Sau quỹ bình ổn giá xăng, sẽ có quỹ bình ổn giá điện?

Trong khi quỹ bình ổn giá xăng dầu tỏ ra không hiệu quả thì nay, Bộ Công Thương lại đề xuất xây dựng quỹ bình ổn giá điện


Dự thảo quyết định của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân vừa được Bộ Công Thương công bố để lấy ý kiến nhân dân. Nội dung đáng lưu ý trong dự thảo lần này là việc thành lập quỹ bình ổn giá điện, tương tự cách làm với giá xăng dầu hiện nay.

Cần minh bạch

Theo đó, trong trường hợp cần thiết, nhà nước sẽ sử dụng quỹ này để bình ổn giá bán điện nhằm giảm thiểu tác động bất lợi đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Nguồn hình thành quỹ bình ổn giá điện sẽ được trích từ giá bán điện và tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, quỹ chỉ được trích lập khi các yếu tố đầu vào hình thành giá bán điện giảm so với hiện hành và chi phí sản xuất, kinh doanh điện bị treo (chưa tính hết vào giá bán điện) đã được xử lý hết.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, mặt hàng điện cũng nên có quỹ bình ổn nhưng cần làm rõ nguồn hình thành quỹ như thế nào là hợp lý. Bởi lẽ, trong nền kinh tế thị trường, hoạt động kinh doanh chắc chắn có rủi ro, trong đó có rủi ro về giá. Quỹ bình ổn giá điện sẽ góp phần làm giảm những rủi ro này. “Khi có quỹ rồi thì sử dụng sao cho hợp lý, quản lý hiệu quả, bảo đảm công khai, minh bạch”, ông Long lưu ý.

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng rất cần thiết có quỹ bình ổn giá điện. Giá điện khác với giá xăng dầu. Giá xăng dầu lên xuống hằng ngày và phụ thuộc vào thị trường thế giới nên có thể loại bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng được. Còn mặt hàng điện không phụ thuộc vào biến động của thị trường thế giới mà phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế. Trong khi nhu cầu điện để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế được dự báo ở tốc độ lớn thì ngành điện buộc phải đi trước một bước và rất cần nguồn dự phòng cho những thời điểm khó khăn.

Cẩn thận “vết xe đổ”

Câu chuyện về tính hiệu quả của quỹ bình ổn giá xăng dầu vốn là đề tài gây tranh cãi lớn trong nhiều năm qua. Thực tế, ngay chính lãnh đạo các bộ, ngành liên quan đến điều hành giá mặt hàng nhạy cảm này cũng tự nhận thấy vai trò của quỹ bình ổn giá xăng rất mờ nhạt, không phù hợp trong xu thế đưa các mặt hàng xăng, điện đi theo con đường thị trường.

Tại buổi gặp gỡ báo chí đầu năm 2016, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã tiết lộ rằng giá xăng dầu sắp tới có thể được điều chỉnh hằng ngày; đồng thời, quỹ bình ổn cũng có thể sẽ được bỏ. Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho rằng khi giá xăng dầu được điều hành theo ngày thì không cần đến quỹ bình ổn nữa mà thị trường sẽ quyết định giá mua bán.

“Khi mà quỹ bình ổn giá xăng đã không hiệu quả, thậm chí có thể bị loại bỏ, Bộ Công Thương lại đề xuất xây dựng thêm quỹ bình ổn giá điện thì khó hiểu quá. Chưa kể, xu hướng sử dụng quỹ để trợ giá là đi ngược lại với xu thế của thế giới cũng như định hướng tiến tới thị trường của chúng ta. Do đó, việc thành lập quỹ này cần phải hết sức thận trọng”, một chuyên gia kinh tế nêu ý kiến.

Theo nhiều nhà kinh tế, thực tế trên thế giới có tồn tại quỹ bình ổn giá đối với một số mặt hàng nhằm ổn định giá trong một số hoàn cảnh nền kinh tế hoặc một ngành nghề cụ thể gặp bất ổn nhất định. Với Việt Nam, trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng theo xu hướng tích cực và ổn định như hiện nay, việc tiếp tục hoặc mở rộng sử dụng quỹ bình ổn là không cần thiết, thậm chí cản trở xu hướng đưa giá tiến lại gần với thị trường.

Giá điện sẽ tăng ít nhất 3%/lần
Theo dự thảo, giá bán điện bình quân sẽ được điều chỉnh trong phạm vi khung giá do Thủ tướng Chính phủ quy định và chỉ được điều chỉnh tăng ở mức 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành. Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân giữa 2 lần liên tiếp là 3 tháng.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng việc thu hẹp thời gian điều hành giá tối thiểu theo quy định hiện hành 6 tháng xuống còn 3 tháng là hợp lý bởi yếu tố đầu vào tăng giảm từng ngày, từng tuần nên rút ngắn thời gian chính là để bảo đảm giá sát nhất với biến động thực tế.
“Điều hành giá theo cơ chế thị trường tức là điều hành theo thời điểm chứ không phải thời kỳ. Tuy nhiên, khi đưa ra cơ chế điều hành giá theo khung thời gian sát hơn với yếu tố đầu vào của thị trường thì cần phải tuyên truyền theo hướng giá sẽ có tăng, có giảm mới thuyết phục. Hơn nữa, điều này sẽ tạo thói quen cho người dân, doanh nghiệp thích nghi dần với giá thị trường”, chuyên gia Ngô Trí Long nhìn nhận.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên