Tín hiệu vui từ chương trình kích cầu

Nguồn vốn này đã giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giữ vững sản xuất và bảo đảm việc làm cho người lao động. Đây chính là tiền đề để đưa kinh tế thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng và vượt qua suy thoái.

Chương trình hỗ trợ lãi suất vay vốn kích cầu tại thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) thực hiện được hơn 6 tháng và đem lại cho doanh nghiệp nhiều kết quả đáng mừng. Nguồn vốn này đã giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giữ vững sản xuất và bảo đảm việc làm cho người lao động. Đây chính là tiền đề để đưa kinh tế thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng và vượt qua suy thoái.

Cũng như nhiều doanh nghiệp khác của TPHCM, cuối năm 2008, công ty TNHH giấy Liên Sơn gặp khó khăn bởi ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Nguồn vốn eo hẹp không đủ để mua sắm thiết bị máy móc, công ty cũng không có khả năng mua nguyên vật liệu dự trữ để sản xuất và đứng trước nguy cơ phải thu hẹp sản xuất. Rất may là thời điểm khó khăn nhất, công ty tiếp cận được nguồn vốn kích cầu của Chính phủ. Với số vốn vay 50 tỷ đồng được hỗ trợ lãi suất, công ty đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, mạnh dạn đầu tư mua máy móc thiết bị và bổ sung vào nguồn vốn lưu động. Thu nhập của người lao động vẫn giữ vững và năm nay công ty dường như ăn nên làm ra hơn so với năm ngoái.

Khi nói về gói hỗ trợ lãi suất cho vay vốn kích cầu của Chính phủ, ông Nguyễn Thái Linh, Tổng giám đốc Công ty TNHH giấy vi tính Liên Sơn không dấu nổi niềm vui cho biết: “Từ tháng 2/2009 có chính sách giảm thuế VAT 50% và có hỗ trợ 4% lãi suất cho vay, đây là một vấn đề rất tốt, giống như một liều thuốc, giúp doanh nghiệp bùng lên, mạnh dạn lên. Và cũng nhờ giải pháp kích cầu của Chính phủ mà chúng tôi mạnh dạn đầu tư thêm trong năm 2009 này nhiều hơn. Chúng tôi cũng hy vọng năm 2009 này doanh thu sẽ tăng cao hơn nữa sau khi đầu tư thiết bị máy móc mới”.

Còn với Hội da giày TPHCM, đầu tháng 8 vừa qua, Hội có tổ chức đi khảo sát sơ bộ đợt đầu 22/158 doanh nghiệp hội viên thì có 17 hội viên tiếp cận được nguồn vốn kích cầu và họ đã sử dụng nguồn vốn này vào hoạt động sản xuất kinh doanh  hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng thư ký Hội da giày TPHCM cho biết: “Qua khảo sát của Hội da giày TPHCM vào đầu tháng 8 đối với 17 doanh nghiệp, có tới 80% đã tiếp cận được với ngân hàng. Nhờ có nguồn vốn này mà các doanh nghiệp ngành da giày đã mua được nguyên phụ liệu sản xuất, giữ chân người lao động. Nếu không có nguồn vốn kích cầu này thì không biết bao nhiêu người lao động của ngành da giày bị thất nghiệp. Theo đề nghị của các doanh nghiệp và của Hội thì Chính phủ nên duy trì nguồn vốn kích cầu này và tăng thời gian hơn nữa để tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng”.

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tại TPHCM, tính đến đầu tháng 9, các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất vay vốn kích cầu đã cho các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố vay gần 80.000 tỷ đồng để hoạt động sản xuất, kinh doanh với số lãi được hỗ trợ trên 1.130 tỷ đồng. Trong đó vốn vay ngắn hạn hơn 75.000 tỷ đồng, vay trung và dài hạn trên 4.600 tỷ đồng.

Trong số đối tượng được vay, doanh nghiệp nhà nước chiếm 23%, doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 77%. Còn với 28 dự án đầu tư được hỗ trợ cho vay kích cầu theo quyết định 20 của UBND TPHCM, thì đến nay đã giải ngân với số vốn hỗ trợ trên 500 tỷ đồng. Ngân hàng Nhà nước tại TPHCM cũng đã tổ chức hai đợt khảo sát về hiệu quả sử dụng vốn của gần 270 doanh nghiệp cho thấy: Các doanh nghiệp đã giảm chi phí vay vốn trên 36%, giảm giá thành sản phẩm trên 4,6% và doanh thu tăng hơn 14%. Điều này cho thấy cơ chế hỗ trợ lãi suất đã phát huy hiệu quả, góp phần duy trì sản xuất, giảm chi phí cho doanh nghiệp, quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động, đảm bảo an sinh xã hội tại TPHCM.

Cũng qua chương trình này đã tạo nên sự gắn kết mật thiết giữa Nhà nước-ngân hàng và nhà doanh nghiệp. Và tín hiệu đáng mừng nữa là từ hiệu quả đạt được từ nguồn vốn hỗ trợ này đã góp phần tạo sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế TPHCM… Bà Quách Tố Dung, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM nhận xét: Gói kích cầu này đã giúp doanh nghiệp giữ vững sản xuất, có những phát triển tương đối. Chỉ có 6 tháng triển khai các chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát huy, từ đó cho thấy trong quý 1, tốc độ sản xuất chỉ có 1- 1,9%, nhưng mà bắt đầu từ tháng 4 có những tăng trưởng rất là khá và tới nay là các điều kiện tăng trưởng về kinh tế thì chúng ta thấy có những dấu hiệu rất là khả quan.

Hiệu quả của nguồn vốn kích cầu của Chính phủ và của TPHCM đã thấy rõ, tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực thi. Đó là việc triển khai ở một số đơn vị đến các đối tượng thụ hưởng chính sách này còn chậm và chưa cụ thể rõ ràng, phạm vi triển khai chưa được rộng khắp.  Rất nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ cho rằng: Mặc dù họ đã tiếp cận với nguồn vốn nhưng thời gian làm thủ tục để được giải ngân nguồn vốn này quá dài, mất gần 2 tháng và các thủ tục hành chính vẫn còn quá rườm rà khiến cho doanh nghiệp nản lòng. Có doanh nghiệp dù nằm trong diện được hỗ trợ nhưng đã bỏ cuộc giữa chừng vì không muốn phải rắc rối bởi các thủ tục hành chính nhiêu khê…

Các doanh nghiệp TPHCM cũng đề nghị: Ngoài việc tích cực tháo gỡ những vướng mắc trên đây, Chính phủ nên gia hạn nguồn vốn vay lưu động kéo dài qua năm 2009, đồng thời tăng thêm thời gian vay trung và dài hạn cũng như nhiều chương trình hỗ trợ khác để tiếp sức và tăng sức đề kháng cho các doanh nghiệp ở giai đoạn sau suy thoái. Được như vậy thì chủ trương, giải pháp kích cầu của Chính phủ càng tăng thêm hiệu quả./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên