Giá điện sẽ được điều chỉnh 6 tháng một lần

VOV.VN - Giá bán điện bình quân được xem xét tăng giảm theo biến động khách quan của thông số đầu vào tối thiểu 6 tháng từ lần điều chỉnh gần nhất.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực và sử dụng điện có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2017.

Theo quyết này, hằng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành.

Khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được điều chỉnh giảm. Khi các thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.

Giá điện được điều chỉnh khi các thông số đầu vào biến động từ 3% so với giá bán điện bình quân. (Ảnh minh họa: KT)
Trong trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 5% đến dưới 10% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN được phép điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng sau khi có báo cáo và được Bộ Công Thương chấp thuận.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 10% trở lên, phương án giá điện do Tập đoàn Điện lực Việt Nam trình Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ phương án giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra, rà soát và gửi ý kiến bằng văn bản đến Bộ Công Thương.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của Bộ Tài chính sau khi kiểm tra, rà soát, Bộ Công Thương có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Quyết định của Thủ tướng quy định thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất. Sau khi tăng giá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát.

Trước ngày 25 tháng đầu tiên Quý II, Quý III và Quý IV, trên cơ sở tổng hợp thông số đầu vào cơ bản trong khâu phát điện của quý trước liền kề, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xác định chi phí phát điện của quý trước liền kề, chi phí phát điện cộng dồn từ đầu năm, sản lượng điện thương phẩm thực tế của quý trước và tổng sản lượng điện thương phẩm cộng dồn, ước sản lượng điện thương phẩm các tháng còn lại trong năm, tính toán lại giá bán điện bình quân.

Hằng năm, sau khi có báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện, báo cáo tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên đã được kiểm toán độc lập, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của năm trước liền kề.

Trong quá trình kiểm tra có thể mời Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội liên quan, các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan tham gia. Bộ Công Thương được mời tư vấn độc lập để thẩm tra báo cáo quyết toán chi phí sản xuất kinh doanh điện, báo cáo tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị thành viên.

Trong thời hạn 30 ngày sau khi kết thúc kiểm tra, Bộ Công Thương chủ trì họp báo công bố công khai kết quả kiểm tra. Kết quả kiểm tra được công bố công khai trên trang Thông tin điện tử của Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực; 
Các nội dung kiểm tra, giám sát và công bố công khai bao gồm: Chi phí thực tế các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, quản lý chung, dịch vụ phụ trợ hệ thống điện và các chi phí khác. Kết quả kinh doanh lỗ, lãi của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Các chi phí được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Các chi phí chưa được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Các chi phí khác bao gồm cả chênh lệch tỷ giá đánh giá lại chưa được tính vào giá điện các năm trước, nay được đưa vào giá thành sản xuất kinh doanh điện phải được kiểm toán do kiểm toán độc lập thực hiện và lập thành báo cáo kiểm toán riêng để làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát.

Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh giảm mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam không điều chỉnh giảm, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân; Nếu phát hiện có sai sót trong kết quả tính toán giá điện, Bộ Công Thương có trách nhiệm yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam dừng điều chỉnh hoặc điều chỉnh lại giá bán điện bình quân.

Trường hợp vi phạm quy định về điều chỉnh, tính toán giá bán điện bình quân theo quy định được xử lý theo quy định pháp luật quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn và Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP hoặc các văn bản quy phạm pháp luật thay thế (nếu có)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giá điện năm 2017 sẽ không gây bức xúc?
Giá điện năm 2017 sẽ không gây bức xúc?

VOV.VN - Lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định, năm 2017 sẽ không có "ồn ào" về giá điện gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Giá điện năm 2017 sẽ không gây bức xúc?

Giá điện năm 2017 sẽ không gây bức xúc?

VOV.VN - Lãnh đạo Bộ Công Thương nhận định, năm 2017 sẽ không có "ồn ào" về giá điện gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Kiểm soát lạm phát: Thận trọng với kịch bản tăng giá điện
Kiểm soát lạm phát: Thận trọng với kịch bản tăng giá điện

VOV.VN - Theo khuyến cáo của các chuyên gia, tăng giá điện sẽ là một nhân tố tác động làm tăng lạm phát.

Kiểm soát lạm phát: Thận trọng với kịch bản tăng giá điện

Kiểm soát lạm phát: Thận trọng với kịch bản tăng giá điện

VOV.VN - Theo khuyến cáo của các chuyên gia, tăng giá điện sẽ là một nhân tố tác động làm tăng lạm phát.

Bộ Công Thương phải sớm hoàn thiện kịch bản điều hành giá điện
Bộ Công Thương phải sớm hoàn thiện kịch bản điều hành giá điện

VOV.VN - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Công Thương sớm hoàn thiện kịch bản điều hành giá điện.

Bộ Công Thương phải sớm hoàn thiện kịch bản điều hành giá điện

Bộ Công Thương phải sớm hoàn thiện kịch bản điều hành giá điện

VOV.VN - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Công Thương sớm hoàn thiện kịch bản điều hành giá điện.