Vàng vượt 1.000 USD/oz – dấu hiệu tốt hay xấu về kinh tế thế giới?

Vào lúc 17h30 chiều 10/9, giá vàng đã được điều chỉnh về mức 983 USD/oz. Tuy nhiên theo các chuyên gia, với những điều còn nghi ngờ về quá trình hồi phục của nền kinh tế thì vàng vẫn duy trì được sức hấp dẫn của mình với tư cách là tài sản an toàn.

Hôm qua, kim loại quý trượt giảm do làn sóng chốt lời, đẩy giá vàng từ 1003,40 USD/oz xuống còn 992,40 USD/oz trên sàn New York.

Các chuyên gia vẫn tin rằng vàng và các kim loại quý khác vẫn còn cơ hội mở rộng mức tăng sau khi bước giảm trong những phiên giao dịch gần đây chỉ là hướng điều chỉnh giảm do biến động mạnh trên thị trường. Khi giá vàng tăng, nhà đầu tư có xu hướng bán ra nhằm chốt lời và mua với hướng xuống, như vậy rất có thể biến động sẽ còn tiếp tục.

Trong trung và dài hạn, giá kim loại quý mà đặc biệt là vàng sẽ tiếp tục theo đuổi xu hướng tăng, có thể là những mốc lịch sử mục tiêu bởi vì các nhà chính sách vẫn có ý định duy trì những biện pháp nới lỏng tiền tệ và tỷ lệ lãi suất thấp kỷ lục hiện nay. Đáng chú ý là, trong dài hạn, điều này có thể gây ra tình trạng lạm phát cao khi nền kinh tế toàn cầu được phục hồi. Riêng trong ngắn hạn, với những điều còn nghi ngờ trong khi kinh tế đang trên đà khởi sắc thì kim loại quý vẫn duy trì được sức hấp dẫn của mình với tư cách là tài sản an toàn.

Giá vàng vượt 1 nghìn USD/oz – dấu hiệu tốt hay xấu về kinh tế thế giới?

Tuần này, giá vàng thế giới đã có phiên leo lên mức 1.009 USD/oz, cao nhất trong 18 tháng qua. Đây cũng chỉ là lần thứ ba trong lịch sử, giá vàng thế giới đạt tới ngưỡng 4 con số.

Thông thường, các nhà đầu tư mua vàng vì lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế, chẳng hạn những mối lo về khủng hoảng, lạm phát… Nhưng đợt tăng giá mới nhất này của vàng đã manh nha hình thành từ tháng 4/2009, ngay khi những mối lo về khủng hoảng tài chính bước vào thời kỳ dịu bớt. Nhu cầu vàng trên thị trường thế giới những ngày này đang tăng lên, bất chấp những dấu hiệu phục hồi kinh tế và việc lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Như vậy, việc giá vàng tăng có thể được xem là một dấu hiệu nữa cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang trong quá trình hồi phục.

“Tôi cho rằng, đường đi của vàng hiện nay phải ánh những cải thiện trong các yếu tố cơ bản của nền kinh tế toàn cầu. Tôi không cho rằng lần tăng giá này của vàng không phải là điều gì xấu”, ông Larry Adam, chiến lược gia trưởng mảng đầu tư thuộc quỹ Deutsche Bank Private Wealth Management, nhận định.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, vàng tăng giá lần này là một dấu hiệu cảnh báo sớm về việc những nỗ lực chống suy thoái của Chính phủ Mỹ đến lúc nào đó sẽ gây ra những tác dụng phụ tiêu cực. Người ta lo hàng nghìn tỷ USD mà Chính phủ Mỹ chi ra để đảm bảo sự an toàn cho hệ thống tài chính và kích thích tăng trưởng có thể dẫn tới những mức thâm hụt khổng lồ và lạm phát gia tăng.

“Người ta mua vàng vì tin vào lập luận cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ không thể hút về toàn bộ lượng thanh khoản mà họ đã bơm vào nền kinh tế và như thế, không thể chống lại được lạm phát”, ông James DiGeorgia, biên tập tờ tin tư vấn thị trường vàng và năng lượng Gold and Enery Advisor của Mỹ, nói.

Tuy nhiên, không giống như trước đây, hầu như có rất ít bằng chứng cho thấy đợt tăng giá này của vàng có liên quan tới lạm phát.

Giá vàng đã bắt đầu tăng từ hồi tháng 4, xung quanh thời điểm Chính phủ Mỹ công bố kết quả cuộc kiểm tra năng lực các ngân hàng lớn của nước này. Kết quả cuộc kiểm tra này cho thấy các nhà băng hàng đầu của Mỹ không cần hoặc cần thêm rất ít sự hỗ trợ tài chính. Nhiều người đã xem kết quả của cuộc kiểm tra này là điểm bắt đầu cho sự kết thúc của khủng hoảng tài chính.
Ngoài ra, còn có một số dấu hiệu khác cho thấy, lạm phát sẽ không sớm tăng trở lại. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ trong tháng 7 đã giảm 0,2% so với tháng 6 và giảm 2% trong vòng 1 năm trở lại đây. Như vậy, ít nhất là trước mắt, lạm phát chưa phải là nỗi lo của nước Mỹ, mà trái lại, nước này có thể phải lo vấn đề giảm phát.

Và mặc dù nền kinh tế Mỹ dường như đang phục hồi, nhưng tốc độ phục hồi vẫn còn chậm chạp. Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, lạm phát thường chỉ xảy ra khi nền kinh tế tăng trưởng nóng - kết quả của việc có quá nhiều người mua hàng mà hàng hóa thì lại quá ít. Nhiều người cho rằng, sẽ phải mất nhiều tháng hoặc thậm chí là nhiều năm trước khi nền kinh tế Mỹ có thể lấy lại động lực tăng trưởng như thế.

“Chúng tôi dự báo, lạm phát lõi của Mỹ phải tới năm 2011 mới bắt đầu tăng trở lại”, chuyên gia Adam nói.

Vậy điều gì đang chèo lái giá vàng? Ông Adam cho rằng đó chính là nhu cầu, và đây là một thông tin tốt. Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái toàn cầu dịu bớt, ngày càng có nhiều người tiêu dùng và các khách hàng công nghiệp như các hãng sản xuất đồ điện tử trở lại mua vàng. Theo số liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhu cầu vàng của thế giới trong quý 2 vừa qua đã tăng 19% so với quý 1, sau khi đi xuống trong năm 2008.

Ngoài ra, giá vàng cũng tăng khi mùa lễ hội tại một số nước châu Á đang tới gần.
Mặt khác, vàng không phải là mặt hàng duy nhất tăng giá những ngày này, vì giá của nhiều loại hàng hóa khác cũng đang leo thang. Giá bạc - kim loại được dùng trong công nghiệp nhiều hơn vàng - đã tăng 40% trong năm nay, so với mức tăng giá 15% của vàng. Giá đồng thì tăng gần gấp đôi.

Trên thực tế, sự gia tăng trên diện rộng của giá hàng hóa ở thời điểm hiện nay là một bằng chứng về sự trỗi dậy của nền kinh tế, chứ không phải là điềm báo cho những rắc rối mới ở phía trước.

“Thường thì khi giá vàng tăng, người ta hay nghĩ tới những điều xấu sắp xảy ra. Nhưng mọi thứ đã diễn biến tới mức quá xấu trong lần khủng hoảng này, đến nỗi mà sự tăng giá của vàng và nhiều mặt hàng khác là một phản ứng cho thấy tình hình đang trở nên tốt đẹp hơn”, ông Ed Yardeni, một chiến lược gia hàng đầu của Phố Wall, nhận xét./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên