Sản xuất mua bán cà phê:

Vẫn chưa có sự liên kết

Gia đình bà Nguyễn Thị Lụa ở xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột có 3 hecta  cà phê, trung bình mỗi năm thu được trên dưới 13 tấn cà phê nhân, thế nhưng hầu như năm nào chị cũng phải bán hết cà phê ngay từ đầu vụ mà chẳng để chờ được giá cao.

Chị Lụa giải thích: Phải bán để lấy tiền trả công nhân, tiền mua dầu tưới (3-4 đợt), tiền thuốc trừ sâu… Tuy nhiên, vì thu hoạch xong là bán luôn, khi nguồn cung đang dồi dào nên không bao giò bán được giá cao.

Cũng giống như chị Thu, phần lớn người trồng cà phê ở Đắc Lắc cũng phải bán hết cà phê ngay từ đầu vụ để trang trải chi phí chăm sóc cho vụ mùa tới. Đồng loạt bán ồ ạt thì nông dân bị ép giá. Một thực tế khác nữa là do nạn trộm cắp cà phê nên không ít người phải thu hái quả khi còn xanh dù biết rằng chất lượng sản phẩm và giá thành sẽ không cao.

Ông Nguyễn Văn Truyền, nông dân ở phường Tân An, thành phố Buôn Ma Thuột nói: “Sợ mất trộm nên bà con thường phải thu hái khi quả còn xanh mặc dù biết rằng như vậy là cà phê sẽ bị kém chất lượng, giá bán không được cao. Nhưng khi vườn bên cạnh hái thì mình cũng phải hái, chất lượng có kém, có xanh cũng phải hái. Mình không thu hoạch thì kẻ trộm vào; biết giá cả như vậy, chất lượng như vậy nhưng phải thu hoạch, phải chạy theo phong trào chung của cụm vườn cà phê ở đó. Chỉ những vùng của nông trường, có bảo vệ của nông trường liên kết với các đơn vị bộ đội bảo vệ mới giữ được đến khi cà phê chín”.

Rõ ràng giữa các hộ nông dân chưa có sự liên kết, phối hợp với nhau để cùng bảo vệ, nâng cao giá trị sản phẩm của mình. Còn doanh nghiệp thu mua cà phê thì cũng trong tình trạng mạnh ai nấy làm. Chị Đào Thị Hoa, Chủ doanh nghiệp tư nhân thu mua nông sản Quang Vinh nói: “Doanh nghiệp tư nhân vốn đến đâu làm đến đó. Mua và thấy lời là bán”.

Chính vì làm theo kiểu đơn lẻ mà doanh nghiệp kinh doanh cà phê ở Đắc Lắc, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa điều khiển được thị trường dù tỉnh này chiếm phần lớn lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam. Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ doanh nghiệp tư nhân thương mại dịch vụ Quang Anh cho rằng: “Nguồn lực của doanh nghiệp Việt Nam mình chưa đủ. Khi nông dân bán ra thì không có tiền để giữ hàng hoặc khi giá rớt sâu cũng không có tiền để găm hàng lại. Trong khi đó, doanh nghiệp cũng chưa ngồi lại với nhau để thống nhất đặt ra giá nào nên bán, mà mạnh ai nấy làm, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu; thường là giấu tin chứ không thông tin rộng rãi vì vậy không tạo được sức mạnh. Theo tôi thì các doanh nghiệp nên thống nhất lại, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên