Thanh toán phi tiền mặt: Chậm do đâu?

Có nhiều nguyên nhân khiến việc triển khai thanh toán phi tiền mặt trong khu vực công còn chậm trễ. Khó khăn lớn nhất là hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng nhu cầu gia tăng về hoạt động thanh toán trong nền kinh tế.

Thanh toán không dùng tiền mặt là phương thức phổ biến trên thế giới và đối với Việt Nam, đây là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập. Thanh toán không dùng tiền mặt đem lại nhiều lợi ích to lớn nhưng thực tế việc triển khai ở Việt Nam còn rất chậm trễ.

4 bên cùng có lợi

Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước, việc thanh toán phi tiền mặt trong khu vực công đem lại lợi ích thiết thực cho cả 4 đối tượng: doanh nghiệp, hải quan, kho bạc, ngân hàng. Đối với doanh nghiệp, không gian thu - nộp mở rộng ra, thậm chí ngồi tại nhà cũng có thể thực hiện được giao dịch qua internet; thời gian thu nộp mở rộng, cả ngoài giờ hành chính, ngày lễ, Chủ nhật; phương thức thu nộp hiện đại hơn, qua ATM, internet, sau này có thể là công nghệ 3G; đặc biệt thông tin về số thuế phải nộp, đã nộp gần như được thực hiện tức thời, giảm thiểu tình trạng đã nộp thuế mà hệ thống vẫn báo nợ.

Đối với hải quan, thông tin trực tuyến, chính xác, kịp thời; dễ triển khai và nhân rộng; giảm thời gian nhập liệu, tiết kiệm chi phí và nguồn lực; có thể không cần phải đối chiếu khi các ngân hàng cam kết các giao dịch được thực hiện qua ngân hàng là chính xác. Đối với kho bạc, tiết kiệm được biên chế, trang thiết bị, kinh phí thực hiện công tác thanh toán bằng tiền mặt. Đối với ngân hàng, cung cấp một dịch vụ mới, mở ra một lượng khách hàng tiềm năng và rộng lớn, đó là cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Nhìn chung, lợi ích lớn nhất chính là tiết kiệm được thời gian và chi phí nhờ việc đơn giản hóa và cải cách triệt để thủ tục hành chính trong quy trình thu nộp ngân sách Nhà nước.

Việc minh bạch hóa các khoản chi tiêu công sẽ góp phần thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, đặc biệt là chống tham nhũng. Việc thanh toán phi tiền mặt sẽ giảm bớt quy mô của nền kinh tế phi chính thức (vốn hầu như không đóng góp gì vào nền kinh tế chính thức) và làm giảm các hoạt động trái pháp luật như làm tiền giả, tham nhũng, trốn thuế, rửa tiền…

Trở ngại từ hạ tầng kỹ thuật

Ngày 26/11/2005, Chính phủ đã chính thức phê duyệt đề án không dùng tiền mặt giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến 2020 tại Việt Nam. Đây là một dự án chiến lược cấp quốc gia với các biện pháp thúc đẩy và thực hiện các dự án cụ thể để hiện thực và làm cho thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến và gần gũi hơn nữa với xã hội. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán từ mức 18% trong năm 2007 giảm xuống mức 14% vào cuối năm 2008. Tuy nhiên, thực tế việc thanh toán phi tiền mặt vẫn chưa thực sự phát triển ở Việt Nam.

Ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam hiện nay chưa phát triển mạnh, tiền mặt vẫn là phương thức thanh toán chủ yếu. Chất lượng, tiện ích mới trong thanh toán không dùng tiền mặt còn hạn chế, các tiện ích thiết thực và phổ biến (như thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, truyền hình cáp) chưa được triển khai mạnh mẽ. Các dịch vụ thanh toán trực tuyến như Mobile banking, internet banking, ví điện tử…, chưa triển khai trên diện rộng để đáp ứng nhu cầu thanh toán nhỏ lẻ của khách hàng.

Có nhiều nguyên nhân khiến việc triển khai thanh toán phi tiền mặt trong khu vực công còn chậm trễ. Khó khăn lớn nhất là hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng nhu cầu gia tăng về hoạt động thanh toán trong nền kinh tế. Đơn cử như việc chi trả lương qua ATM trong thời gian qua, đã cho thấy rõ điểm yếu này: máy ATM thường xuyên hết tiền, gặp trục trặc kỹ thuật, việc giải quyết khiếu nại chưa nhanh chóng, kịp thời...

Ông Nguyễn Hưng Thanh, Giám đốc Trung tâm công nghệ Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam cho biết: tình trạng cơ sở dữ liệu của các doanh nghiệp, đơn vị cung cấp dịch vụ công vẫn còn đang phân tán ở nhiều nơi. Đây là quá trình mất nhiều thời gian và công sức để đảm bảo các dữ liệu có thể truy cập thống nhất và thuận lợi qua hệ thống máy tính và công nghệ thông tin hiện đại; tư duy thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn bám rễ trong các doanh nghiệp và đơn vị cung cấp dịch vụ công; hạ tầng kỹ thuật của các ngân hàng chưa đồng đều và một vài ngân hàng chưa sẵn sàng để có thể triển khai dịch vụ này theo hướng phổ cập hơn nữa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên