Vào TPP, kinh tế Việt Nam được- mất gì?

VOV.VN -TPP là Hiệp định thương mại tự do lớn với phạm vi và mức độ cam kết rộng và sâu nhất mà Việt Nam từng tham gia cho đến nay

Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tạo ra sân chơi với đóng góp trên 40% GDP và khoảng 30% trao đổi thương mại toàn cầu. Do đó, việc tham gia Hiệp định TPP sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức.

Phóng viên VOV.VN có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng xung quanh vấn đề này.

** Một nội dung mà doanh nghiệp đang rất ngóng chờ là tiến trình ký kết Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bộ trưởng đánh giá thế nào về triển vọng ký kết TPP trong bối cảnh các quốc gia thành viên còn nhiều bất đồng?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Sau 19 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên không chính thức, đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang bước vào giai đoạn cuối cùng. Các thành viên đang hướng tới việc sớm kết thúc đàm phán. Để thực hiện mục tiêu này, trong thời gian qua các nước TPP đã nỗ lực thúc đẩy đàm phán với việc tổ chức rất nhiều các cuộc họp ở cấp kỹ thuật, cấp Trưởng đoàn và cấp Bộ trưởng. Gần đây nhất, các Bộ trưởng các nước tham gia TPP đã nhóm họp tại Singapore từ ngày 7 đến ngày 10/12/2013 và dự kiến phiên đàm phán cấp Bộ trưởng tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối tháng 2/2014.

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Với chương trình làm việc dày đặc ngay trong đầu năm 2014, các nước đều mong muốn tiếp tục thúc đẩy đàm phán, hướng tới việc kết thúc đàm phán Hiệp định TPP ngay trong đầu năm 2014.

Tất nhiên, càng đi vào giai đoạn đàm phán quyết định thì các nội dung đàm phán càng phức tạp, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm và thiện chí của các bên. Thậm chí, ở các cuộc đàm phán tương tự trước đây thì một số vấn đề cần được đưa lên lãnh đạo cao hơn cấp Bộ trưởng bàn và quyết định. Tuy nhiên, với thiện chí của tất cả các nước trong thời gian qua, cũng như các kết quả đã đạt được cho đến nay, các nước TPP đều mong muốn kết thúc được đàm phán ngay trong những tháng đầu của năm nay.

** TPP sẽ đem lại nhiều cơ hội và cả thách thức cho Việt Nam. Bộ trưởng có thể chỉ ra những cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp và người lao động?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Hiệp định TPP là một hiệp định thương mại tự do lớn với phạm vi và mức độ cam kết rộng và sâu nhất mà Việt Nam từng tham gia cho đến nay, tạo ra sân chơi với đóng góp trên 40% GDP và khoảng 30% trao đổi thương mại toàn cầu. Do đó, việc tham gia Hiệp định TPP sẽ đem lại cho Việt Nam nhiều cơ hội, cụ thể như sau:

Thứ nhất, Hiệp định TPP sẽ giúp Việt Nam tận dụng tốt hơn các cơ hội do quá trình tái cấu trúc cục diện quốc tế và khu vực cũng như xu thế liên kết kinh tế khu vực, đặc biệt là tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đem lại.

Thứ hai, Hiệp định TPP sẽ giúp Việt Nam có thêm điều kiện tranh thủ hợp tác quốc tế để phục vụ chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, triển khai chiến lược hội nhập quốc tế nói chung và chiến lược đối ngoại ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương nói riêng, nâng cao vị thế của ta trên trường quốc tế, củng cố trạng thái cân bằng trong quan hệ với các đối tác chủ chốt, góp phần duy trì và củng cố môi trường hoà bình, ổn định và bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Ngoài ra, tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Tham gia TPP gần như là cách duy nhất trong trung hạn để có quan hệ FTA với Hoa Kỳ và một số nước với thị trường rất tiềm năng với hàng hóa Việt Nam. Ta sẽ có cơ hội đàm phán để các nước mở cửa thị trường cho hàng hóa của Việt Nam. Thuế nhập khẩu nhiều loại hàng hóa sẽ được giảm xuống 0% và đó sẽ là cú hích mạnh cho xuất khẩu. Việc ta có quan hệ FTA với Hoa Kỳ và các nước khác trong TPP chắc chắn sẽ thúc đẩy đầu tư của các nước vào Việt Nam. Quy mô chưa thể dự đoán chính xác được nhưng từ sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài đối với ta sau khi ta vào WTO, có cơ sở để cho rằng họ cũng sẽ quan tâm không kém khi ta ký kết được Hiệp định TPP

Tuy nhiên, bên cạnh đó, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với một số thách thức tương đối lớn, đó là:

Tham gia TPP sẽ tạo ra sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ có thể sẽ gặp khó khăn. Tuy nhiên, đây là con đường mà sớm hay muộn ta cũng phải đi qua để chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành công, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng và hiệu quả của tăng trưởng kinh tế.

Tham gia Hiệp định TPP cũng có thể gây ra một số hệ quả về mặt xã hội. Tự do hóa thương mại quá đột ngột có thể dẫn tới phá sản và tình trạng thất nghiệp ở các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh yếu. Tuy nhiên, do nhập khẩu từ Hoa Kỳ và các nước TPP chưa có FTA với ta là không lớn nên nếu có thể đàm phán một lộ trình giảm thuế hợp lý, kết hợp với hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, ta có thể xử lý được vấn đề thất nghiệp nảy sinh do tham gia TPP.

Các yêu cầu trong TPP liên quan đến lao động dự kiến sẽ có tác động tới môi trường lao động ở Việt Nam. Đây sẽ là vấn đề phải tiếp tục nghiên cứu để có phương án đàm phán phù hợp nhất. Bên cạnh đó, để thực thi cam kết trong TPP, ta có thể sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi nhiều quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ … Tuy nhiên, như kinh nghiệm gia nhập WTO đã chỉ ra, với sự chuẩn bị nghiêm túc và nỗ lực cao độ, ta có thể thực hiện thành công khối lượng công việc này.

Tóm lại, TPP là hiệp định với tiêu chuẩn cao, có thể đem lại nhiều lợi ích nếu ta có phản ứng chính sách phù hợp nhưng cũng sẽ có nhiều thách thức. Đoàn đàm phán Việt Nam đang tham gia với cách tiếp cận làm sao vừa xây dựng, cầu thị và linh hoạt nhưng phải đảm bảo các lợi ích cốt lõi của Việt Nam được các nước đáp ứng, đảm bảo các vấn đề mang tính nguyên tắc và thể chế của ta được duy trì và trên hết bằng mọi cách phải đảm bảo lợi ích kinh tế ta thu được từ hiệp định về lâu dài phải lớn hơn các tác động tiêu cực nếu có.

** Vậy để tận dụng tốt cơ hội và biến thách thức thành động lực cải cách phát triển thì các doanh nghiệp sẽ cần phải làm gì?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Hiệp định TPP được coi một hiệp định FTA quan trọng, được kỳ vọng sẽ là hiệp định kiểu mẫu của thế kỷ 21 với mức độ tham vọng cao về độ rộng và độ sâu của các cam kết mà các nước tham gia sẽ đưa ra. Ngoài các nội dung truyền thống như mở cửa thị trường hàng hoá, tự do hóa lĩnh vực đầu tư, dịch vụ... Hiệp định TPP đề cập tới nhiều vấn đề mới hiện nay như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước v.v... Nói một cách khác, Hiệp định TPP được kỳ vọng sẽ là một mô hình mới về hợp tác kinh tế khu vực, được xây dựng để xử lý các vấn đề đặt ra vào đầu thế kỷ 21, tạo thuận lợi tối đa cho thương mại và đầu tư giữa các nước tham gia Hiệp định.

Thông qua Hiệp định TPP, Việt Nam có cơ hội nâng cao khả năng xuất khẩu bởi khu vực TPP là thị trường rất lớn. Ngoài ra, thông qua Hiệp định TPP, Việt Nam cũng sẽ có cơ hội cải thiện môi trường đầu tư, thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, các nội dung của Hiệp định TPP cũng hướng các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng trong khu vực, từ đó từng bước tiếp cận thị trường quốc tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhằm khai thác hiệu quả các cơ hội và lợi thế, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực do Hiệp định TPP mang lại, thì việc các doanh nghiệp chủ động tham gia vào quá trình tham vấn là một yếu tố cần thiết và quan trọng. Các thành viên TPP đều khuyến khích các doanh nghiệp đóng góp ý kiến đồng thời cũng hướng tới tổ chức nhiều hơn các hoạt động giúp phổ biến thông tin đến doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tiếp cận với Hiệp định, hiểu về Hiệp định và đóng góp ý kiến có hiệu quả.

Các doanh nghiệp Việt Nam trước tiên cần chủ động tìm hiểu thông tin về hiệp định thông qua việc tích cực tham gia hơn nữa vào quá trình tham vấn với Đoàn đàm phán thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các nhà đàm phán, các học giả để có thể trao đổi chi tiết về những vấn đề cụ thể mà họ quan tâm, từ đó có những biện pháp tận dụng các cơ hội do Hiệp định TPP mang lại. Các doanh nghiệp cũng cần nhận thức được những khó khăn có thể có trong bối cảnh mở cửa thị trường, từ đó đưa ra những đề xuất thiết thực và hiệu quả góp phần cho đàm phán đạt kết quả thuận lợi, đồng thời chủ động nâng cao tính cạnh tranh của doanh nghiệp, tích cực tham gia hơn vào thương mại thế giới và chuỗi cung ứng trong khu vực, từ đó đạt được lợi ích tối đa từ Hiệp định.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần củng cố, đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề đội ngũ nhân lực, đề ra các mục tiêu và phương thức hướng hoạt động của doanh nghiệp theo hướng xuất khẩu. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tận dụng cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài nhằm tranh thủ lợi thế về vốn, nhân lực và kỹ thuật của các đối tác.

Về dài hạn, các doanh nghiệp trong nước cần bám sát lộ trình và các quy định về mở cửa thị trường của Hiệp định TPP nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, tận dụng được cơ hội tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực.

** Tham gia TPP sẽ giúp Việt Nam mở rộng xuất khẩu và thu hút đầu tư, nhưng sản xuất trong nước sẽ bị tác động mạnh. Vậy để giúp nền sản xuất trong nước giảm sự tác động từ hàng nhập khẩu, khi hầu hết các dòng thuế sẽ bị cắt giảm về 0. Nhà nước sẽ làm gì và các doanh nghiệp nên làm gì?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Khi quyết định tham gia đàm phán Hiệp định TPP, Việt Nam đã lường trước được khả năng sẽ phải đối mặt với những yêu cầu tự do hóa cao từ các đối tác đàm phán bởi đây là một Hiệp định thương mại tự do hướng đến các tiêu chuẩn cao và Việt Nam là nước đang phát triển ở trình độ thấp hơn so với các thành viên khác trong Hiệp định TPP. Trên thực tế, để các nước TPP xóa bỏ thuế quan sớm cho các mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của ta, đổi lại, ta cũng sẽ phải có nhượng bộ tương ứng đối với các mặt hàng các nước TPP khác quan tâm.

Do đó, nhằm mở rộng sản xuất và xuất khẩu, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực từ mở cửa thị trường và sức ép của hàng nhập khẩu, các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ ngay từ bây giờ.

Về phía các cơ quan nhà nước, cần triển khai các hoạt động nghiên cứu, đánh giá tác động của Hiệp định TPP đối với các lĩnh vực hàng hóa, đầu tư, dịch vụ v.v… để có cơ sở xây dựng và điều chỉnh chính sách dài hạn. Ta cũng cần xây dựng chính sách phát triển các ngành công nghiệp mà Việt Nam dự kiến sẽ có tiềm năng và lợi thế trong khối TPP… và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi cung ứng trong khu vực. Đồng thời, việc xây dựng các chính sách thúc đẩy tăng hàm lượng giá trị gia tăng trong tất cả các ngành của nền kinh tế thông qua nâng cấp năng lực, công nghệ, hợp tác dài hạn với các đối tác mạnh trong lĩnh vực tương ứng, đa dạng hóa đổi mới sản phẩm cũng là một nhiệm vụ cần thiết.

Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, trước tiên cần chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan về hiệp định thông qua việc tích cực tham gia hơn nữa vào quá trình tham vấn với Đoàn đàm phán thông qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các nhà đàm phán, các học giả để có thể nắm bắt thông tin về Hiệp định, về các cam kết cụ thể trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình, từ đó có những biện pháp tận dụng các cơ hội do Hiệp định TPP mang lại. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần củng cố, đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề đội ngũ nhân lực, đề ra các mục tiêu và phương thức hướng hoạt động của doanh nghiệp phù hợp với các đòi hỏi của quá trình Hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tận dụng cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài nhằm tranh thủ lợi thế về vốn, nhân lực và kỹ thuật của các đối tác. Về dài hạn, các doanh nghiệp trong nước cần bám sát lộ trình và các quy định về mở cửa thị trường của Hiệp định TPP nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, tận dụng được cơ hội tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực.

** Được biết, TPP sẽ có những quy định khắt khe về lao động, môi trường hay nguồn nguyên liệu nội khối, vậy liệu các doanh nghiệp chúng ta có đáp ứng được những yêu cầu này. Bộ trưởng có thể đưa ra lời khuyên giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược phát triển của mình?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Hiện nay, việc đàm phán Hiệp định TPP chưa kết thúc, do đó chưa có kết quả đàm phán các lĩnh vực cụ thể. Đối với những yêu cầu cao về xuất xứ hàng hóa (bao gồm cả tỉ lệ nguyên liệu nội khối), lao động v.v…, chúng ta đang đàm phán theo hướng tìm mọi giải pháp linh hoạt sao cho thúc đẩy được tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, đối với các lĩnh vực như lao động, môi trường, quan điểm của Việt Nam là chia sẻ mục tiêu chung nhưng không ngăn cản cách làm khác nhau ở mỗi nước và hướng tới hợp tác hơn là trừng phạt thương mại.

** Nhân dịp đầu năm mới, Bộ trưởng có thông điệp gì gửi tới các doanh nghiệp Việt Nam?

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Tôi xin được nói rất ngắn gọn: Năm 2013 với rất nhiều khó khăn đã qua đi, Ngành Công Thương xin hết sức cám ơn và đánh giá cao sự nỗ lực, tích cực của cộng đồng doanh nghiệp cả nước trong khắc phục, vượt qua thách thức, góp phần quan trọng cùng Ngành và cả nước hoàn thành thắng lợi nhiều mục tiêu đã được đề ra. Năm mới 2014, tuy hứa hẹn nhiều thuận lợi nhưng vẫn tiềm ẩn không ít điều không thuận. Tuy vậy, tôi có một niềm tin lớn lao là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ làm được nhiều việc hơn so với các năm trước, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà. Chúc năm 2014 sẽ tiếp tục là năm thắng lợi của doanh nghiệp nước nhà, chúc “Mã đáo thành công”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên