Thương mại Việt – Mỹ sẽ đạt 50 tỷ USD vào 2020

(VOV) -Theo AmCham, thương mại Việt – Mỹ cả  năm 2012 có thể đạt mức 24,6 tỷ USD.

Đà tăng sẽ tiếp tục lên mức 50 tỷ USD vào năm 2020, tương ứng mức tăng hơn 100% so với năm nay.

Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) vừa đưa ra bản đánh giá về quan hệ thương mại Việt – Mỹ. AmCham dự báo, đến năm 2013, thương mại song phương có thể đạt con số hơn 27 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 22,5 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam chỉ hơn 5 tỷ USD.  Đến năm 2015, kim ngạch XNK hai bên có thể lên đến hơn 33 tỷ USD, trong đó, kim ngạch XK của Việt Nam đạt mức hơn 27 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu là trên 6 tỷ USD.

Tuy nhiên, nhập khẩu may mặc vào thị trường Hoa Kỳ từ Việt Nam bị chững lại trong những năm gần đây vì sự gia tăng nhanh chóng của chi phí nhân công, cạnh tranh cao từ các quốc gia láng giềng và nhu cầu sụt giảm tại Hoa Kỳ mà nguyên nhân đến từ khủng hoảng kinh tế tài chính từ năm 2008.

Cũng theo phòng thương mại này, trong năm 2012, quan hệ thương mại giữa hai nước tiếp tục tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm hơn những năm trước đó. Dựa vào số liệu thống kê 10 tháng năm 2012 của Bộ Thương mại Mỹ, AmCham dự báo thương mại song phương cả  năm 2012 có thể đạt mức 24,6 tỷ USD, tương ứng mức tăng tích cực 12,8% so với năm 2011. Trong đó, kim ngạch XK của Việt Nam sang Mỹ đạt khoảng 20 tỷ USD (tăng 14%) và kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ đạt khoảng 4,6 tỷ USD (tăng 7%).

Đáng lưu ý, trong năm 2012, kim ngạch XK hàng may mặc từ Việt Nam vào Mỹ có thể chỉ đạt mức 7,8 tỷ USD, tăng 8% so với con số 7,2 tỷ USD năm 2011. AmCham dự báo, kim ngạch XK hàng may mặc từ Việt Nam sang Mỹ có thể đạt mức 8,4 tỷ USD vào năm 2013, tăng lên mức 9,1 tỷ USD năm 2014 và đạt con số 9,7 tỷ USD năm 2015.

Trước đó, tổng giá trị thương mại song phương năm 2011 đạt 21,8 tỷ USD, tăng 17,5 % so với năm trước đó. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu được 17,5 tỷ USD (tăng 18%) và nhập khẩu từ Mỹ 4,3 tỷ USD (tăng 17%).

AmCham cho rằng tăng trưởng xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam vào Mỹ có thể tiếp tục chậm lại do chi phí lao động tăng, năng lực cạnh tranh gia tăng từ các nước như Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh và Mexico và nhu cầu của thị trường Mỹ sụt giảm. Hy vọng của Việt Nam là xuất khẩu hàng hóa sản xuất và dịch vụ hiện đại sẽ bù đắp sự suy yếu về cả doanh thu xuất khẩu và việc làm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên