Trồng ca cao cho thu nhập cao

Nhiều người dân tộc thiểu số ở xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đăk Lăk đã có thu nhập vượt trội so với các loại cây trồng khác.

Người dân tộc thiểu số ở xã Yang Tao xưa nay chỉ quen với cây trồng ngắn ngày như ngô, sắn và lúa. Những loại cây này chỉ giúp bà con đủ ăn mà không có tích lũy, làm giàu. Từ năm 2009, dự án “Phát triển ca cao bền vững” được triển khai ở Đắk Lắk, trong đó có huyện Lắk. Những người dân tộc thiểu số đầu tiên ở xã Yang Tao, huyện Lắk tham gia dự án, đến nay đã có thu nhập vượt trội so với các loại cây trồng khác. Từ dự án này, cây ca cao đang mở ra hướng làm ăn mới cho bà con nơi đây.

Già làng Y Viết Niê gương mẫu triển khai mô hình ca cao đầu tiên ở Yang Tao

Tây Nguyên đang vào mùa mưa, ngôi nhà sàn của Già làng Y Viết Niê ở buôn Phôk, xã Yang Tao, huyện Lắk (Đắk Lắk) được bao quanh bởi màu xanh tươi của cây ca cao và những tán cây điều sải rộng. Đang mùa bung hoa, nhưng vườn ca cao của gia đình ông vẫn nhiều cây cho quả trái vụ. Ông Y Viết nói rằng, năm rồi, 250 cây ca cao dưới tán điều này cho thu nhập hơn 4 triệu đồng, và năm nay hứa hẹn sẽ cho thu nhập cao hơn.

“Người  dân tộc thiểu số ở đây xưa nay chỉ biết làm rẫy, trồng mỳ, trồng bắp và lúa thôi; năm nào cũng làm mà cũng chỉ đủ ăn thôi. Bây giờ có cây ca cao, nó là cây lâu năm đầu tiên ở vùng đất này cho thu nhập cao. Mới đầu, cán bộ khuyến nông đưa về, bà con không muốn làm, vì nghe nói trồng 3, 4 năm mới cho thu hoạch thì lâu quá. Nhưng rồi, mình chịu khó chăm sóc, mình là Già làng thì phải gương mẫu chứ. Mới đó mà đã 4 năm rồi, từ nay trở đi, mình chỉ việc làm cỏ, bón phân, tỉa cành là có thu hoạch thôi” - Già làng vui mừng chia sẻ.

Cùng với Già làng Y Viết Niê, gia đình chị H’Dưn Kpăn (dân tộc M’Nông), ở buôn Yok Đôn, xã Yang Tao, huyện Lắk cũng tiên phong tham gia dự án “Phát triển ca cao bền vững” ở Đắk Lắk. Từ 300 cây ca cao ban đầu, đến nay gia đình chị đã phát triển lên 1.000 cây ở 3 khu vườn khác nhau. Vụ đầu, gia đình chị thu được 3 tạ quả tươi nhưng năm nay thu được hơn 3 tạ hạt khô.

Ngoài ra, chị H’Dưn còn thu mua quả ca cao tươi của bà con quanh vùng để về lên men, sơ chế được 2 tạ hạt khô. Toàn bộ sản phẩm ca cao do gia đình chị H’Dưn sản xuất và thu mua đã được tiêu thụ hết, với số tiền hơn 20 triệu đồng. Có được như vậy là cả một quá trình nỗ lực vượt khó, thay đổi nếp nghĩ, cách làm xưa nay của người dân tộc thiểu số nơi đây.

Để có được vườn ca cao xanh tốt và trĩu quả như ngày hôm nay, gia đình chị H’Dưn cũng đã trải qua nhiều khó khăn, vất cả. Chị kể rằng: “Năm đầu trồng cây ca cao, tôi lấy thân cây bắp để che nắng, chắn gió. Đến mùa khô, gió thổi mạnh nó ngã hết luôn; phải lên núi Nam Ka chặt nứa về đan liếp để che chắn, cắt lá chuối tủ gốc, rồi dùng xe bò kéo từng thùng nước về để tưới, cầm cự đến mùa mưa. Một năm sau, những cây keo trồng xen đã vươn lên, đủ sức che bóng, chắn gió cho ca cao. Tôi cũng là người trồng bắp và mỳ nhiều nhất trong buôn Yok Đôn này, mỗi năm thu được hàng chục tấn, nhưng vất vả lắm. Nay, tôi chỉ tập trung chăm sóc 1.000 cây ca cao này và thu mua của bà con xung quanh để lên men thôi”.

Những vườn ca cao của Già làng Y Viết Niê và gia đình chị chị H’Dưn Kpăn đã trở thành mô hình điểm cho người dân ở xã Yang Tao, huyện Lắk đến học tập và nhân rộng. Bước đột phá ở đây là sự thay đổi về nếp nghĩ, cách làm của người dân tộc thiểu số ở địa phương. Từ chỗ chỉ quen với nương rẫy, trồng sắn, trồng ngô, thu nhập bấp bênh, vì phụ thuộc vào thời tiết.

Ông Y Thiêm Koan - cán bộ kỹ thuật, Trạm khuyến nông huyện Lắk trực tiếp hướng dẫn bà con trồng ca cao nói rằng, đưa cây ca cao vào trồng trên đất Yang Tao là việc làm mới mẻ, vì đây là cây lâu năm, có tính ổn định lâu dài và thu nhập cao cho người dân địa phương. Từ 500 hộ trồng ca cao ban đầu, đến nay, trên địa bàn huyện Lắc đã có khoảng 1 nghìn rưỡi gia đình trồng loại cây này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên