Quyền lợi bị xâm phạm - người tiêu dùng không nên im lặng

VOV.VN - Nếu mỗi người tiêu dùng có trách nhiệm với bản thân và xã hội thì công tác bảo vệ người tiêu dùng sẽ đạt hiệu quả hơn.

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề được dư luận cả nước quan tâm hiện nay. Tuy nhiên, người tiêu dùng chưa nắm rõ luật và không biết cách bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình đã khiến công tác phòng chống hàng giả hàng nhái chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. 

Theo Hội tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam, cả nước mới chỉ có 2,5% số người tiêu dùng biết tới luật hay các văn bản pháp luật bảo vệ người tiêu dùng. Điều này cho thấy, Luật và công tác bảo vệ Người tiêu dùng chưa thực sự đi vào cuộc sống bởi lẽ đối tượng cần được bảo vệ là người tiêu dùng lại chưa biết rõ về quyền lợi của mình.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ với tiêu dùng, thuộc Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ: Người tiêu dùng cần có kiến thức, đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế mở và hội nhập thì người tiêu dùng rất cần có kiến thức về tiêu dùng. Đó là điều quan trọng vì có kiến thức thì mới có thể vững vàng trong việc lựa chọn, trong ma trận hàng hóa với nhiều hình thức marketing chuyên nghiệp.

“Chúng tôi đặt mục tiêu người tiêu dùng phải là người có kiến thức, trong tiêu dùng, trong nhận biết và kể cả kiến thức trong bảo vệ người tiêu dùng của mình”, bà Chi nói.

Người tiêu dùng cần hiểu được các quyền lợi chính đáng của mình.
(Ảnh: Internet)
Một trong những khó khăn trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay là do người tiêu dùng còn thiếu thông tin, chấp nhận mua hàng chưa rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, còn tâm lý e ngại trong việc ngại khiếu nại, tố cáo…

Bên cạnh đó, nguồn lực hỗ trợ cho công tác bảo vệ người tiêu dùng còn hạn chế. Công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa hiệu quả; hoạt động của các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn; nguồn lực hỗ trợ cho hoạt động này tại cả trung ương và địa phương còn nhiều hạn chế; kết quả đấu tranh ngăn chặn những hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng còn chưa thỏa đáng....  

Theo bà Phạm Quế Anh, Chuyên gia độc lập về bảo vệ người tiêu dùng, cần tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để người tiêu dùng hiểu được các quyền lợi của mình. Cơ quan chức năng cần thông báo cho cơ quan bảo vệ người tiêu dùng về hàng hóa dịch vụ nguy hiểm họ gặp phải và theo dõi thông tin giải quyết khiếu nại của họ.

“Trước khi lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm trên thị trường, người tiêu dùng phải lựa chọn thông minh, tìm hiểu rõ những thông tin đó. Trong quá trình sử dụng, nếu như người tiêu dùng có khiếu nại hay thắc mắc phải tìm đến cơ quan chức năng, có thẩm quyền để giải quyết không nên im lặng. Nếu mỗi cá nhân, người tiêu dùng có trách nhiệm với bản thân mình, có trách nhiệm hơn với xã hội thì công tác bảo vệ người tiêu dùng sẽ hiệu quả hơn. Không nên quá trông chờ vào cơ quan Nhà nước hay các hội bảo vệ người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi của chúng ta mà phải tự biết bảo vệ quyền lợi của chúng ta trước....”, bà Quế Anh chỉ rõ.

Trong khi đó, ông Cao Xuân Quảng, Trưởng phòng Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian tới, Sở công Thương các địa phương sẽ công bố số điện thoại đường dây nóng và tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

“Công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đòi hỏi có sự cố gắng từ cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và cả bản thân người tiêu dùng. Ngoài việc tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý vi phạm và tiến hành các trách nhiệm pháp lý theo quy định của pháp luật, cần tuyên truyền để người tiêu dùng nắm được các quyền và nghĩa vụ của mình. Các tổ chức xã hội cũng cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, tiếng nói của mình trong việc bảo vệ người tiêu dùng”, ông Quảng khẳng định.

Việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Vì thế, Nhà nước cần khuyến khích nhân dân tham gia các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng và thực hiện pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.

Mặt khác, cần có chính sách phát hiện và khuyến cáo cộng đồng về hàng hóa, dịch vụ có chất lượng hoặc độ an toàn thấp, có nguy cơ gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe của người tiêu dùng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khuyến mại “khủng”, sao người tiêu dùng vẫn thờ ơ?
Khuyến mại “khủng”, sao người tiêu dùng vẫn thờ ơ?

VOV.VN -Người tiêu dùng Việt Nam không mấy mặn mà với các chương trình siêu khuyến mại nhân Ngày mua sắm trực tuyến (Online Friday) - 4/12/2015.

Khuyến mại “khủng”, sao người tiêu dùng vẫn thờ ơ?

Khuyến mại “khủng”, sao người tiêu dùng vẫn thờ ơ?

VOV.VN -Người tiêu dùng Việt Nam không mấy mặn mà với các chương trình siêu khuyến mại nhân Ngày mua sắm trực tuyến (Online Friday) - 4/12/2015.

Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tăng tháng thứ ba liên tiếp
Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tăng tháng thứ ba liên tiếp

VOV.VN -Báo cáo mới nhất của Ngân hàng ANZ cho thấy, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tăng trong tháng 11 - tháng thứ ba tăng liên tiếp.

Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tăng tháng thứ ba liên tiếp

Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tăng tháng thứ ba liên tiếp

VOV.VN -Báo cáo mới nhất của Ngân hàng ANZ cho thấy, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tăng trong tháng 11 - tháng thứ ba tăng liên tiếp.

Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam cao nhất châu Á
Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam cao nhất châu Á

VOV.VN -Khảo sát mới nhất của ANZ cho thấy, niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đạt mức kỷ lục trong tháng 12, cao nhất khu vực châu Á.

Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam cao nhất châu Á

Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam cao nhất châu Á

VOV.VN -Khảo sát mới nhất của ANZ cho thấy, niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đạt mức kỷ lục trong tháng 12, cao nhất khu vực châu Á.