháo gỡ khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Vịnh cho biết: Trên cơ sở đánh giá chỉ số PCI với 9 nhóm và được VCCI phân tích điểm mạnh, điểm yếu, so sánh với những nơi khác, những điểm yếu thì chúng tôi phải khắc phục, để nâng cao đánh giá của doanh nghiệp, của nhân dân đối với các tiêu chí đó. Có nghĩa là chúng ta phải tiến hành đồng bộ tất cả 9 nhóm tiêu chí. Đồng thời phải gắn PCI với cải cách thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, Lào Cai cũng thường xuyên giám sát đánh giá thực thi công vụ của cán bộ công chức các ngành, các cấp. Có các hướng dẫn thực hiện kịp thời khi có các chế độ chính sách mới phát sinh có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Năm 2012, tỉnh Lào Cai tiếp tục điều chỉnh các nhóm cơ chế, chính sách, bằng những chỉ đạo cụ thể; Ban hành chính sách ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Đồng thời tổ chức đối thoại, lắng nghe ý kiến và kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, bởi PCI cũng là thương hiệu điều hành của chính quyền địa phương đối với doanh nghiệp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên