Việt kiều Đức bỏ du lịch về quê nấu cháo cho bệnh nhân nghèo

Bỏ kỳ du lịch kéo dài 2 tuần tại Thái Lan và Ma Cao, Nguyễn Quỳnh Trang quyết định về Nghệ An tham gia nấu cháo cho các bệnh nhân nghèo.

Rời Việt Nam từ 13 năm trước và theo bố mẹ định cư tại Dresden - Đức, thế nhưng cô sinh viên năm 2 Trường ĐH danh tiếng Humboldt (Berlin) Nguyễn Quỳnh Trang (SN 1991) vẫn nói tiếng Việt như gió. Trang sinh ra tại huyện miền núi Anh Sơn (Nghệ An), kết thúc năm học lớp 2, Trang cùng em gái theo bố mẹ sang Đức định cư. Bố mẹ Trang mở một quán ăn châu Á tại Dresden.

Nguyễn Quỳnh Trang - Sinh viên năm thứ 2 Trường ĐH Humbolt (Đức)

“Ở trường chúng em nói tiếng Đức nhưng khi về đến nhà, bố mẹ và con cái đều nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt để không quên nguồn cội nên dù đã xa Việt Nam 13 năm nhưng em vẫn có thể nói tiếng Việt như các bạn ở đây. Tất nhiên là cũng có một số từ không biết diễn đạt như thế nào cho đúng. Còn riêng từ "cháo" thì bên Đức không có nên các bạn toàn bắt bí em thôi”, cô bạn chia sẻ.

Kết thúc năm học thứ 2 tại Đại học Humblodt với thành tích ấn tượng, Trang được bố mẹ thưởng một chuyến du lịch châu Á. Hành trình của bạn sẽ là về Việt Nam thăm gia đình, sau đó du lịch Thái Lan và Ma Cao nhưng “thấy Việt Nam mình đẹp quá” nên quyết định ở lại Việt Nam.

Sau kỳ nghỉ trên quê với ông bà, Trang xuống TP Vinh để chơi với gia đình người dì ruột. Thông qua dì, Trang biết đến chương trình đầy ý nghĩa nhân văn này và quyết định xin được tham gia. Từ chỗ ăn rồi chỉ có đi chơi, thăm thú cảnh đẹp thì Quỳnh Trang bắt tay vào công việc mới, công việc mà “bên Đức hoàn toàn không có”.

Sau 1 ngày đến tham quan và 1 ngày được đội tình nguyện ĐH Y khoa Vinh hướng dẫn, Trang chính thức bắt tay vào công việc. “Em thấy chương trình phát cháo cho bệnh nhân nghèo rất hay, rất ý nghĩa. Mỗi bát cháo giúp bệnh nhân nghèo tiết kiệm được tiền để chữa trị. Hơn nữa, đó còn là sự an ủi, sẻ chia của mọi người đối với những người nghèo khó không may mắc bệnh”, Trang chia sẻ.

Biết chia sẻ khó khăn với bệnh nhân nghèo là bài học lớn mà cô bạn học được từ
chương trình từ thiện này

Dù là “lính mới” song Trang không được ưu ái trong công việc. Cô bạn cũng phải tham gia vo gạo, gọt củ quả, nhặt rau thơm và trực tiếp đứng quấy cháo như những bạn khác. “Biết em là người mới, các bạn còn ưu tiên thêm một số công việc nữa ấy chứ. Ngoài ra em còn được mặc chiếc áo của Đội tình nguyện phát cháo cho bệnh nhân nữa.

Lúc nấu cháo thì nóng và mệt nữa nhưng khi phát cháo, thấy người nhà bệnh nhân chen chúc để nhận cháo nhưng mọi người chỉ nhận đúng phần cháo vừa sức mình ăn, không tham lam nhiều hơn. Rồi họ nói lời cảm ơn nữa, em vui lắm, thấy công việc mọi người đang làm thật có ý nghĩa”, Trang cho biết thêm.

Rồi cô bạn chùng xuống, “Nhưng bệnh nhân nghèo ở đây nhiều quá, mà cháo thì hạn chế nên nhiều người đến muộn không có cháo mang về. Qua các bạn em được biết, chương trình này chỉ thực hiện tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An thôi. Nghĩa là bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện khác không có cơ hội được chia sẻ một phần khó khăn như ở đây.

Công việc tình nguyện và những người bạn mới khiến Trang càng thêm yêu quê hương mình

Em mong các bệnh viện khác đều có chương trình này và có nhiều bạn sinh viên ở các trường khác tham gia nữa chứ không chỉ có các bạn sinh viên Trường ĐH Y khoa Vinh. Đợt này về Đức, em sẽ cố gắng kêu gọi cộng đồng người Việt Nam bên ấy tham gia quyên góp, ủng hộ cho nồi cháo của bệnh nhân nghèo”.

Hết tuần này, cô bạn sẽ bay về Đức tiếp tục chương trình học tại Khoa Nông nghiệp, Trường ĐH Humboldt. “Em chọn nông nghiệp cũng xuất phát từ bản tính “ham ăn” của mình thôi. Em muốn sau này có thể lại tạo ra nhiều loại giống cây trồng năng suất, chất lượng cao để giúp người nông dân có cơ hội thoát nghèo.

Nếu có cơ hội em vẫn mong muốn được trở về Việt Nam làm việc và hy vọng kỳ nghỉ tiếp theo, nếu được trở về Việt Nam, nồi cháo dành cho bệnh nhân nghèo vẫn được duy trì. Chắc chắn, khi đó em sẽ tiếp tục tham gia”, Trang tâm sự./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên