Tìm đường đi cho gói kích cầu thứ hai

Được ví như con bệnh nhờ thuốc kích cầu mà thoát khỏi bạo bệnh, nhiều ý kiến cho rằng, để doanh nghiệp và nền kinh tế thực sự khỏe hẳn vẫn cần thêm những liều thuốc.

Nhưng liệu có thực sự cần liều kích thích thứ hai khi liều thứ nhất đã làm tốt chức năng là giải cứu doanh nghiệp? Và nếu có gói kích thích thứ hai sẽ phải bước qua các hệ lụy của gói kích cầu thứ nhất như thế nào?

Soi lại hệ lụy

Tại hội thảo Các giải pháp kích thích kinh tế và những vấn đề đặt ra cho Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Cao Sỹ Kiêm đánh giá, gói kích cầu đã gỡ được nút thắt về vốn do siết chặt tín dụng, lãi suất giảm đi một nửa giúp nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trụ vững, giảm bớt nguy cơ phá sản, đặc biệt là tạo được lòng tin cho người dân và DN. Điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, chi phí đi vay của DN đã giảm từ 30-40% (đơn cử như TP.HCM giảm 36,6%), chi phí giá thành cũng giảm trung bình 2-6,5%. Đây cũng là nhân tố tác động làm cho tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm ở mức cao (22,61%) và giúp 91% DNNVV có thể duy trì sản xuất.

Tuy nhiên, bao nhiêu phần kích cầu đã đến được với DN có nhu cầu thực? Dẫn từ nguồn Ngân hàng Nhà nước (NHNN), TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho hay, 403.000 tỷ đồng giải ngân từ nguồn hỗ trợ lãi suất 4% được chia theo tỷ lệ: 62.000 tỷ đồng cho DN Nhà nước, 264.000 tỷ đồng cho DN tư nhân và 70.000 tỷ đồng cho hộ gia đình. Xét về tương quan, việc phân bổ khá công bằng khi nghi ngại vốn hỗ trợ rót hết cho các “anh cả” DN Nhà nước đã không xảy ra. Nhưng theo số liệu của Tổng cục Thống kê, lượng vốn đầu tư mới của khu vực dân doanh chỉ đạt 100.000 tỷ đồng. Vậy số chênh lệch 230.000 tỷ đồng này đang chảy vào đâu?

Trả lời câu hỏi này, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến chia sẻ quan ngại dòng vốn kích cầu thay vì chảy vào khu vực sản xuất đã lưu chuyển sang khu vực trung gian là bất động sản và chứng khoán. Khẳng định NHNN vẫn tiếp tục giám sát kiểm tra nhằm đảm bảo vốn kích cầu thực hiện đúng mục đích, ông Tiến cho hay, cho vay bất động sản chiếm chưa đến 10% tổng dư nợ, cho vay chứng khoán chưa đầy 0,6% (tại thời điểm NHNN khống chế thì dư nợ cho vay chứng khoán đang ở mức 3%). Nhưng rõ ràng, việc chỉ số Vn-Index tăng tới 71% và sự ấm lên khá bất thường của thị trường bất động sản không thể ngẫu nhiên mà có.

Sẽ bỏ hỗ trợ lãi suất?

Bà Nguyễn Thu Hà, Vụ phó Vụ chính sách tiền tệ NHNN chia sẻ: Cơ chế hỗ trợ lãi suất đã được Chính phủ quy định và công bố công khai thực hiện trong năm 2009, nên DN chắc chắn không bị sốc về mặt thời điểm chấm dứt cơ chế. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, mức hỗ trợ 4%/năm khá lớn, làm giảm chi phí tiền vay cho DN tới 30% nên xét về mặt tâm lý và hạch toán giá thành sản phẩm, cần có bước giảm dần về đối tượng và lãi suất để ổn định tâm lý. Đồng quan điểm “cắt bỏ hỗ trợ sẽ không gây cú sốc đột ngột với DN”, theo TS. Phạm Chi Lan, nếu không dùng hết gói kích cầu, cũng cần dừng đúng thời hạn.

TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, sức chịu đựng của DN tư nhân là rất đáng kể, cộng thêm những chiến lược thay đổi năng động. Điều này lý giải vì sao nhiều người ủng hộ quan điểm “nếu không có hỗ trợ lãi suất, DN vẫn tự xoay sở được”.

Từ kinh nghiệm khảo sát thực tế, Phó Văn phòng T.Ư Đảng Nguyễn Hữu Từ cho biết, số lượng DN ngoài quốc doanh đăng ký mới rất nhanh, cho thấy DN rất linh hoạt, luôn biết đón cơ hội mới ngay sau khủng hoảng chứ không chỉ trông chờ Nhà nước ứng cứu. “Tôi cho rằng nên chấm dứt việc hỗ trợ 4% vốn lưu động trong gói kích thích thứ hai”- ông Từ đề xuất.

Bày tỏ đồng tình với quan điểm của một số DN muốn chấm dứt hỗ trợ lãi suất vì tạo ra sự bất bình đẳng giữa khu vực sản xuất này và khu vực sản xuất khác, tạo tâm lý ỉ lại cho các DN; ông Tiến khẳng định, gói kích thích kinh tế mới nếu đặt ra cho năm 2010 có thể sẽ không có những giải pháp về cho vay hỗ trợ lãi suất như năm 2009./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên