Vàng tiếp tục giảm nhẹ

Giá vàng trên sàn Kitco hiện đang đứng ở 1.824 USD/oz, giảm 3,6 USD/oz.

Ảnh hưởng từ các giao dịch thế giới, sáng 15/9, vàng trong nước mở cửa đồng loạt giảm giá quanh mức 150.000 đồng/lượng.

Vàng SJC trên thị trường Hà Nội mua vào – bán ra ở mức 47 – 47,20 triệu đồng/lượng.

Vàng SJC Eximbank niêm yết ở mức 47,055 – 47,150 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Vàng giảm giá do sự hỗ trợ tài chính từ Trung Quốc làm giảm bớt lo ngại cuộc khủng hoảng nợ châu Âu sẽ trở nên tồi tệ hơn, làm xói mòn nhu cầu kim loại quý như một nơi trú ẩn an toàn.

Trung Quốc sẵn sàng mua trái phiếu của các quốc gia bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ, ông Zhang Xiaoqiang, Phó Chủ tịch phát triển quốc gia và Ủy ban Cải cách Trung Quốc cho biết, theo tạp chí Caijing.

Cổ phiếu tăng mạnh ở Mỹ trong ngày thứ ba liên tiếp, và đồng USD tăng giá so với một rổ các loại tiền tệ lớn, làm giảm sự hấp dẫn của vàng như là một tài sản đầu tư thay thế.

"Châu Âu đang cố gắng tìm cách để tránh khỏi cuộc khủng hoảng", Tom Pawlicki, một chuyên gia phân tích tại MF Global Holdings Ltd có trụ sở tại Chicago, cho hãng tin Bloomberg biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. "Đồng USD tăng nhẹ cũng là hành động chống lại vàng".

Giá vàng giao tháng 12 đã giảm 3,60 USD, hay 0,2%, xuống còn 1.826,50 USD/oz trên sàn Comex ở New York, sau khi sụt giảm nhiều nhất 0,9%.

Giá vàng đã tăng 44% trong năm qua, đạt kỷ lục 1.923,70 USD/oz vào ngày 6/9, do cuộc khủng hoảng nợ công ở Châu Âu.

Hãng xếp hạng tín dụng Moody hạ xếp hạng tín dụng cho Societe Generale SA và Credit Agricole SA, hai trong số ba ngân hàng lớn nhất của Pháp tính theo giá trị tài sản. Pháp đứng đầu danh sách chủ nợ Hy Lạp.

Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng sẽ không để cho Hy Lạp rơi vào "mất khả năng thanh toán không kiểm soát được" bởi vì rủi ro có thể lây lan sang các nước có sử dụng chung đồng tiền chung châu Âu.

Vàng đã tăng 29% vào năm 2011, tăng năm thứ 11 liên tiếp.

Giá vàng có thể tăng lên đến 2.500 USD/oz vào năm 2013, ông Richard O'Brien, Giám đốc điều hành của Newmont Mining Corp, nhà sản xuất vàng lớn nhất nước Mỹ.

Trong một diễn biến liên quan, dấu hiệu thanh khoản USD thắt chặt tại các tổ chức tài chính châu Âu đang trở nên rõ nét hơn khi mà các ngân hàng châu Âu đang dùng vàng để tiếp cận với nguồn vốn USD.

Các chuyên gia kinh doanh vàng và phân tích thị trường khẳng định thời gian gần đây có động thái sẵn sàng cho vay vàng để đổi lấy USD.

Số liệu từ Thomson Reuters cho thấy việc đua nhau cho vay vàng để lấy USD đã đẩy lãi suất vay vàng xuống mức thấp kỷ lục âm 0,48%/tháng, như vậy một ngân hàng cho vay vàng trong 1 tháng sẽ phải bỏ tiền ra để làm như vậy.

Nguyên nhân chính là bởi nhu cầu đối với đồng USD cao hơn trong bối cảnh căng thẳng liên quan đến khủng hoảng nợ công tại châu Âu có thể khiến Hy Lạp vỡ nợ và gây ra khủng hoảng nợ cấp quốc gia tăng lên.

Nhà kinh doanh vàng trên thị trường khẳng định lượng cho vay vàng lớn trên thị trường chính là lý do khiến giá vàng khó tăng trong thời gian qua dù nỗi sợ về khủng hoảng châu Âu vẫn lớn dần.

** Ngày 15/9, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 20.628 đồng/USD.

Đây là ngày thứ 18 liên tiếp tỷ giá duy trì ở mức 20.628 đồng/USD, sau khi tăng từ 20.618 đồng/USD ngày 24/8.
Sáng 15/9, nhiều ngân hàng tiếp tục áp dụng mức tỷ giá trần biên độ cho phép khi mua vào ở mức 20.830 đồng/USD và bán ra 20.834 đồng/USD.
Hôm qua (14/9), tại Hà Nội, một số điểm thu đổi ngoại tệ mua USD với giá 20.980 đồng, còn bán ra lên 21.030 đồng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên