Tây Nguyên thu hút đầu tư phát triển bền vững

Tây Nguyên vẫn đang là địa bàn còn nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư, tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có  

Ngày 5/9, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Ban chỉ đạo Tây Nguyên cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các tỉnh Tây Nguyên tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư Tây Nguyên.

Tại diễn đàn, 5 tỉnh Tây Nguyên gồm: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng giới thiệu 120 dự án kêu gọi đầu tư trên nhiều lĩnh vực với tổng số vốn cần đầu tư lên đến gần 100.000 tỷ đồng. Lĩnh vực các tỉnh Tây Nguyên kêu gọi nhiều vốn đầu tư nhất là xây dựng lên đến 63.859 tỷ đồng, tiếp đó là cơ sở hạ tầng, gần 30.000 tỷ đồng, còn lại là các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, giáo dục, y tế, du lịch…

Những năm qua, các tỉnh Tây Nguyên đã được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều mặt, từng bước tạo đà cho Tây Nguyên phát triển, đời sống đồng bào các dân tộc ngày càng được ổn định… Sau 20 năm đổi mới, kinh tế, xã hội Tây Nguyên đạt nhiều thành tựu quan trọng, phát triển khá toàn diện và chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa. Kinh tế Tây Nguyên phát triển ở mức cao, liên tục tăng, mức tăng GDP bình quân giai đoạn 2001- 2005 đạt 10,05%.

Đến nay, khu vực Tây Nguyên đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa với các sản phẩm đặc thù như: cà phê, cao su, hồ tiêu và hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật bước đầu được xây dựng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của vùng. Sản xuất công nghiệp tập trung vào khai thác thế mạnh của vùng, hình thành một số ngành công nghiệp mới, nhất là ngành công nghiệp thủy điện, khai thác quặng, chế biến nông - lâm sản… Tuy nhiên, theo đánh giá chung thì Tây Nguyên vẫn đang là địa bàn còn nhiều khó khăn trong việc thu hút đầu tư, tốc độ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có. Trong 8 năm qua (2001-2008), tổng vốn đầu tư phát triển Tây Nguyên chỉ đạt 109.000 tỷ đồng, bằng 4% tổng vốn đầu tư phát triển của cả nước./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên