Thời khắc dòng sông Đà bị chặn lại lần cuối

VOV.VN - 8h sáng ngày 20/6/2015 là thời khắc dòng sông Đà bị chặn lại lần cuối cùng trước đập dâng Nhà máy thủy điện Lai Châu.

>> Tái định cư thủy điện Lai Châu: Điểm sáng Mường Tè

>> Chính thức đóng cống tích nước hồ chứa Nhà máy thủy 

>> Bút ký sông Đà: “Cuối hồ”

8h sáng ngày 20/6/2015 là ngày mà dòng sông Đà bị chặn lại lần cuối cùng trước đập dâng Nhà máy thủy điện (NMTĐ) Lai Châu, bậc thang cuối cùng của hệ thống NMTĐ trên sông Đà. Từ đó, đến ngày phát điện tổ máy số 1 của nhà máy (công suất 400 MW) không còn xa nữa.

Chứng kiến giờ phút lịch sử này có Anh hùng Lao động, Tiến sĩ Thái Phụng Nê, nguyên Trưởng ban quản lý công trình thủy điện Hòa Bình và người phó của ông ở Hòa Binh, kỹ sư Bùi Thức Khiết (sau này là Giám đốc đầu tiên của Nhà máy thủy điện Hòa Bình), kỹ sư Vũ Đức Thìn, nguyên cán bộ Ban quản lý, sau này là Giám đốc đầu tiên của Ban quản lý dự án thủy điện Sơn La.

Tác giả và Tiến sĩ Thái Phụng Nê

Tiến sĩ Thái Phụng Nê vẫn thế. Ông ân cần chào đón các quan khách rồi sau phút dòng sông Đà bị chặn laj, lặng lẽ đi sang phía hạ lưu đập thủy điện phía bờ phải, nơi những làn nước cuối cùng từ cống dẫn dòng chảy ra. Tôi chúc mừng ông một câu ngắn gọn và nhận xét: “van đóng rất khít”. Ông mỉm cười xác nhận. Nhìn ông với nụ cười vui, lại nhớ lần phỏng vấn ông vào tháng 12/1988, khi tổ máy số 1 của Thủy điện Hòa Bình khởi động. Ông khẳng định”đã hình dung ra giờ phút này từ lâu lắm rồi”. Có lẽ, lúc đó ông đã hình dung ra cái thời khắc lịch sử dòng sông Đà được chặn lại lần cuối cùng. Ở Tạ Bú? Ở Lai Châu?. Ôi, sự lạc quan của một trong những “kiến trúc sư”của công trình thế kỷ. Niềm tin chói ngời của ông vào một nguyên lý: ”Chủ nghĩa xã hội là chính quyền xô viết cộng với điện khí hóa toàn quốc”, thiết nghĩ, chính là động lực cho ông làm việc, làm việc và kéo theo cả một đội ngũ những kỹ sư, công nhân tham gia vào sư nghiệp trị thủy sông Đà. Và hôm nay, ông thật hạnh phúc.

Toàn cảnh công trường xây dựng NM TĐ Lai Châu nhìn từ hạ lưu sau khi đóng cống dẫn dòng

Đất trời cũng chiều những người làm thủy điện. Chiều 19/6, trên mặt đập rộng thênh thang, trong lúc thợ lắp máy, thợ vận hành… hối hả thực hiện những thao tác cuối cùng cho việc đóng cống dẫn dòng, thì mây đen cuồn cuộn kéo đến. Kỹ sư Đinh Văn Đại, Giám đốc chi nhánh Sông Đà 9.08, nói với tôi:”Đêm nay mưa xuống thì tốt quá.” Phía hạ lưu đập, xe máy của Sông Đà 9.08 vẫn đang cần mẫn dọn sạch khu vực lòng sông, khu vực xả sâu và cửa ra của nhà máy. 

Trước đó, Sông Đà 9.08 đã hoàn thành đắp 1,9 triệu mét khối bê tông đầm lăn đập dâng(ngày 2/5). Đến 19/6 hoàn thành tháo dỡ đê quây hạ lưu giai đoạn 2. Cả một lực lượng xe máy hùng hậu của Sông Đà 9.08 đã được chuyển đi. “Đi đâu?”- Tôi hỏi Đại.-“Sang thủy điện Nậm Nghiệp 1, bên Lào, anh ạ”.

Nước sông Đà không còn chảy qua cống dẫn dòng kể từ 8 giờ 20/6/2015

Và trời cũng chiều lòng người. Khoảng hơn 18 giờ, mưa xuống như trút nước. Tạnh mưa, tôi vào hầm gian máy. Năm nay là năm của lắp máy. Trong gian máy lúc nào cũng vậy. Mái nhà máy đã lợp xong. Hai cầu trục gian máy, mỗi cái sức nâng 560 tấn đã lắp đặt xong, sẵn sàng phục vụ cho việc lắp Rô-to tổ máy số 1 (nặng 970 tấn). Rô-to do nước ngoài chế tạo từng bộ phận, về đến nhà máy, những người thợ lắp máy(LILAMA 10 Lai Châu) phải tiến hành kiểm tra chất lượng, bảo dưỡng từng tấm tôn si-lích rồi tiến hành tổ hợp. Từng cái bu lông,ốc vít cũng phải kiểm tra. Thợ lắp máy Rô-to làm việc ba ca, mỗi ca 13 người. Thợ tổ hợp Stato cũng vậy. 

Ngoài ra còn hàng trăm hạng mục công việc khác trên khắp công trường đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng giữa bên xây dựng và bên lắp máy. Tính đến 20/6, tổ máy số 1 đã lắp đặt xong và hoàn thiện buồng xoắn, côn lun, giếng tua bin: đã tháo dỡ xong khung giằng và thực hiên việc tẩy mài, sơn dặm vá…Với tổ máy số 2 và 3: đã lắp đặt và hàn xong giếng tua bin, van tháo can khuỷu…Chi viện cho công trường,Anh hùng lao động, kỹ sư Nguyễn Thế Trinh, nguyên Chỉ huy trưởng công trường lắp máy thủy điện Sơn La, lên Lai Châu trực tiếp chỉ huy công trường.

Sáng 20/6, trời quang,mây tạnh, gió mát thổi lồng lộng trên công trường. Đồng bào quanh vùng biết tin, đứng kín quanh các sườn núi trên công trường, đông nhất là khu vực hạ lưu đập thủy điện . Sừng sững ở khu vực đập tràn xả lũ là 4 cánh van cong được kéo lên theo đúng quy trình đóng cống dẫn dòng. 

Kỹ sư Vũ Hồng Trường (người mặc áo trắng bên trái), Giám đốc Ban điều hành dư án TĐ Lai Châu, trao dổi với các nhà báo

Mấy hôm trước, Hội đồng nghiệm thu quốc gia đã xem xét, đánh giá cao toàn bộ các hạng mục công trình, các phần việc chuẩn bị cho ngày đóng cống dẫn dong, tich nước hồ chứa, bao gồm việc nghiệm thu tuyến áp lực, đập không tràn, công trình xả lũ (lỗ xả sâu,tràn xả mặt): tuyến năng lượng, cửa nhận nước và đường ống áp lực…

Dòng sông Đà giờ chỉ còn chảy qua đoạn cống dẫn dòng phía bờ phải. Đúng 8 giờ, một hồi còi vang lên. Thao tác đóng cống dẫn dòng bắt đầu. Phía thượng lưu cống, dòng nước sông Đà chảy chậm dần, chậm dần đến khi không còn xoáy nước nào gợn lên. Dòng sông Đà từ nay sẽ chỉ chảy qua Nhà máy thủy điện. Giám đốc Ban điều hành tổng thầu dự án thủy điện Lai Châu, kỹ sư Vũ Hồng Trường cho biết:” bắt đầu từ nay là quá trình tích nước hồ chứa, chuẩn bị cho việc phát điên tổ máy số 1 vào cuối năm nay”. Có tiếng một phóng viên: “có nghĩa là sớm hơn dự kiến?”.- Vâng, sớm hơn dự kiến một năm”. Vũ Hồng Trường khẳng định.

Không có gì là ngẫu nhiên cả. Đội ngũ những người xây dựng, lắp máy trên công trường, chính là đội ngũ những người đã làm nên kỳ tích vượt tiến độ ở công trường Nhà máy thủy điện Sơn La. Nhưng từ nay đến đó, vẫn còn hàng núi việc phải làm. Đổ bê tông nút cống dẫn dòng từ tháng 7 đến tháng 10. Trước đó, ở khu vực hạ lưu 3 tổ máy phải hoàn thanh đổ bê tông tường phân dòng; hoàn thành đào, gia cố kênh xả nước ra của nhà máy đến cao trình 215 mét; hoàn thành tháp dỡ đê quay; hoàn thành khoan phun gia cố, chống thấm và khoan thoát nước ở nền đập…

Nhấc van cong đập tràn xả lũ theo quy trình đóng cống dẫn dòng tích nước hồ chứa

Lật giở tổng tiến độ phát điện tổ máy số 1 thủy điện Lai Châu, tôi ghi vội mấy mốc chính:- Thả bánh xe công tác khoảng 28 đến 31/5. –Thả Rô-to từ 15 đến 18/8.- Đóng xong kích biến áp 5/11.-Ngập nước tổ máy 1 từ 29/11.- Khởi động không tải 30/11.-Phát điện cuối tháng 12/2015.

Và đây là những dấu mốc tiếp theo: Tổ máy số 2 tổ hợp và lắp đặt Sta-to máy phát từ 10/7/2015.-Tổ máy 3 tổ hợp và lắp đặt từ 10/11/2015.

Theo dự kiến, việc xây dựng Nhà máy thủy điện Lai Châu sẽ hoàn thành vào năm 2016, vượt tiến độ cũ 1 năm, làm lợi cho đất nước 5000 tỉ đồng. Với 3 tổ máy tổng công suất 1200 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm 4 tỉ 690 triệu kW/h, Nhà máy thủy điện Lai Châu khép lại bản hùng ca trị thủy sông Đà mà Đảng ta khởi xướng từ những năm 1970 của thế kỷ 20./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên