Tháo nút thắt trong cơ sở hạ tầng

Trong 5-10 năm tới, Việt Nam cần khoảng 70-80 tỷ USD để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, một trong những nhiệm vụ chính để đạt được sức cạnh tranh hiệu quả trong khu vực cũng như hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Năm 2010, Việt Nam đã thực hiện thành công quá trình chuyển đổi chính thức từ một nước có “thu nhập thấp” thành một nước có “thu nhập trung bình”. Nước ta đạt được điều này thông qua việc thúc đẩy các lợi thế trong nước và giảm thiểu những khó khăn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước bằng việc cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn không ít thách thức về cơ sở hạ tầng đối với doanh nghiệp.

Trong 5 đến 10 năm tới, Việt Nam cần khoảng 70-80 tỷ USD để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Việc phát triển cơ sở hạ tầng được coi là một trong những nhiệm vụ chính để nước ta đạt được sức cạnh tranh hiệu quả hơn trong khu vực cũng như hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, kinh tế trong nước càng phát triển thì áp lực lên hạ tầng cơ sở càng nhiều. Những vấn đề này đang tồn tại và đã tác động khá lớn đến hoạt động của khu vực doanh nghiệp. Ông Hank Tomlinson, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng:Vẫn tồn tại những thiếu hụt trong việc phát triển cơ sở hạ tầng then chốt, đặc biệt là những con đường nối các tỉnh, thành, kể cả các cây cầu, cũng như các con đường tiếp cận các cảng biển có vị trí chiến lược và các cơ sở hạ tầng trên đất liền. Những hạn chế về cơ sở hạ tầng ở Việt Nam đang đe doạ tới đầu tư trực tiếp nước ngoài. Nhiều nhà đầu tư tiềm năng của Mỹ đã đưa ra các lý do hạn chế về cơ sở hạ tầng để không đầu tư vào Việt Nam. Khi mà Việt Nam vẫn dậm chân tại chỗ về vấn đề cơ sở hạ tầng thì Việt Nam đã bị tụt hậu”.

Một trong những yếu kém cụ thể liên quan đến cơ sở hạ tầng của Việt Nam chính là chi phí vận chuyển. Nói điều đó vì theo các doanh nghiệp, hiện nay chi phí vận chuyển của nước ta tính theo % của GDP vẫn cao hơn nhiều nước trong khu vực. Có thể thấy điều này khá rõ khi chi phí này ở Indonesia và Malaysia là 13% GDP, ở Trung Quốc là 18%, còn ở Việt Nam là 25% GDP.

Ông Neilsen Peter-Smidt, thành viên nhóm công tác Cảng biển của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam nêu ý kiến: “Có rất nhiều lý do khiến chi phí vận chuyển ở Việt Nam cao nhưng rõ ràng là cơ sở hạ tầng yếu kém làm tăng đáng kể chi phí cho các doanh nghiệp như nạn tắc đường, thời gian chờ đợi kéo dài, thiếu minh bạch và tính dự báo trong chuỗi cung ứng, phương tiện vận chuyển trên bộ đã cũ, không hiệu quả, không tuân thủ các quy định về hạn chế trọng lượng vận tải cũng dẫn đến chi phí hoạt động cao hơn và kém an toàn”.

Nhằm giải quyết những vướng mắc này, theo gợi ý của ông Brian O’Reilly, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Australia:Việt Nam cần chú ý đến hình thức đối tác công - tư. Mô hình đối tác công tư bao gồm thành phần doanh nghiệp ngoài quốc doanh sẽ góp phần quan trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng ở Việt Nam. Nhằm giải quyết phần nào những vấn đề này, cần cải thiện những thủ tục hành chính, đặc biệt là trong các dự án và hợp đồng”.

Việt Nam đã thành công trong việc mở rộng tiếp cận đến các dịch vụ cơ sở hạ tầng trong hơn 20 năm qua, nhưng còn rất nhiều việc phải làm để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ những “nút thắt” của nền kinh tế. “Các chính sách và thể chế trước đây thành công nhưng so với tình hình bây giờ cần phải được điều chỉnh vì sự phát triển của Việt Nam ngày càng tiến bộ hơn”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định.

Theo nhiều khảo sát quốc tế nhận định, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu phát triển nhưng những trở ngại về cơ sở hạ tầng của Việt Nam vẫn chưa được giải quyết một cách hiệu quả. Thực tế, chính những tắc nghẽn về cơ sở hạ tầng hiện được xem là vấn đề lớn nhất cản trở môi trường kinh doanh của đất nước. Vượt qua những rào cản cơ sở hạ tầng này, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khả quan và bền vững, hiện thực hóa những mục tiêu phát triển đã đề ra cho những thập niên sắp tới./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên