Tăng thuế với xăng dầu: Cần cân nhắc sức chịu đựng của nền kinh tế

VOV.VN - Theo chuyên gia, không thể vì nguồn thu giảm mà tăng thuế nội địa như đề xuất của Bộ Tài chính về tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Thuế môi trường có chi cho môi trường?

Trước đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức kịch khung cho phép là 4.000 đồng/lít; dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch trần 2.000 đồng/lít… của Bộ Tài chính, đang có hai câu hỏi được đặt ra, đó là: đánh thuế môi trường nhưng thực sự có cải tạo được cho môi trường hay không? Có đạt được mục đích là giảm tiêu dùng xăng dầu để bảo vệ môi trường hay không?

Đây là hai câu hỏi lớn về tính chính đáng của việc tăng mức thuế mà Bộ Tài chính đề xuất. Tuy nhiên, các chuyên gia, doanh nghiệp và người dân đều cho rằng cả hai câu hỏi chưa được giải đáp một cách thỏa đáng.

Thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tăng sẽ khiến giá xăng tăng (Ảnh minh họa: KT)

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Bộ Tài chính đang chịu nhiều sức ép vì thuế nhập khẩu về 0% khiến mức hụt thu ngân sách cao nên phải tìm kiếm các nguồn thu. Một trong những nguồn thu dễ dàng và có thể thu được ngay là tăng thuế, phí xăng dầu.

Dữ liệu của Bộ Tài chính cho thấy, thu từ thuế bảo vệ môi trường tăng hơn 4 lần trong 5 năm qua. Như năm 2012, số thu từ loại thuế này là 11.160 tỷ đồng, tăng lên mức 44.323 tỷ đồng năm 2016 và khoảng 44.825 tỷ năm 2017. Số tăng này có được là nhờ thuế môi trường tăng gấp 3 lần, từ 1.000 đồng lên 3.000 đồng một lít hồi tháng 5/2015.

Nếu mức thuế môi trường mới với xăng, dầu được áp dụng từ 1/7, Bộ Tài chính dự tính mỗi năm thu khoảng 55.591 tỷ đồng thuế môi trường, tăng gần 14.900 tỷ đồng. Trong lúc số thu thuế môi trường tăng vọt thì chi cho sự nghiệp bảo vệ môi trường lại không tương ứng, từ 9.000 tỷ đồng năm 2012 lên 12.290 tỷ sau 5 năm, tương đương 1% ngân sách.

“Gọi là thuế môi trường nhưng thực sự không chi cho môi trường. Bộ Tài chính cần giải trình về điều này một cách rõ ràng, chính danh và minh bạch. Nếu dùng danh nghĩa phí môi trường mà không chi cho môi trường thì vấn đề này cần báo cáo Quốc hội vì không thể dùng danh nghĩa phí môi trường để chi tiêu cho việc khác”, ông Doanh nói.

Các chuyên gia cho rằng, điểm cần làm rõ chính là thuế bảo vệ môi trường dùng để làm gì. Nếu mục đích chỉ đơn thuần là giúp tăng ngân sách thì điều này không hợp lý. Mục tiêu nộp thuế môi trường là dùng số tiền đó để khắc phục những vấn đề môi trường mà sản phẩm đó có thể gây ra. Tuy nhiên, nếu nguồn thu này nộp vào ngân sách rồi được dùng cho hoạt động đầu tư nào đó thì hoàn toàn sai mục đích.

Cần thận trọng

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, việc Bộ Tài chính đưa ra đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung (từ 3.000 đồng/lít hiện nay lên 4.000 đồng/lít), tương đương 25% giá 1 lít dầu là quá cao. Hiện giá nhiên liệu chiếm khoảng 35%-50% giá thành tùy theo từng loại phương tiện, nhiên liệu. Nếu tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng thì chắc chắn giá cước cũng sẽ tăng.

“Những người sử dụng phương tiện, nhiên liệu hóa thạch phải có trách nhiệm bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, chúng tôi kiến nghị là cần có lộ trình, chứ nếu ngay tức khắc đưa lên cao sẽ gây biến động rất lớn và gây cơn sốc về giá đối với giá cước của vận tải ô tô. Khi đề xuất tăng thuế phải hết sức thận trọng”, ông Thanh nói.

Nếu tăng thuế với xăng dầu kịch trần có thể gây lên cơn sốc (Ảnh minh họa: KT)

Cũng theo ông Thanh, nếu tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, các thành viên trong Hiệp hội vận tải ô tô sẽ phải tính toán lại giá thành vận tải. Giá cước chắc chắn sẽ bị đội lên, kể cả giá cước xe khách, taxi và đặc biệt là giá cước hàng hóa. Điều này sẽ ảnh hưởng tới đầu vào của nhiều ngành kinh tế khác, đồng thời, hàng hóa tiêu dùng cũng sẽ bị đẩy giá lên.

“Nếu kỳ này đưa lên kịch trần ngay thực sự sẽ gây lên cơn sốc vì thời gian vừa rồi đầu vào của giá cước vận tải đã tăng lên rất nhiều. Cần phải tính toán cẩn thận, không gây sốc cho đơn vị vận tải và không tạo ảnh hưởng đột biến với giá tiêu dùng của người dân vì giá cước vận tải rất nhạy cảm”, ông Thanh khuyến cáo.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, thuế nhập khẩu giảm là nhờ cam kết, trao đổi có đi có lại trong hội nhập. Nếu vì nguồn thu ít đi mà quay sang đánh thuế nội địa, trong đó có thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, tính chất hợp lý rất thấp. Điều này còn làm doanh nghiệp bị thiệt đơn thiệt kép.

Lý do là doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng khi thuế nhập khẩu giảm, hàng ngoại nhập vào rất nhiều. Trong khi tiếp tục phải tăng chi cho thuế nội địa, doanh nghiệp sẽ càng bị áp lực cạnh tranh lớn hơn nên sẽ khó có thể “sống” được.

Như vậy, nguồn thu cho Nhà nước sẽ mất đi và không bền vững. Ông Thành đề nghị phải nuôi dưỡng doanh nghiệp. Chính phủ phải cải cách chi tiêu, giảm chi tiêu và tăng tính hiệu quả sử dụng ngân sách.

“Đừng vì đảm bảo nguồn thu để tăng thuế trong nước. Việc tăng thuế cũng phải được cân nhắc trong điều kiện nền kinh tế của đất nước để có mức tăng cho phù hợp”, ông Thành khuyến cáo.

Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) cho rằng, lấy cớ bù hụt thu ngân sách bằng cách nâng khung thuế với xăng chưa hẳn hợp lý. Bộ Tài chính phải cải cách việc thu ngân sách, giữ kỷ cương ngân sách. Đừng nên để tiền thuế của dân ra đi mãi, có nghĩa là trong đầu tư công quản lý kém chặt chẽ, bao gồm cơ sở hạ tầng kém hiệu quả, thu ngân sách nhà nước thất thoát, lãng phí rất lớn.

"Chúng ta liên tục làm mất cân đối về ngân sách rất cao. Theo đó, quan điểm của tôi là Bộ Tài chính phải nuôi dưỡng nguồn thu thì mới có nguồn thu, chứ đừng nên vắt kiệt nguồn thu”, ông Long nhấn mạnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tăng chi quỹ bình ổn, giữ nguyên giá các mặt hàng xăng dầu
Tăng chi quỹ bình ổn, giữ nguyên giá các mặt hàng xăng dầu

VOV.VN - Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 3/2, Liên Bộ Công Thương - Tài Chính quyết định giữ ổn định giá tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Tăng chi quỹ bình ổn, giữ nguyên giá các mặt hàng xăng dầu

Tăng chi quỹ bình ổn, giữ nguyên giá các mặt hàng xăng dầu

VOV.VN - Tại kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 3/2, Liên Bộ Công Thương - Tài Chính quyết định giữ ổn định giá tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Giá xăng đồng loạt giảm từ 15h chiều nay
Giá xăng đồng loạt giảm từ 15h chiều nay

VOV.VN - Giá xăng đồng loạt giảm từ 15h chiều nay (21/2), trong đó xăng A95 giảm 400 đồng/lít.

Giá xăng đồng loạt giảm từ 15h chiều nay

Giá xăng đồng loạt giảm từ 15h chiều nay

VOV.VN - Giá xăng đồng loạt giảm từ 15h chiều nay (21/2), trong đó xăng A95 giảm 400 đồng/lít.

Tăng thuế môi trường với xăng dầu: gánh nặng đè lên vai người dân
Tăng thuế môi trường với xăng dầu: gánh nặng đè lên vai người dân

VOV.VN - Giá xăng dầu đang phải “cõng” nhiều loại thuế, phí. Nếu tiếp tục tăng thuế với xăng dầu sẽ khiến mặt bằng giá tăng, gánh nặng sẽ đè lên vai người dân.

Tăng thuế môi trường với xăng dầu: gánh nặng đè lên vai người dân

Tăng thuế môi trường với xăng dầu: gánh nặng đè lên vai người dân

VOV.VN - Giá xăng dầu đang phải “cõng” nhiều loại thuế, phí. Nếu tiếp tục tăng thuế với xăng dầu sẽ khiến mặt bằng giá tăng, gánh nặng sẽ đè lên vai người dân.

Tăng thuế môi trường với xăng dầu để bù... quản trị kém?
Tăng thuế môi trường với xăng dầu để bù... quản trị kém?

VOV.VN -Tìm cách tăng mức thu thuế chỗ này để bù giảm thu chỗ khác là gián tiếp làm trì trệ sự đổi mới nền sản xuất, kinh doanh; bộc lộ nền quản trị yếu kém.

Tăng thuế môi trường với xăng dầu để bù... quản trị kém?

Tăng thuế môi trường với xăng dầu để bù... quản trị kém?

VOV.VN -Tìm cách tăng mức thu thuế chỗ này để bù giảm thu chỗ khác là gián tiếp làm trì trệ sự đổi mới nền sản xuất, kinh doanh; bộc lộ nền quản trị yếu kém.