Thủ tướng chỉ đạo quyết tâm hoàn thành dự toán thu ngân sách

(VOV) - Thủ tướng đồng tình 8 nhóm giải pháp với 18 biện pháp cụ thể ngành tài chính đề ra trong 6 tháng cuối năm.

Sáng 17/7, tại Hà Nội, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm đánh giá công tác 6 tháng đầu năm và triển khai thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm.

Dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Một trong những yêu cầu trước tiên đối với ngành tài chính là tập trung chỉ đạo điều hành quyết liệt, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2013.


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước
6 tháng cuối năm. (Ảnh: Thành Chung)

Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, ngân sách nhà nước được điều hành chặt chẽ, hiệu quả, đáp ứng các nhiệm vụ chi phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ đột xuất phát sinh.

Nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản và vốn trái phiếu Chính phủ được triển khai đúng quy định và kế hoạch cho các công trình, dự án, nhất là các dự án, công trình có sức lan tỏa lớn và các dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, nhà ở xã hội...

Một vấn đề nổi lên qua các báo cáo và tham luận tại hội nghị, đó là thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt thấp, mới chỉ bằng gần 44% so với dự toán. Ước tính cả nước chỉ có 21/63 địa phương có số thu nội địa đạt tiến độ dự toán trên 50% nhưng chủ yếu lại là các địa phương có số thu nhỏ, các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM chỉ đạt dưới 50% dự toán thu ngân sách.

Nguyên nhân trực tiếp là do tình hình sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp giãn, hoãn, miễn, giảm thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh với ước tính ngân sách năm nay giảm thu lên tới khoảng 17.613 tỷ đồng...

Đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực phấn đấu của các bộ, ngành, địa phương, cũng như của ngành tài chính trong 6 tháng qua đã đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ đồng tình 8 nhóm giải pháp với 18 biện pháp cụ thể mà ngành tài chính đề ra trong 6 tháng cuối năm nay, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp thu và xử lý các kiến nghị, đề xuất của các địa phương nêu ra tại hội nghị này.

Thủ tướng nêu rõ quan điểm, không điều chỉnh kế hoạch cân đối thu chi ngân sách mà Quốc hội đã phê chuẩn. Mặc dù đây là nhiệm vụ rất khó khăn, nhất là trong 6 tháng cuối năm nay. Để đạt kế hoạch cân đối thu, chi ngân sách, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và các địa phương trước hết phải tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải quyết nợ xấu gắn với thu hút mạnh đầu tư toàn xã hôi và làm tốt kế hoạch giải ngân các nguồn vốn đầu tư.

“Để đạt kế hoạch thu ngân sách đã đề ra trong cả năm nay, đề nghị Bộ Tài chính chủ động làm việc với các địa phương. Các doanh nghiệp có nguồn thu lớn, nhất là các công ty, các tập đoàn nhà nước cần làm rõ kế hoạch thu đúng, thu đủ theo quy định của luật pháp. Chúng ta không lạm thu nhưng không để thất thu. Các đại biểu Hà Nội nói là, tổng công ty, tập đoàn kinh tế mới đạt 6 tháng có 26% thu là điều rất lạ. Bây giờ nói thu dầu khí thấp là điều vô lý. Trong khi cả Chủ tịch, Tổng Giám đốc báo cáo doanh thu tăng, lợi nhuận tăng, vậy làm sao ngân sách thu lại đạt thấp? Lãnh đạo tỉnh, Sở Tài chính các địa phương cùng với Chi cục thuế cần phải làm việc cụ thể”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu ngành tài chính tập trung thực hiện các biện pháp chống thất thu, nhất là nghiêm túc giám sát, kiểm tra việc hoàn thuế giá trị gia tăng; làm tốt công tác chống chuyển giá, xử lý nợ đọng thuế và trốn thuế; tăng cường cải cách thủ tục hành chính, phòng chống tiêu cực, nhất là trong lĩnh vực thuế và hải quan.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ cân nhắc và kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các cơ chế, chính sách có tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc các giải pháp tăng cường quản lý chi ngân sách, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, kiên quyết cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các khoản chi chưa thực sự cấp bách như: Công tác, hội nghị, hội thảo, mua sắm trang thiết bị...

Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành rà soát các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ, vốn chương trình mục tiêu quốc gia, kiên quyết thu hồi các khoản chi không đúng quy định, thu hồi vốn đối với các dự án chưa đủ thủ tục...

Các bộ, ngành, địa phương thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản; tăng cường quản lý thu chi ngân sách, chủ động điều hành ngân sách, sắp xếp, điều chỉnh các nhiệm vụ chi phù hợp với khả năng thu ngân sách, đảm bảo cân đối ngân sách, trong đó đặc biệt ưu tiên các khoản chi cho con người như lương, an sinh, phúc lợi xã hội và những nhiệm vụ cấp bách.

Bộ Tài chính chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự toán thu - chi ngân sách nhà nước năm 2014 sát với thực tế, bảo đảm mức bội chi ngân sách nhà nước ở mức hợp lý.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường kiểm soát thị trường, giá cả, kiên định thực hiện điều hành giá theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.

“Bây giờ kiểm soát tình hình kinh tế như hiện nay cũng là điều đáng mừng, kinh tế vĩ mô như thế là mừng nhưng không được chủ quan, trong đó có vấn đề giá cả. Bộ Tài chính là quản lý nhà nước nhất định phải hoàn thành lĩnh vực này trong đó hết sức quan tâm kiểm soát giá cả, giá xăng dầu dứt khoát phải theo thị trường, giá thành phải rõ, lợi nhuận định mức thế nào phải công khai rõ ràng. Nhưng không để giá xăng dầu trở lại bao cấp. Việc này đã có nghị quyết Trung ương, nghị quyết Quốc hội. Trước mắt, Nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng chia sẻ về thuế. Nếu giảm thuế mà không thu, không có nước nào không thu thuế xăng dầu cả cho nên phải kiên định việc này và gắn liền với công khai, minh bạch...từng bước khắc phục giá bao cấp”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý ngành tài chính chủ động cung cấp thông tin cho báo chí về công tác chỉ đạo điều hành, cơ chế chính sách liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là việc xử lý những vấn đề xã hội bức xúc và những vấn đề mới phát sinh trong lĩnh vực tài chính - ngân sách, nhằm tạo sự đồng thuận trong xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đề nghị phê chuẩn Hiệp định vay Dự án hành lang ven biển
Đề nghị phê chuẩn Hiệp định vay Dự án hành lang ven biển

(VOV) -Hiệp định đã được NHNN ký kết với ADB gồm 2 khoản: vay ưu đãi trị giá 25 triệu USD và tài trợ không hoàn lại 12,432 triệu USD

Đề nghị phê chuẩn Hiệp định vay Dự án hành lang ven biển

Đề nghị phê chuẩn Hiệp định vay Dự án hành lang ven biển

(VOV) -Hiệp định đã được NHNN ký kết với ADB gồm 2 khoản: vay ưu đãi trị giá 25 triệu USD và tài trợ không hoàn lại 12,432 triệu USD

Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình giữ chức Chủ tịch VAMC
Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình giữ chức Chủ tịch VAMC

(VOV) -Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Tổng Giám đốc Agribank được điều động và bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch VAMC

Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình giữ chức Chủ tịch VAMC

Phó Thống đốc Đặng Thanh Bình giữ chức Chủ tịch VAMC

(VOV) -Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Tổng Giám đốc Agribank được điều động và bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch VAMC