TS Trần Hoàng Ngân: Kinh tế 2013 có nhiều điểm sáng

(VOV) -Chúng ta đã nhìn thấy được các điểm yếu quan trọng làm nền kinh tế nước ta suy giảm trong những năm vừa qua”.

Đầu xuân Quý Tỵ 2013, PGS.TS Trần Hoàng Ngân dành cho VOV online cuộc trò chuyện cởi mở về tình hình kinh tế 2013, những khó khăn, thách thức và những điểm sáng cần được tận dụng…

Ông Trần Hoàng Ngân: "Đã đến lúc phải giải quyết các điểm yếu của nền kinh tế"

PV: Thưa ông, kinh tế nước ta bước qua năm 2012 đã đạt những thành quả nhất định, tuy chưa được như mong muốn. Nhiều ý kiến cho rằng, năm 2013 kinh tế sẽ còn khó khăn hơn 2012. Là một chuyên gia kinh tế, ông nhìn nhận về năm 2013 như thế nào, có điểm sáng nào để khích lệ DN không?

PGS. TS Trần Hoàng Ngân: Chúng ta vừa đi qua năm 2012 hết sức khó khăn và phức tạp cả trong và ngoài nước. Kinh tế thế giới vẫn tiếp tục bất ổn kinh tế vĩ mô và suy giảm kép. Chúng ta đã thành công trên một số mặt như ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiềm chế ở mức 6,81% thấp hơn năm 2011 (18,13%), cán cân thanh toán tổng thể thặng dư (ước khoảng 10 tỷ USD), dự trữ ngoại hối được cải thiện đáng kể, đầu tư công được kiểm soát chặt chẽ hơn…

Tuy nhiên bước vào năm 2013, kinh tế vẫn còn nhiều lực cản: áp lực lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn; sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong nhiều năm, số lượng DN ngừng hoạt động và phá sản với khối lượng lớn, hàng tồn kho cao; thị trường bất động sản trầm lắng; nợ xấu ở mức cao, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế diễn ra còn chậm…Vậy còn điểm sáng nào trong năm 2013 để khích lệ DN không?

Một trong những điểm sáng là chúng ta đã nhìn thấy được các điểm yếu quan trọng làm nền kinh tế nước ta suy giảm trong những năm vừa qua và đã đến lúc phải giải quyết các điểm này. Trước mắt, là phải giải quyết nhanh nợ xấu hệ thống NHTM và tái cơ cấu thị trường bất động sản. Quan trọng hơn là ngay từ đầu năm Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết rất có ý nghĩa: Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ ban hành ngày 7/1/2013.

Theo tôi, các giải pháp trong nghị quyết là rất phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay, đúng lúc thị trường đang cần; có cả những giải pháp cấp bách trước mắt và những giải pháp lâu dài, để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, thị trường tài chính Việt Nam.

Các giải pháp nêu trong 2 Nghị quyết là có hệ thống, đồng bộ, liên quan đến việc giải quyết những điểm nghẽn của nền kinh tế hiện nay như: xử lý nợ xấu; giải quyết hàng tồn kho; hỗ trợ thị trường; hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn; hỗ trợ tài chính giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất kinh doanh, hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm thông qua việc giảm thuế, giãn thuế, hoàn thuế… và những giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản thông qua việc hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho người mua nhà (lãi suất thấp, thời hạn dài ), rà soát, điều chỉnh dự án phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường. Những giải pháp trong 2 Nghị Quyết 01 và 02 nếu được triển khai đồng bộ, quyết liệt với quyết tâm cao và đồng thuận, sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh, hỗ trợ thị trường và hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

PV: Trong năm 2012 và những ngày đầu năm mới 2013, câu chuyện về lãi suất vẫn luôn nóng. Trước đó, ông có đưa ra quan điểm “Lãi suất cho vay trong năm 2013 chỉ nên duy trì ở mức 11%/năm và cần tăng cường vốn cho khu vực dân doanh”. Vậy điều này, theo quan sát của ông, thời gian qua hệ thống NH đã thực hiện được đến đâu?

PGS. TS Trần Hoàng Ngân: Trong năm qua, cùng với việc kiềm chế lạm phát, lãi suất trần huy động từ mốc 14% đã được NHNN kéo giảm xuống còn 8/năm, và theo đó lãi suất cho vay cũng được các NHTM hạ xuống, có doanh nghiệp đã vay được với lãi suất 11% nhưng chưa nhiều, vả lại tình hình doanh nghiệp hiện nay rất khó khăn (dư nợ tín dụng trong năm 2012 chỉ tăng 8,9%, mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua), nếu chỉ có giảm lãi suất thôi thì chưa đủ lực để giúp doanh nghiệp phục hồi, do đó cần triển khai đồng bộ các giải pháp trong Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ. Ngoài ra, Chính phủ cần chú ý đến việc nhanh chóng mở rộng Quỹ bảo lãnh tín dụng để giúp DN dân doanh tiếp cận được nguồn vốn NHTM hiện nay. Bên cạnh việc kéo giảm lãi suất huy động và cho vay, DN rất cần thông điệp từ Chính phủ, từ Thống đốc NHNNVN là cam kết giữ lãi suất thấp: lãi suất trần huy động <7-8%/năm, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh ở mức 11-12%/năm trong một thời gian dài ít nhất là 3 năm. NHTW các nước đã và đang tuyên bố như vậy, để chống suy thoái kinh tế và giúp doanh nghiệp mạnh dạn vay vốn đầu tư trong tinh hình khó khăn hiện nay.

PV: Trở lại với vấn đề nợ xấu và xử lý ngân hàng yếu kém trong năm 2013. Có ý kiến cho rằng, nên mạnh dạn để một số ngân hàng yếu kém ra đi. Quan điểm của ông về vấn đề này và có nên áp dụng ngay trong năm 2013 không?

PGS. TS Trần Hoàng Ngân: Sinh – lão - bệnh - tử là vòng đời của sự sống con người, nền kinh tế cũng có chu kỳ hưng thịnh- khủng hoảng- suy thoái- phục hồi- hưng thịnh… doanh nghiệp thì chu kỳ hoạt động: thành lập- vận hành- phát triển- suy giảm…cũng có thể phục hồi, suy giảm… ngừng hoạt động và phá sản, cũng có doanh nghiệp mới thành lập chưa phát triển đã phá sản. Như vậy, sự phá sản doanh nghiệp yếu kém cũng là điều bình thường, nhưng có những “cái chết” đã được báo trước nhưng cũng có những cái chết bất ngờ, hoặc không biết nguyên nhân và cũng không ai biết đi đâu về đâu, không khai báo tử. Vấn đề là cái chết của NH thì rất đặc biệt vì nó có thể làm nhiều người chết theo và làm sao đừng để những người còn ở lại phải đau lòng (người gởi tiền, những chủ nợ..). Tôi đồng ý là chấp nhận sự ra đi của một vài NHTM yếu kém, như một số nước cũng đã cho một số NH yếu kém phá sản, như tại Thái Lan, Indonesia.. năm 1997-1998, tại Mỹ năm 2008-2009. Tại Việt Nam thời gian qua cũng đã có vài NHTM ra đi trong nhẹ nhàng và sự đau xót cũng không lớn, thông qua hình thức hợp nhất (Ngân hàng Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa và NHTMCP Sài Gòn ) hoặc sáp nhập (sáp nhập Habubank vào SHB).

PV: Vấn đề đặt ra cho năm 2013 là giải quyết như thế nào về bài toán tăng trưởng - lạm phát, tín dụng và tài khóa? Trong năm 2013 chúng ta nên ưu tiên chính sách nào, thưa ông?

PGS. TS Trần Hoàng Ngân: Năm 2013 chúng ta phải giải quyết mục tiêu kép vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát nhưng đồng thời phải đảm bảo tăng trưởng hợp lý. Tôi nghĩ chúng ta phải quyết tâm cả hai mục tiêu trên và hy vọng có yếu tố hỗ trợ từ bên ngoài (kinh tế thế giới phục hồi, nợ công Châu Âu được giải quyết tốt; tình hình an ninh thế giới được xoa dịu, giá xăng dầu thế giới không biến động mạnh…). Bên cạnh đó, đòi hỏi sự phối hợp nhịp nhàng của hai chính sách tài chính và chính sách tiền tệ. Cụ thể theo tinh thần Nghị quyết 01, thì chính sách tiền tệ linh hoạt, thận trọng và hiệu quả, chính sách tài khóa thì chặt chẽ và triệt để tiết kiệm. Trong giai đoạn đầu cần ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết khó khăn, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất hợp lý, hỗ trợ người mua nhà ở với thời hạn dài và lãi suất thấp.

PV: Một trong những vấn đề mà chúng ta liên tục nhắc đến thời gian qua đó là niềm tin thị trường. Trong tình hình hiện nay, để khôi phục lòng tin của người dân, việc đầu tiên phải làm là gì, thưa ông?

PGS. TS Trần Hoàng Ngân: Vấn đề khôi phục niềm tin không thể giải quyết nhanh được, do đó phải có thời gian nên phải kiên trì và nhất quán. Nói đi đôi với làm và làm với quyết tâm cao nhất. Cụ thể là phải sớm triển khai Nghị quyết 01 và 02 ngày 07/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ đi nhanh vào cuộc sống. Chính sách phải ổn định và nhất quán, điều hành và thông tin của các thành viên Chính phủ đối với thị trường là đồng bộ, đồng thuận và cùng mục tiêu chung.

PV: Xin cảm ơn ông!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên