Vay gần 1 tỷ USD phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại và cải cách

Khoản tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Dự án Phát triển Thành phố hạng trung và Khoản Tín dụng Giảm nghèo 10.

Ngày 12/1, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình và bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã ký Hiệp định tài trợ cho ba chương trình, dự án với tổng giá trị vay vốn 973,5 triệu USD, để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng hiện đại và ghi nhận các cải cách gần đây của Việt Nam.

Khoản tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (613,5 triệu USD), Dự án Phát triển Thành phố hạng trung (210 triệu USD) và Khoản Tín dụng Giảm nghèo 10 (150 triệu USD).

Phát biểu tại lễ ký, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam cho biết: “Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Thế giới cung cấp tài chính phát triển đường cao tốc ở Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu sự ghi nhận của chúng tôi về nhu cầu của Việt Nam đối với cơ sở hạ tầng hiện đại trong khi Việt Nam đang giải quyết những thách thức mới của một quốc gia có thu nhập trung bình thấp”.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình đánh giá, bằng việc ký kết hiệp định lần này, Chính phủ Việt Nam tiếp tục khẳng định quyết tâm từng bước thực hiện thành công chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 nhằm đưa Việt Nam thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại cùng với sự hỗ trợ của WB và các đối tác phát triển khác.

Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi sẽ xây dựng một tuyến đường cao tốc nhằm tăng cường tính hiệu quả và an toàn cho người tham gia giao thông giữa TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi, và xây dựng năng lực thể chế cho việc phát triển đường cao tốc của Bộ Giao thông Vận tải của Việt Nam. Đường cao tốc sẽ kết nối từ Quốc lộ 1A tới khu vực phía nam TP Đà Nẵng đến tỉnh Quảng Ngãi, và sau đó trở lại Quốc lộ 1A thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Đường cao tốc ở miền trung Việt Nam sẽ cung cấp các năng lực cần thiết cho phát triển trong tương lai, giúp giảm tai nạn giao thông và tạo thuận lợi cho cả thương mại trong nước và quốc tế thông qua hội nhập khu vực.

Dự án Phát triển Thành phố hạng trung dự kiến sẽ cung cấp cơ sở hạ tầng tốt hơn cho 520.000 dân ở các thành phố Lào Cai, Phủ Lý và Vinh. Quyết định tập trung vào các thành phố cỡ trung bình phản ánh tầm quan trọng của việc phát triển cân bằng và bình đẳng trong cả nước mà Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới muốn đảm bảo. Với dự án này, người dân ở ba thành phố dự kiến sẽ hưởng lợi từ tiếp cận với nguồn nước và vệ sinh được cải thiện, hệ thống giao thông tốt hơn, và một quy hoạch quản lý tài sản đô thị toàn diện và bền vững.

Trong khi đó, Khoản tín dụng Giảm nghèo 10 (PRSC10) hỗ trợ các cải cách chính sách và thể chế theo bốn chủ đề chính của Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội 2006-2011 (SEDP), cụ thể là Phát triển Môi trường Kinh doanh, Hòa nhập Xã hội, Quản lý Tài nguyên thiên nhiên và Quản trị hiện đại. Hoạt động này bao gồm các hành động chính sách trong một loạt các lĩnh vực như tài chính, quản lý tài chính công, xã hội, quản lý môi trường, và hành chính công. Các hoạt động này nhằm mục tiêu duy trì động lực cho cải cách cần thiết để hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Việt Nam thành quốc gia có thu nhập trung bình.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên