Tháo gỡ khó khăn, bất cập cho các dự án cơ khí trọng điểm

VOV.VN -Ngành cơ khí hiện mới chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu cơ khí cả nước, các dự án cơ khí trọng điểm vẫn gặp nhiều khó khăn và thiếu sức cạnh tranh

Do đó cần có sự điều chỉnh kịp thời các chính sách về tín dụng, kích cầu, thuế, phí… Đây là vấn đề đặt ra tại Hội thảo “Tháo gỡ khó khăn, bất cập cho các dự án cơ khí trọng điểm” do Bộ Công Thương tổ chức hôm nay tại Hà Nội.

Theo số liệu thống kê, giá trị sản xuất công nghiệp ngành cơ khí những năm gần đây tăng trưởng đáng kể. Năm 2013, giá trị sản xuất công nghiệp ngành này đạt khoảng 700 ngàn tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng giá trị của toàn ngành công nghiệp; giá trị xuất khẩu đạt trên 13 tỷ USD, gấp gần 6 lần so với giá trị xuất khẩu năm 2006. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa phản ánh đúng tiềm năng thực có của các doanh nghiệp cơ khí, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong nước.

Theo một số doanh nghiệp cơ khí, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là tiếp cận vốn ưu đãi. Ông Phan Tử Giang, Tổng Giám đốc Công ty Chế tạo giàn khoan dầu khí nêu thực tế, mặc dù các dự án chế tạo giàn khoan dầu khí hay xây dựng căn cứ cho giàn khoan đều thuộc dự án cơ khí trọng điểm của nhà nước, nhưng đến nay, sau 7 năm đi vào hoạt động, doanh nghiệp vẫn chưa nhận được ưu đãi về mặt tài chính. Theo quy định, dự án cơ khí trọng điểm được vay ưu đãi 85% tổng số vốn đầu tư dự án. Nhưng với vốn đầu tư giàn khoan dầu khí lên tới từ 200 – 800 triệu USD, việc thu xếp vốn lại càng khó khăn hơn. Ngoài nguyên nhân khách quan là tình hình kinh tế khó khăn, thì còn nguyên nhân từ việc chính sách hỗ trợ còn thiếu đồng bộ.

Ông Phan Tử Giang nói: “Cả 2 dự án chế tạo giàn khoan và xây dựng căn cứ chế tạo giàn khoan đều chưa vay được vốn. Khi đưa ra Ngân hàng Phát triển Việt Nam không đồng ý, vì số vốn quá lớn. Với chính sách hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, ngân hàng lại bảo đầu tư xong mới được hỗ trợ lãi suất. Còn các ngân hàng khác thì yêu cầu phải chứng minh được hỗ trợ lãi suất thì mới cho vay. Dự án đầu tư từng chịu lãi suất tới 21% trong năm 2010 cho khoản vay 800 tỷ đồng. Chúng tôi rất khó khăn trong việc trả nợ.”

Nhiều doanh nghiệp trong ngành cơ khí cũng phản ánh, việc thực hiện quy định về việc chỉ định thầu và giao thầu sản phẩm cơ khí trọng điểm theo quy định cũng còn nhiều điểm bất cập. Thực tế các thiết bị cho nhà máy nhiệt điện, nhà máy lọc dầu… các dự án quy mô lớn đều đang được áp dụng giao thầu theo hình thức chìa khóa trao tay dẫn đến các doanh nghiệp trong nước hầu như không có cơ hội tham gia cung cấp các thiết bị chính, do năng lực hạn chế và quy mô sản xuất nhỏ. Ngoài ra, còn thiếu giải pháp về chính sách tạo đơn hàng, chính sách bảo hộ cho sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước…

Trước thực trạng này, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam cho rằng, các dự án cơ khí trọng điểm cần được ưu đãi về vốn vay, cụ thể mức lãi suất 3%/năm, từ 15-20 năm. Nếu vay ngân hàng thương mại thì Nhà nước cho bù chênh lệch. Với chính sách kích cầu, cần nghiên cứu điều kiện chỉ định thầu theo Luật Đấu thầu 2014. Ngoài ra, cần lựa chọn và tập trung vào các dự án trọng điểm như: Cơ sở đóng giàn khoan, các nhà máy chế tạo động cơ; nhà máy chế tạo thiết bị chính cho các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, công nghiệp khai khoáng…

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương cho biết:  “Các giải pháp đề xuất rất đúng mục tiêu, song khả thi hay không còn phụ thuộc vào việc nỗ lực của doanh nghiệp và điều chỉnh chính sách kịp thời của cơ quan quản lý Nhà nước. Theo tôi, chính sách tín dụng là quan trọng nhất. Hiện nay lãi suất ưu đãi đầu tư của Ngân hàng Phát triển Việt Nam vẫn là 10,5%/năm thì không khuyến khích được ngành cơ khí. Thứ hai là các chính sách đấu thầu theo Luật Đấu thầu mới cũng phải được áp dụng. Vì luật cũ không tạo điều kiện cho doanh nghiệp cơ khí trong nước. Doanh nghiệp nước ngoài vào làm công trình, làm tổng thầu EPC thì sẽ làm hết, doanh nghiệp nội chỉ là thầu phụ, không độc lập được.”

Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp, trên cơ sở đó sẽ có những điều chỉnh kịp thời cho Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quyết định số 10 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm, trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên