Quản lý giá thuốc: Bộ Tài chính hay Bộ Y tế?

VOV.VN - Việc các dược phẩm quá đa dạng về chủng loại và chức năng đã tạo sức ép rất lớn đối với cơ quan quản lý giá.



Nghe cuộc trao đổi của PV VOV với PGS. TS Lê Văn Truyền – Nguyên Thứ trưởng bộ Y tế, chuyên gia cao cấp dược học 

Sau hơn 8 năm triển khai, Luật Dược đã xuất hiện những bất cập đòi hỏi phải bổ sung, sửa đổi cho phù hợp, trong đó vấn đề giá thuốc và quản lý giá thuốc đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, dự thảo luật này vẫn chưa phân nhiệm được cho cơ quan nào quản lý giá thuốc, và chính vì những bất cập này, dự thảo luật dược phải lùi đệ trình đến kỳ họp Quốc hội cuối năm.

Thực tế này cho thấy, chúng ta có nhiều bộ ngành liên quan quản lý mặt hàng thuốc như Bộ Tài chính, Bộ Y tế nhưng bộ nào chịu trách nhiệm chính quản lý giá thuốc thì lại chưa rõ. Liệu có giải pháp nào để quản lý giá thuốc trong một thị trường đã vận hành theo hướng liên tục tăng giá trong nhiều năm qua hay không, và dự thảo luật dược nên sửa đổi, bổ sung những quy định như thế nào để có giá thuốc phù hợp?


Có tới 25.000-30.000 loại thuốc trên thị trường khiến việc quản lý giá của các cơ quan chức năng gặp khó khăn (Ảnh: KT)

Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng năm 2013, người dân nước ta đã sử dụng khoảng 60.000 tỷ tiền thuốc, trong đó có rất nhiều loại thuốc biệt dược, thuốc điều trị bệnh hiểm nghèo phải nhập khẩu hoàn toàn. Tuy nhiên hàng chục năm nay, giá thuốc vẫn liên tục vượt khỏi tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Trao đổi với PV ĐTNVN, Phó giáo sư tiến sĩ Lê Văn Truyền – Nguyên Thứ trưởng bộ Y tế, chuyên gia cao cấp dược học cho biết, việc các dược phẩm đa dạng về chủng loại và chức năng đã tạo sức ép rất lớn đối với cơ quan quản lý. Theo đó, khác với những sản phẩm nhu yếu phẩm khác như xi măng, sắt thép, xăng dầu là chỉ có ít chủng loại; đối với dược phẩm, theo con số thống kê mới đây, trong vòng hơn mười năm qua, trên thị trường luôn có khoảng 25.000-30.000 sản phẩm.

Bên cạnh đó, trong số những sản phẩm trên thị trường, có nhiều sản phẩm mới phát minh được độc quyền bởi quyền sở hữu trí tuệ của các nhà phát minh dược phẩm trong khoảng 20 năm trên toàn thế giới. Với những điều khoản của Hiệp định xuyên Thái Bình Dương chúng ta đang thảo luận với các đối tác thì các nhà phát minh dược phẩm đang đòi hỏi các nước phải công nhận không chỉ 20 năm độc quyền mà có thể còn kéo dài hơn nữa. Đây là một trong những nhóm có giá thuốc khó kiểm soát.

Một nhóm sản phẩm khác là “thuốc bán theo đơn”, chủ yếu được sử dụng trong hệ thống bảo hiểm y tế và trong bệnh viện với chi phí 28.000 tỷ trong năm ngoái, tương đương 50% giá trị thị trường thuốc. Đây cũng là nhóm thuốc khó quản lý.

Nhóm thứ ba là thuốc bán tự do trên thị trường. Do có quá nhiều sản phẩm với cạnh tranh về giá khốc liệt, rất nhiều nhà sản xuất đã phản ánh rằng sự cạnh tranh này khiến họ không còn lợi nhuận.

Thị trường dược phẩm là thị trường rất phức tạp, Nhà nước không thể quản lý tất cả sản phẩm này theo cùng một cơ chế. Do đó, các nhà quản lý về giá, quản lý y tế cần tìm ra chiến lược quản lý đối với riêng từng loại thuốc, chứ không phải áp dụng 1 công cụ cho tất cả các loại thuốc.

Trước đó, Bộ Y tế cho rằng quản lý giá thuốc nên chuyển sang Bộ Tài chính để tránh tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi”, thiếu công khai, minh bạch; song Bộ Tài chính cho rằng Bộ này không đủ chuyên môn để quản lý.

Sẽ thành lập Hội đồng liên bộ quản lý giá thuốc?

PGS.TS. Lê Văn Truyền cho biết: “Với một thị trường phức tạp như vậy, quan điểm của tôi là cần phải có 1 sự kết hợp liên ngành. Chúng ta sử dụng thế mạnh của từng bộ để phối hợp với nhau để giải quyết vấn đề. Không một bộ nào có thể tự mình giải quyết vấn đề giá thuốc.”

Theo đó, các cơ quan chuyên môn nên phân nhóm, phân loại các loại thuốc đang lưu hành trên thị trường và phải có cơ chế giá phù hợp với từng nhóm, xây dựng bộ công cụ khác nhau để quản lý từng  nhóm thuốc khác nhau. Chức năng xây dựng bộ công cụ là thuộc về Bộ tài chính. Bộ Tài chính nên phối hợp vs các bộ ngành liên quan để xây dựng công cụ đó. Một khi bộ công cụ đó được hình thành và được phê duyệt thì không phải chỉ có Bộ Tài chính mà ngay cả Bộ Công thương đều có thể tham gia vào quá trình quản lý giá thuốc.

Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật Dược bản cuối cùng trình Quốc hội đã đưa ra mô hình thành lập một Hội đồng liên bộ quản lý giá thuốc. Đây là một mô hình đã được áp trụng trên nhiều quốc gia. Tuy nhiên hiện nay, vấn đề đang được các bộ phận liên ngành thảo luận là chức năng nhiệm vụ của hội đồng này là gì và nó là hội đồng có tính chất hành pháp hay tư vấn? Điều này sẽ được Thủ tướng chính phủ quyết định.

Ấn Độ cũng là một trong những quốc gia đang áp dụng khá tốt mô hình này. Theo đó, Hội đồng quản lý giá thuốc của Ấn Độ có nhiệm vụ xác định những thuốc nào phải quản lý giá, những thuốc nào để thị trường tự do quyết định. Những loại thuốc trên thị trường có quá nhiều sản phẩm thì sẽ không quản lý do cơ chế cạnh tranh sẽ giải quyết. Tuy nhiên Hội đồng sẽ quản lý giá thuốc nhập khẩu độc quyền xem có phù hợp với khả năng chi trả của chính phủ và hệ thống bảo hiểm y tế cũng như người dân hay không. Hội đồng này sẽ thay mặt cho Chính phủ đàm phán với nhà sản xuất nước ngoài đang sản xuất sản phẩm độc quyền đó về giá cả và cũng sẽ quyết định công thức tính giá cho những dược phẩm lần đầu được các nhà sản xuất Ấn Độ sản xuất trong nước để kiểm soát lợi nhuận hợp lý của các nhà sản xuất là bao nhiêu.

Hội đồng quản lý giá sẽ tính toán và xây dựng một công thức về mức thặng số trong các khâu của quá trình sản xuất và kinh doanh dược phẩm. Ví dụ từ nhà dược phẩm đến nhà bán buôn được hưởng mức thặng số là bao nhiêu, từ nhà bán buôn đến bán lẻ và đến người dân là bao nhiêu? Do đó, hội đồng phải cân bằng lợi ích của nhà sản xuất và của người dân.

Việc thành lập một Hội đồng quản lý giá thuốc không phải là điều dễ dàng. Vấn đề đang được Quốc hội thảo luận hiện nay vẫn nằm ở chỗ xác định chức năng, nhiệm vụ và vai trò của hội đồng quản lý giá thuốc như thế nào. /.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên