Tạo đột phá cho ngành cà phê

Cà phê Việt Nam hiện đã xuất khẩu sang 40 nước và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, giá cà phê xuất khẩu của ta còn thấp bởi chúng ta còn thiếu mối liên kết giữa các khâu từ sản xuất, thu hoạch, chế biến đến tiêu thụ.

Làm gì để gia tăng sức mạnh, nâng cao sức cạnh tranh cho ngành cà phê Việt Nam là nội dung khiến nhiều chuyên gia kinh tế của Việt Nam trăn trở.

** Ông Đoàn Triệu Nhạn, Chuyên gia cao cấp Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam: Phải tổ chức tốt các mối liên kết

PV: Thưa ông, giá cà phê trong thời gian qua giảm sút, có nhiều ý kiến cho rằng do sự lũng đoạn của một số nhà nhập khẩu cà phê nước ngoài?

Ông Đoàn Triệu Nhạn

Ông Đoàn Triệu Nhạn: Vụ cà phê năm nay được mùa, đầu vụ bán với giá khá cao, trên dưới 1.500 USD/tấn, đến giữa vụ (khoảng tháng 6), giá cà phê xuống thấp, chỉ bán được khoảng 1.400 USD/tấn. Giá bán trong nước từ 25 triệu đồng/tấn giảm xuống còn 23 triệu, thậm chí hơn 21 triệu đồng/tấn. Nhiều người cho rằng, giá cà phê xuống nhanh như vậy là do sự đầu cơ của những nhà nhập khẩu cà phê Việt Nam. Điều này không phải là không có cơ sở bởi hiện đang có khoảng 12 nhà nhập khẩu cà phê nước ngoài có mặt tại Việt Nam, tiến hành thu mua cà phê ngay tại vườn, nếu họ muốn đầu cơ thì hoàn toàn có thể.

Bên cạnh đó, giá cà phê còn phụ thuộc vào cán cân cung - cầu. Năm nay, cà phê của chúng ta được mùa, trong khi Colombia, nước xuất khẩu cà phê lớn lại mất mùa. Do đó, vào đầu vụ, thị trường thế giới thiếu hụt cà phê chất lượng cao, người ta tìm mua cà phê của Việt Nam. Khi người ta thu mua đã đủ để dự trữ, người ta có cơ hội để đầu cơ.

PV: Chúng ta có tới 146 DN thu mua cà phê, trong khi chỉ có 12 nhà nhập khẩu cà phê nước ngoài đóng tại Việt Nam. Thưa ông, có phải do DN Việt Nam thiếu sự liên kết nên chúng ta mất lợi thế, để cho 12 DN nước ngoài chi phối thị trường?

Ông Đoàn Triệu Nhạn: Chúng ta có 146 DN xuất khẩu cà phê trong nước nhưng chỉ có 20 DN có tên tuổi, còn lại là những DN nhỏ yếu về năng lực tài chính và thiếu kinh nghiệm. 20 DN xuất khẩu cà phê lớn cũng chưa biết liên kết với nhau để trao đổi, phân tích, xử lý thông tin, đưa ra những quyết định đúng đắn, trong khi các DN nước ngoài biết liên kết với nhau nên người ta có thể thao túng thị trường.

PV: Thưa ông, những đại lý thu mua cà phê hiện nay chủ yếu mua dưới hình thức mua sô (nhiều loại) sau đó về phân loại, điều này có ảnh hưởng tới chất lượng cà phê?

Ông Đoàn Triệu Nhạn: Nói đến chất lượng cà phê, đầu tiên phải là khâu nguyên liệu. Chúng ta có 540.000 hộ gia đình nông dân trồng cà phê, như vậy sẽ có từ 1 - 2 triệu nông dân sống nhờ cà phê. Những hộ trồng cà phê thường huy động lao động trong gia đình. Nhiều khi sợ bị mất trộm, hay thiếu lao động, có hộ trồng cà phê hái cả quả xanh lẫn quả chín, do đó chất lượng chưa cao. Những nhà thu mua cà phê phải mua sô, sau đó mới tái chế để xuất khẩu. Đây là tập quán đã có từ lâu, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi để nâng cao chất lượng cà phê.

PV: Người nông dân nói chung và người trồng cà phê nói riêng gặp rất nhiều rủi ro trong sản xuất, kinh doanh, theo ông, làm thế nào để giảm rủi ro cho họ?

Ông Đoàn Triệu Nhạn: Có rất nhiều cách để giảm rủi ro cho người trồng cà phê. Ví dụ như, DN liên kết với người trồng cà phê. DN hỗ trợ giống, vốn, khoa học kỹ thuật, còn người trồng bán sản phẩm cho DN, khi có biến động về giá, DN có thể chia sẻ với người trồng cà phê. Hay người trồng cà phê mua bảo hiểm chống rủi ro, tạo ra quỹ bảo hiểm chống rủi ro...

PV: Thưa ông, làm thế nào để gia tăng sức mạnh cho ngành cà phê Việt Nam?

Ông Đoàn Triệu Nhạn: Phải tổ chức tốt các mối liên kết. Đối với người trồng cà phê, nếu tổ chức được các HTX kiểu mới cho họ thì rất tốt. Bên cạnh đó, các DN cũng phải liên kết với nhau. Hiện các DN không muốn bắt tay nhau, thường giấu thông tin, sợ lộ thị trường, chính vì vậy nhiều khi bỏ mất cơ hội làm ăn lớn, ví dụ như có DN nhận được đơn hàng lớn không lo được cũng không báo cho DN khác. Và cuối cùng là thắt chặt mối liên kết giữa nông dân và DN. Hiệp hội Cà phê cách đây hàng chục năm đã tổ chức CLB những nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu nhưng CLB này hoạt động không hiệu quả. Mới đây, chúng tôi đã tổ chức CLB của 20 nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu để tăng sức mạnh cho DN Việt Nam. Hiệp hội đang phối hợp với Cục Trồng trọt nghiên cứu đề ra chương trình tổ chức liên minh giữa các DN với người nông dân.

Thổ nhưỡng của Việt Nam rất thuận lợi cho phát triển cây cà phê

** Ông Nguyễn Minh Tú, Vụ trưởng Vụ Hợp tác xã, Bộ KH-ĐT: Tạo điều kiện cho các HTX phát triển

Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của Việt Nam rất thuận lợi cho phát triển cây cà phê, đặc biệt là vùng đất đỏ bazan khu vực Tây Nguyên và Đông Nam bộ. Tuy nhiên, lượng cà phê có chất lượng hiện chiếm tỉ trọng nhỏ, điều này bắt đầu từ khâu nguyên liệu. 90% cơ sở sản xuất cà phê là nhỏ lẻ, manh mún, mỗi hộ chỉ có từ 1 – 2 ha và các hộ sản xuất khép kín, chưa có sự hợp tác. Ngành cà phê đang chiếm 3% GDP, với 2 triệu lao động. Nếu chúng ta thúc đẩy sự hợp tác tốt hơn giữa các nhà sản xuất với các nhà chế biến, phân phối sẽ tạo ra sự phát triển mới cho ngành cà phê.

Hiện nay, Vụ Hợp tác xã đang giúp lãnh đạo Bộ NN&PTNT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng đề án trình Bộ Chính trị để sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý cho mô hình HTX kiểu mới ra đời, đồng thời, phối hợp cùng với các bộ, ngành xây dựng Luật HTX. Khi đã có khung pháp lý, các HTX sẽ hoạt động thuận lợi hơn.

** Ông Dave’haeze, Đại diện trưởng Châu Á - Thái Bình Dương tại Hà Nội: Mô hình hợp tác nông dân - phương thức quản lý hữu hiệu nhất

Qua khảo sát thực tế tại một số tỉnh như: Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, tôi thấy cà phê chủ yếu trồng trước năm 1975 đã bị thoái hóa, bên cạnh đó, cà phê Việt Nam phải đối mặt với nạn ve sầu, vì thế năng suất, chất lượng của cà phê Việt Nam không ổn định. Các hộ trồng cà phê Việt Nam vốn ít, đầu vụ thường phải vay mượn tiền để sản xuất nên khi thu hoạch phải bán sớm cho các đại lý để trả nợ, vì vậy, nhiều khi người ta chỉ quan tâm đến số lượng mà không quan tâm đến chất lượng.

Phương thức hữu hiệu nhất về lâu dài là tổ chức mô hình hợp tác nông dân. Khi nông dân tập hợp vào một tổ chức thì phần nào quản lý được rủi ro, vì họ sẽ buôn bán trực tiếp cho các DN thu mua lớn và các DN có thể hỗ trợ lại cho họ khi có biến động về giá cả./.

Sản xuất, mua bán cà phê: Mạnh ai nấy làm

Gia đình chị Nguyễn Thị Lụa ở xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột có 3 ha cà phê, trung bình mỗi năm thu được trên dưới 13 tấn cà phê nhân. Thế nhưng, hầu như năm nào chị Lụa cũng phải bán hết cà phê ngay từ đầu vụ.

Chị Lụa giải thích: “Phải bán sớm để lấy tiền trả công nhân, tiền mua dầu tưới (3-4 đợt), tiền thuốc trừ sâu. Bán sớm từ đầu vụ, thời điểm nguồn cung đang dồi dào nên không bán được giá cao”.

Cũng giống như chị Lụa, phần lớn người trồng cà phê ở Đắk Lắk phải bán hết cà phê ngay từ đầu vụ để trang trải chi phí cho vụ mùa tới. Đồng loạt bán, người trồng cà phê sẽ bị ép giá. Một thực tế khác nữa là do nạn trộm cắp cà phê nên không ít người phải thu hái quả khi còn xanh.

Ông Nguyễn Văn Truyền, nông dân ở phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột, cho biết: “Khi vườn bên cạnh hái, cà phê của mình chưa chín hết cũng phải hái, biết là sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, nhưng nếu không hái sẽ không bảo vệ được vườn cà phê. Chỉ những vùng của nông trường, bảo vệ của nông trường liên kết với các đơn vị bộ đội canh giữ mới giữ được vườn cà phê đến khi chín đều”.

Rõ ràng, các hộ nông dân chưa có sự liên kết, phối hợp với nhau để cùng bảo vệ, nâng cao giá trị sản phẩm. Còn DN thu mua cà phê thì cũng trong tình trạng mạnh ai nấy làm.

Chị Đào Thị Hoa, chủ DN tư nhân thu mua nông sản Quang Vinh, nói: “Doanh nghiệp tư nhân thu mua thấy có chút lời là bán”. Chính vì làm theo kiểu đơn lẻ mà DN kinh doanh cà phê ở Đắk Lắk, đặc biệt là các DN xuất khẩu, vẫn chưa kiểm soát được thị trường dù tỉnh này chiếm phần lớn lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, chủ doanh nghiệp tư nhân thương mại dịch vụ Quang Anh, cho rằng: “Nguồn lực của DN Việt Nam chưa đủ mạnh. Khi nông dân bán ra thì không có tiền để giữ hàng hoặc khi giá xuống thấp cũng không có tiền để găm hàng lại. Bên cạnh đó, DN cũng chưa ngồi lại với nhau để thống nhất giá nào nên bán, mà mạnh ai nấy bán, nhất là các DN xuất khẩu. DN thường là giấu tin, vì vậy, không tạo được sức mạnh”. (Bích Tâm)

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên