Chăm sóc sức khỏe nhãn khoa, chống mù lòa cho hàng chục nghìn người

VOV.VN -Chương trình “Cải thiện chăm sóc sức khỏe nhãn khoa tại cộng đồng thông qua sử dụng Hệ thống dữ liệu EYELIKE” giúp khoảng 14.000 người tại Thái Nguyên.

Dự án Phòng chống Mù lòa (Project BOM), một tổ chức phi chính phủ của Hàn Quốc, khởi động chương trình “Cải thiện chăm sóc sức khỏe nhãn khoa tại cộng đồng thông qua sử dụng Hệ thống dữ liệu EYELIKE” tại Thái Nguyên.

Đây là chương trình nhằm hướng tới sự cải thiện tốt hơn sức khỏe nhãn khoa của người dân tại cộng đồng thông qua sử dụng thiết bị chụp ảnh đáy mắt, qua đó giúp cán bộ y tế chẩn đoán, sàng lọc sớm các bệnh ở đáy mắt tại các trạm y tế nơi thiếu các bác sĩ chuyên khoa mắt.

Lễ khởi động dự án Phòng chống mù lòa.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đánh giá cao ý nghĩa của dự án đối với cộng đồng dân cư trong tỉnh. Tỉnh Thái Nguyên cam kết sẽ ủng hộ hết sức về nhân lực, tài chính cho dự án này để người dân được hưởng lợi ở mức cao nhất.

Trước đó, năm 2018, cùng với sự hỗ trợ từ Samsung, Dự án Phòng chống Mù lòa đã triển khai chương trình EYELIKE tại 22 trạm y tế tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Sau lễ khởi động ngày hôm nay, chương trình EYELIKE sẽ tiếp tục được triển khai tại Khoa Mắt - Bệnh viên Trung ương Thái Nguyên; Bệnh viện Mắt Thái Nguyên, Trung tâm Y tế huyện Đồng Hỷ bao gồm Khoa Mắt và 15 trạm y tế thuộc Trung tâm. Các hoạt động của Dự án gồm: Đào tạo cho bác sĩ nhãn khoa tại Thái Nguyên; phát triển thiết bị; nâng cao năng lực cho bác sĩ tuyến xã về chăm sóc nhãn khoa và sử dụng thiết bị và chương trình dịch vụ sức khỏe nhãn khoa sử dụng hệ thống EYELIKE tại tuyến xã.

Thực hành chụp đáy mắt tại lễ khởi động dự án.

Theo kế hoạch, sau khi tập huấn về kỹ thuật sử dụng thiết bị chụp ảnh đáy mắt EYELIKE cho các bác sỹ tại Thái Nguyên vào tháng 6/2019, Dự án Phòng chống Mù lòa sẽ tiến hành phân phối thiết bị EYELIKE cho các cơ sở y tế nói trên. Tổng kinh phí tài trợ thực hiện dự án là 89.300 USD (chưa bao gồm giá 18 thiết bị EYELIKE). Dự kiến sẽ có khoảng 14.000 người dân trên 50 tuổi tại Thái Nguyên được hưởng lợi từ Dự án.

Hệ thống dữ liệu EYELIKE bao gồm 3 phần chính: (1) Một máy chụp ảnh đáy mắt cầm tay dễ sử dụng được kết nối với điện thoại thông minh; (2) Ứng dụng điện thoại thông minh có thể chỉnh sửa thông tin dữ liệu bệnh nhân chuẩn xác trong khi mô tả kết quả chẩn đoán và phác đồ bệnh; và (3) thuật toán nhận dạng mẫu chẩn đoán các bệnh về mắt khác nhau từ hình ảnh đáy mắt chụp được từ thiết bị./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên