Quy hoạch điện VI chậm tiến độ vì thiếu vốn!

Chênh lệch dự báo so với quy hoạch, các dự án chậm tiến độ… dẫn đến nguồn điện dự phòng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Dự báo sai, chậm tiến độ…

Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: Phương án được duyệt về dự báo nhu cầu điện giai đoạn 2006-2015 với mức tăng trưởng nhu cầu là 17%. Tương ứng với dự báo năm 2010 khoảng 100 tỉ kWh và năm 2015 khoảng 219 tỉ kWh.

Tuy nhiên, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công thương) Phạm Mạnh Thắng, thực hiện thực tế 5 năm qua chỉ dưới 15%. Sai số so với kịch bản phê duyệt và kiểm tra thực tế còn lên đến 20%. Đối với quy hoạch cứng, chênh lệch dự báo 5% dẫn đến nguồn dự phòng bị ảnh hưởng rất nhiều.

Tình hình thực hiện các dự án lưới điện giai đoạn 2006-2010 trạm 500 kV theo quy hoạch là 15 dự án nhưng mới thực hiện được 9 dự án với khối lượng là 4.950 MVA/km đạt 59%; Trạm 220 kV, theo quy hoạch là 117 dự án nhưng mới chỉ thực hiện được 52 dự án đạt 2.323 MVA/km đạt 50%. Khối lượng thực hiện đầu tư lưới điện truyền tải khá lớn nhưng mới chỉ đạt tỷ lệ khoảng 50% so với yêu cầu duyệt Quy hoạch Điện IV.

Bên cạnh đó, có rất nhiều công trình lưới điện bị chậm tiến độ từ 1-3 năm. Đặc biệt là các tuyến đường dây và trạm 220 kV vành đai quanh khu vực thành phố Hà Nội, khu vực Hưng Yên, Bắc Ninh, TP HCM và các tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… dẫn đến việc quá tải các đường dây 220 kV và các trạm biến áp ở khu vực này, ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện. Các dự án chậm tiến độ năm 2010 gồm Thuỷ điện Na Lê (Bắc Hà), DakRtih, SêSan 4a, Thác Mơ MR, Đồng Nai 4, Cẩm Phả II, Ô Môn, Vũng Áng 1, Nhơn Trạch 2, Thủy điện Sekaman 3 (Lào)…

Chính sự chậm chễ của các dự án dẫn tới tình hình thực hiện các dự án nguồn điện giai đoạn 2006-2010 theo Quy hoạch điện IV là 14.581 MW. Tuy nhiên, thực tế chỉ đạt 10.081 MW, tỷ lệ thực hiện chỉ đạt 69,1%. Lưới điện truyền tải cũng chỉ đạt 50% khối lượng so với quy hoạch.

… và lý giải của các Tập đoàn

Lý giải về sự chậm tiến độ các công trình, ông Dương Quang Thành, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt
Nam (EVN) nói: “Để đảm bảo đầu tư các dự án trong quy hoạch điện VI, tổng vốn cần 832.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay EVN mới thu xếp được hơn 283.000 tỷ đồng, còn thiếu 599.000 tỷ đồng. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt cho vay vượt 15% vốn tự có của các ngân hàng đối với từng dự án. Tuy nhiên, trong một số trường hợp Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa phê duyệt cho một số ngân hàng cho vay do các ngân hàng này vượt các tỷ lệ quy định khác về đảm bảo an toàn hoạt động tín dụng, như dự án nhiệt điện Uông Bí mở rộng 2 đến nay chưa giải ngân được khoản vay 726 tỉ đồng. Bộ Tài Chính đã thực hiện bảo lãnh cho vay đối với các dự án điện của EVN, tuy nhiên vướng mắc pháp lý, nên việc giải ngân một số hợp đồng tín dụng bị chậm như Dự án nhiệt điện Hải Phòng 2, Quảng Ninh 2 (chậm 2 năm so với tiến độ)….

Một số dự án cấp bách cấp điện cho khu vực phía Nam cũng chưa ký được hợp đồng vay vốn.

Ông Thành khẳng định: Thiếu vốn là thách thức rất lớn đối với tập đoàn trong việc đảm bảo cung cấp điện khu vực phía Nam từ năm 2013-2015 trong khi sản xuất kinh doanh của tập đoàn đang bị lỗ. Năm 2010 tập đoàn lỗ trên 8.000 tỉ đồng, 8 tháng đầu năm nay lỗ trên 2.000 tỉ đồng. Vốn khấu hao không đủ trả nợ vay hằng năm. Hơn một năm nay EVN chưa thu xếp được vốn đối ứng cho nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2 và cảng Vĩnh Tân.

Còn đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ông Lê Hòa Thắng, Phó ban Điện của Tập đoàn thông tin: Khó khăn về vốn đã khiến công tác thỏa thuận đấu nối, đầu tư xây dựng đường dây và trạm biến áp chưa được EVN triển khai thực hiện đồng bộ dẫn đến nguy cơ chậm phát điện khi nhà máy đưa vào vận hành, chạy thử như Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Quảng Trạch 1, Đakđrinh).

Tập đoàn cũng gặp khó khăn chung như các chủ đầu tư dự án điện khác trong việc giải phóng mặt bằng và tìm vốn đầu tư. Việc thu xếp vốn cho một nhà máy nhiệt điện than hiện nay khoảng trên 1,6 tỉ USD. Với 5 dự án tập đoàn đang thực hiện cần tới 8 tỉ USD. Đây là áp lực rất lớn với tập đoàn do hiệu quả đầu tư thấp, thời gian thu hồi vốn kéo dài nên các ngân hàng không mặn mà cho vay. Thêm nữa, công tác giải phóng mặt bằng ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt làm ảnh hưởng tới tiến độ công trình như: Bãi thải xỉ - Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, Giải phóng lòng hồ Thủy điện Hủa Na, Đakđrinh … ).

Lại đề xuất sớm tăng giá điện

Giải quyết khó khăn về vốn, các tập đoàn kiến nghị xem xét điều chỉnh giá điện tăng hợp lý để thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Theo ông Dương Quang Thành, việc điều chỉnh giá giúp ngành điện đảm bảo cân bằng về tài chính, không để lỗ trong sản xuất kinh doanh từ năm 2012 trở đi và hạch toán bù phần lỗ năm 2010. Ngành điện cũng đề nghị cho phép tăng vốn điều lệ để đảm bảo tỉ lệ trích vốn khấu hao hằng năm đủ để trả nợ gốc và lãi vay.

Ngoài ra, cần đa dạng hóa việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài và từ các nguồn lực xã hội cho các dự án điện, tận dụng tối đa nguồn vốn tín dụng xuất khẩu (ECA); Một trong những điều kiện tiên quyết khi lựa chọn Tổng thầu hoặc nhà cung cấp thiết bị là Tổng thầu/nhà cung cấp thiết bị phải có trách nhiệm thu xếp nguồn vốn ECA bằng 85% giá trị thiết bị nhập khẩu;

EVN cho biết, đã có văn bản số 467 báo cáo Thủ tướng về tình hình thiếu vốn, đề nghị Chính phủ xem xét và điều hòa lại 13 dự án nguồn điện (nhiệt điện than) cho các chủ đầu tư khác; đối với các dự án thủy điện thực hiện theo văn bản 797 và 400 (hưởng cơ chế ưu đãi nhằm đẩy nhanh tiến độ) cho phép EVN chỉ định thầu xây lắp cho tổ hợp nhà thầu trong nước; Bộ Công thương ủy quyền cho Hội đồng quản trị EVN phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt kết quả xét thầu, phê duyệt hợp đồng nhập thiết bị trong nước không sản xuất được sau khi thiết kế kỹ thuật giai đoạn 1 được phê duyệt. Về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đề nghị sự hợp tác chặt chẽ, sát sao của lãnh đạo tỉnh, thành phố, huyện nơi có các dự án, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành điện, tránh sự chậm trễ tiến độ các dự án điện./.

Mai Khanh

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên