Trăn trở tìm hướng đi cho làng bột gạo Sa Đéc

VOV.VN - Người làm bột chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định khi sản phẩm chưa có thương hiệu, thiếu vốn tái đầu tư công nghệ mới.

Làng bột gạo Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đã tồn tại hơn 100 năm, nổi tiếng gần xa với nghề làm bột gạo và các sản phẩm sau bột. Tuy nhiên, hiện nay, làng bột có tiếng ở khu vực Nam bộ này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hiện tại, việc nâng cao giá trị sản phẩm, quảng bá thương hiệu cũng như hạn chế ô nhiễm môi trường làng nghề là những vấn đề đặt ra để làng bột có điều kiện phát triển bền vững, được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn.

Theo thống kê của UBND Thành phố Sa Đéc, năm 2005 có trên 930 hộ sống với nghề làm bột và chăn nuôi heo. Gần đây, số hộ sản xuất bột giảm dần, hiện tại chỉ còn khoảng 350 hộ. Nguyên nhân là do giá bột thấp, các hộ làm bột không có lãi nếu chỉ làm bột mà không kết hợp chăn nuôi heo.

Bên cạnh đó, những năm gần đây giá heo hơi lại thường hay biến động giảm, dịch bệnh cũng diễn biến phức tạp khiến không ít gia đình chịu cảnh nợ nần vì vừa lỗ trong sản xuất bột, còn thêm lỗ trong chăn nuôi. Ngoài ra, việc chưa xây dựng được quy trình sản xuất khép kín đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng là rào cản ngăn nghề làm bột của Sa Đéc phát triển.

Bột gạo sản xuất tại Sa Đéc được bán thô cho các doanh nghiệp. (Ảnh: Thanh Tùng)
Ông Bùi Hữu Lộc, Chủ doanh nghiệp Lộc Sánh chuyên sản xuất bột gạo ở Đồng Tháp cho rằng, những nhà sản xuất bột gạo đang rất cần sự hỗ trợ của các nhà khoa học, làm cách nào để giải quyết được vấn đề về chất lượng bột.

“Hiện nay, các nhà sản xuất bột làm theo cách thủ công, chưa có cải tiến khoa học kỹ thuật. Trong khi thị trường rất khó tính, nhất là các thị trường nhập khẩu tại các nước châu Âu đòi hỏi chất lượng bột ở chỉ tiêu khắt khe nên những dòng bột dân gian của mình hiếm có những dòng bột đáp ứng được”, ông Lộc cho biết.

TS. Nhan Minh Trí, Bộ môn Công nghệ thực phẩm, Khoa Nông nghiệp sinh học ứng dụng, Trường Đại học Cần Thơ trong những lần nghiên cứu tại làng bột Sa Đéc đã nhận định, để làng bột phát triển bền vững trong tương lai, địa phương cần có những giải pháp thực hiện đồng bộ 2 nhiệm vụ. Trong đó tập trung là nâng cao giá trị sản phẩm và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Có như thế, người dân mới yên tâm bám nghề và làng bột mới phát triển bền vững.

TS. Nhan Minh Trí cũng khẳng định, Trường Đại học Cần Thơ sẵn sàng hỗ trợ ngành chức năng của địa phương và các cơ sở làm bột ứng dụng công nghệ hiện đại để cải tiến và rút ngắn thời gian sản xuất ra sản phẩm bột, xử lý chất thải, xây dựng hầm ủ biogas... nhằm giải quyết vấn đề môi trường. Tuy nhiên, như thế vẫn chưa đủ.

“Nhà nước làm sao tạo điều kiện quảng bá, đưa thông tin đến người dân biết đến sản phẩm bột gạo có chất lượng, để có sự so sánh, cạnh tranh. Hiện nay, người mua bột nhưng không biết bột sản xuất từ đâu mà chỉ biết loại rẻ hay đắt. Bột gạo thông thường nếu sản xuất đơn giản sẽ có giá rẻ. Tuy nhiên khi sản xuất đơn giản, người tiêu dùng khó phân biệt sản phẩm nào có nhiễm vi sinh vật hay kim loại nặng…”, ông Trí cho hay.

Có thể thấy rất rõ khó khăn chung của nhiều hộ dân theo nghề làm bột ở làng nghề hiện nay là chưa tìm được thị trường tiêu thụ ổn định. Bên cạnh đó, sản phẩm chưa có thương hiệu, thiếu vốn tái đầu tư công nghệ mới.

Ông Huỳnh Trí Cường, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Sa Đéc nêu rõ: Chất lượng sản phẩm không đồng đều; an toàn vệ sinh thực phẩm một số cơ sở chưa đảm bảo; qui mô, thiết bị, công cụ, máy móc sản xuất chưa đồng bộ đã và đang là những khó khăn cần vượt qua để xây dựng làng nghề phát triển bền vững.

Chính vì vậy, để phát triển làng bột Sa Đéc, yêu cầu đặt ra lúc này là cần có sự tham gia của "4 nhà" trong việc đầu tư hoàn thiện quy trình sản xuất, xử lý môi trường của làng nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm bột, tạo ra thêm nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao từ bột để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

“Trước mắt địa phương sẽ định hướng quy hoạch lại khu sản xuất bột, khu chăn nuôi heo tập trung; đồng thời kiện toàn những hợp tác xã bột để làm đầu mối phân phối nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, địa phương đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá trên thị trường, nhất là xây dựng thương hiệu để mọi người đều biết đến làng bột Sa Đéc. Đồng thời xây dựng những mô hình thí điểm trong việc làm cho bột sạch hơn để nâng cao chất lượng và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa để đáp ứng thị hiếu khách hàng trong và ngoài nước”, Ông Huỳnh Trí Cường cho biết thêm.

Từng được nhiều thương nhân trong khu vực đánh giá là vùng bột gạo nguyên liệu ngon nhất Đông Nam Á, làng bột gạo Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp đang đứng trước những thách thức. Trong đó, việc nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững mà ở đó, yếu tố con người và sự hỗ trợ của khoa học công nghệ là điều kiện hàng đầu để vinh danh làng bột gạo có tiếng của Nam bộ phát triển./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lụa Vạn Phúc ế hàng, làng nghề vắng tiếng thoi đưa
Lụa Vạn Phúc ế hàng, làng nghề vắng tiếng thoi đưa

(VOV) - Nguyên nhân chính là do sản phẩm khó bán, bị hàng kém chất lượng trà trộn, trong khi giá nguyên liệu ngày càng tăng cao...

Lụa Vạn Phúc ế hàng, làng nghề vắng tiếng thoi đưa

Lụa Vạn Phúc ế hàng, làng nghề vắng tiếng thoi đưa

(VOV) - Nguyên nhân chính là do sản phẩm khó bán, bị hàng kém chất lượng trà trộn, trong khi giá nguyên liệu ngày càng tăng cao...

Sôi động làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu
Sôi động làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu

VOV.VN - Nghề tăm truyền thống đã giúp người làng Quảng Phú Cầu trở nên giàu có.

Sôi động làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu

Sôi động làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu

VOV.VN - Nghề tăm truyền thống đã giúp người làng Quảng Phú Cầu trở nên giàu có.