"Siêu giàu" Việt Nam chủ yếu trong lĩnh vực bất động sản và cổ phiếu

VOV.VN - Chúng ta phải làm thế nào đó để những người giàu Việt Nam giàu lên nhờ các lĩnh vực liên quan phát triển công nghiệp, đầu tư vào các lĩnh vực chế tạo, khoa học công nghệ...

Việt Nam có hơn 200 người siêu giàu của thế giới. Đây là một tin mừng, vì các doanh nhân nước mình không kém cạnh bất kỳ ai trên thế giới, tuy số người giàu còn rất khiêm tốn. Điều đáng nói, phần lớn những người siêu giàu của Việt Nam là nhờ vào kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, cổ phiếu.

Trao đổi với VOV.VN về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phan Văn Quý (đoàn Nghệ An) cho rằng: Trong giới công nghệ thông tin, đầu tư sản xuất của có thể họ bền vững hơn. “Còn trong giới kinh doanh bất động sản và chứng khoán, tôi sợ cái công và nợ chưa được rõ. Cho nên, dẫn đến nợ và công không cân đối hoặc cân đối còn lại không cao. Cái “có” của họ rất nhiều, rất lớn nhưng cái “nợ” cũng không nhỏ. Còn đi vào sản xuất và công nghệ thì dòng tiền đi theo từng dự án cho nên họ quản lý công và nợ minh bạch, dễ cho khách quan đánh giá thực chất. Ở nước ngoài cũng vậy, chỉ một công ty kinh doanh, đầu ra – đầu vào họ quản lý được nên dễ đánh giá được cái có và nợ”- ông Phan Văn Quý nói. Cùng chung suy nghĩ này, ông Lê Bộ Lĩnh - Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng: Đúng là có nhiều doanh nghiệp siêu giàu ở nước ta chủ yếu nhờ vào kinh doanh bất động sản là chính. Vấn đề bây giờ là chúng ta phải làm thế nào đó để những người giàu Việt Nam giàu lên nhờ các lĩnh vực liên quan phát triển công nghiệp, liên quan đến đầu tư vào các lĩnh vực chế tạo, lĩnh vực ứng dụng nhiều khoa học công nghệ, sử dụng nguồn lao động có chất lượng. 

Phần lớn những tỷ phú trên thế giới họ giàu lên nhờ việc đầu tư vào khoa học công nghệ ở trong những ngành công nghiệp mới. Đương nhiên cũng có những tỷ phú giàu lên nhờ tài nguyên như tỷ phú dầu mỏ chẳng hạn. Nhưng khi nào trong danh sách nhà siêu giàu Việt Nam xuất hiện nhờ phát triển các ngành công nghiệp chế tạo, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, đầu tư khoa học công nghệ, nhờ vào đổi mới quản trị, sáng tạo thì khi đó chúng ta mới có thể đánh giá sự giàu có đó là bền vững, nó phù hợp với xu hướng phát triển của nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa”.

Ở một khía cạnh khác, ông Phan Văn Quý cho rằng, những người siêu giàu đó, cũng không phải là ghê gớm lắm trên thế giới. Việt Nam mới chỉ có 2 người nằm trong top tỷ phú thế giới. “Còn lại 200 người có tiền thế thôi nhưng thực chất họ cũng đang có những vật lộn riêng. Có những người trong số đó đang vật lộn với khó khăn. Vì chuyện minh bạch của mình chưa cao, cái “nợ” và “có” chưa rõ nên chưa cân bằng được. Cho nên, việc giàu đến mức độ nào thì chưa biết được” – ông Quý nói.

Theo phân tích của ông Quý, nếu những đại gia nào đầu tư nhiều vào thị trường chứng khoán và bất động sản thì bây giờ phải chờ thị trường chứng khoán lên thì mới tính được cái “có” của họ cao lên để giảm cái “nợ” của họ xuống. Còn những anh đầu tư vào bất động sản cũng phải chờ thị trường ấm lên mới bán được. “Hiện giờ họ đang ôm một mớ như vậy thì phải chờ, phải bán được thì mới cân đối được” – ông Phan Văn Quý tính toán.

Giàu có chính đáng?

Bàn về nguồn gốc của sự giàu có, nhiều người lo ngại, trong điều kiện hệ thống pháp luật của Việt Nam còn nhiều kẽ hở thì thì sẽ có không ít người lợi dụng để “lách” luật, làm giàu bất chính, ví dụ trường hợp của bầu Kiên là một minh chứng.

Bình luận về vấn đề này, ông Lê Bộ Lĩnh cho rằng: “Đã gọi là làm giàu không chính đáng thì có nghĩa họ đã lợi dụng các lỗ hổng về quản lý, thậm chí có thể vi phạm các quy định của pháp luật. Nhưng mình phải căn cứ vào các trường hợp cụ thể để có sự đánh giá cụ thể, chính xác chứ không thể nói một cách chung là những người siêu giàu, những doanh nghiệp đó vi phạm. Cũng có nhiều người, nhiều doanh nghiệp họ làm ăn rất chính đáng, làm giàu rất chính đáng. nếu như những người tự nhiên siêu giàu do lợi dụng kẽ hở trong quản lý, do những yếu tố không phải xuất phát từ năng suất, đổi mới sáng tạo, không phải là những yếu tố bền vững thì cái đó lại là vấn đề đáng quan ngại.”.

Càng có nhiều người siêu giàu cũng đồng nghĩa với việc khoảng cách giàu nghèo gia tăng. Ông Lê Bộ Lĩnh thừa nhận thực tế chênh lệch, khoảng cách giàu nghèo của chúng ta hiện nay đang có xu hướng là rộng ra, giữa các khu vực, giữa nông thôn rồi thành thị, giữa các nhóm, các ngành nghề khác nhau đang ngày càng có khoảng cách rộng. Có những nhóm người thì giàu lên rất nhanh, nhưng cũng có người thì vẫn ở một trình độ phát triển hết sức thấp, đời sống rất nhiều khó khăn. 

“Nhìn chung trong cơ chế thị trường thì không tránh khỏi sự phân hóa, nhưng mà mức độ phân hóa như thế nào đó để chấp nhận được thì chúng ta rất quan tâm đến việc đó” – ông Lê Bộ Lĩnh nói.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận sự giàu lên của một nhóm người ở hai mặt. Một mặt nó tạo ra một cái khoảng cách chênh lệch, nhưng mặt khác thì những người giàu người ta cũng có nhiều đóng góp, thông qua đóng góp về thuế, đóng góp về mặt từ thiện, xã hội… Những cái đó cũng giúp cải thiện đời sống của người nghèo.

Nhưng xét về mặt lâu dài, theo ông Lê Bộ Lĩnh, về mặt định hướng chính sách thì chúng ta cũng phải có cơ chế chính sách thế nào đó để tạo cơ hội cho mọi người dân làm giàu và cải thiện cuộc sống của mình, cái đó mới là cái quan trọng.

“Tức là chúng ta làm thế nào đó để tăng trưởng trong công bằng, tăng trưởng cùng chia sẻ. Khi mà nền kinh tế tăng trưởng thì mỗi người dân đều cảm thấy mình có phần đóng góp trong đấy và mình được thụ hưởng thành tựu của cái tăng trưởng thì đó là cái chúng ta mong muốn và cái chúng ta cần phải hướng tới để có sự phát triển bền vững” – ông Lê Bộ Lĩnh phân tích thêm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên