Vì sao bảo hiểm nông nghiệp chưa phát huy được hiệu quả?

VOV.VN - Người dân không mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp khi nhiều người không biết và doanh nghiệp không mặn mà vì độ rủi ro lớn.

Hàng năm, thiên tai, dịch bệnh gây thiệt hại cho nông nghiệp ở nước ta số tiền ước chiếm khoảng 1,5% GDP. Mặc dù bảo hiểm nông nghiệp đưa vào thí điểm tại Việt Nam từ năm 1982, nhưng cho đến nay mới chỉ chiếm khoảng 0,01% trong tổng số các loại bảo hiểm phi nhân thọ.

Theo ước tính sơ bộ, sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp của các doanh nghiệp bảo hiểm thường lỗ tới trên 200%. Tính đến giữa năm 2016, cả nước có khoảng 300.000 hộ dân, tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia bảo hiểm.

Tuy nhiên, trong số đó có đến 92% là hộ nghèo, cận nghèo và đều đã được nhà nước hỗ trợ 100% hoặc 75% phí bảo hiểm, số tự nguyện tham gia chỉ tập trung vào các doanh nghiệp lớn làm nông nghiệp như Tập đoàn cao su, các doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa…

Cá chết trắng tại các hộ nuôi cá lồng tại xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Thiệt hại về nông nghiệp trong cơn bão số 10 và 12 vừa qua vô cùng lớn đối với nông dân nhiều tỉnh, thành phố. Sau mỗi cơn bão, trận lũ lụt, lại có người nêu câu hỏi vì sao bà con vẫn không tham gia bảo hiểm nông nghiệp, trong khi nếu như bảo hiểm nông nghiệp đến được với người nông dân thì sẽ bớt đi phần nào mất mát, gánh nặng nợ nần trong thiên tai, dịch bệnh.

Ông Trần Mạnh Hùng ở thôn Thái Sa, xã Vũ Vân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình cho biết, trong cơn bão số 10 vừa qua, đê bao ở xã bị vỡ, làm mất trắng hoa màu gần đến ngày thu hoạch của gia đình ông và hàng trăm hộ dân.

“Người dân cũng có nghe đến nhiều loại bảo hiểm, nhưng bảo hiểm nông nghiệp chưa được nhiều người biết đến. Rút kinh nghiệm sau những đợt thiên tai này, nhiều người biết có bảo hiểm nông nghiệp chắc chắn sẽ tham gia”, ông Hùng bày tỏ.

Một trường hợp khác là ông Nguyễn Văn Thọ ở xóm Viết, xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ là doanh nghiệp nuôi cá tầm, cá lăng tại sông Đà bị thiệt hại nặng nề do đợt xả đáy ở thủy điện Hòa Bình vừa qua. Ông Thọ cho biết, gia đình có 40 lồng cá bị mất hết, thiệt hại ước tính khoảng 12 tỷ đồng, tỉnh Phú Thọ chỉ hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng cá.

“Việc xả lũ theo quy trình nhưng số tiền hỗ trợ không là gì so với thiệt hại của người dân. Vì chưa nghe đến bảo hiểm nông nghiệp nên thiệt hại gia đình bị mất trắng. Sau đây nếu có bảo hiểm nông nghiệp trong lĩnh vực này gia đình cũng sẽ tham gia để bảo hiểm cho tài sản”, ông Thọ cho biết.

Có nhiều nguyên nhân khiến người dân không mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp, trong đó nguyên nhân chính là do sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn phân tán, manh mún, nhỏ lẻ. Nhiều người dân không biết về chính sách bảo hiểm nông nghiệp, khi chương trình này được triển khai vào năm 2013 và thất bại do doanh nghiệp không mặn mà vì độ rủi ro lớn.

Chẳng hạn một gia đình ở Hà Giang đồng ý mua bảo hiểm cho một con trâu với mức phí chỉ trên 300.000 đồng/năm. Công ty bảo hiểm sẽ phải bỏ ra chi phí rất nhiều mới có thể bán được một hợp đồng bảo hiểm, nếu rủi ro trâu bị chết thì việc giám định thiệt hại còn gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Thực tế trong thời gian thí điểm bảo hiểm nông nghiệp vừa qua ở Hà Giang chưa có hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ nào tự nguyện mua bảo hiểm nông nghiệp.

Rủi ro trong sản xuất nông nghiệp rất lớn, nếu kinh doanh bảo hiểm đơn thuần thì không có doanh nghiệp nào muốn triển khai loại hình  bảo hiểm nông nghiệp vì nguy cơ thua lỗ cao.

Một số bất cập nữa là hiện nay Quỹ hỗ trợ thiên tai của Chính phủ áp giá hỗ trợ rất cụ thể, từ cây trồng đến vật nuôi. Khi thiên tai xảy ra, đối với những hộ nông dân có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, số tiền được hỗ trợ mặc dù không nhiều, nhưng nếu so sánh với việc hàng năm phải mua bảo hiểm nông nghiệp cũng không chênh lệch nhiều.

Điều này vô tình trở thành tiền lệ xấu, không khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Ví dụ như tại xóm Viết, xã Tinh Nhuệ, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, các hộ dân nuôi cá lồng số lượng ít, cá thương phẩm rẻ tiền khi thiên tai xảy ra được hỗ trợ 10 triệu đồng/lồng cá thì nhiều gia đình không muốn mua bảo hiểm nông nghiệp.  

Theo ông Hoàng Xuân Điều, nguyên Trưởng Phòng Bảo hiểm Nông nghiệp, Bảo hiểm Bảo Việt, hiện nay bảo hiểm nông nghiệp chỉ phát triển được ở các dự án nông nghiệp lớn như chăn nuôi bò sữa, trồng cây cao su, hầu hết các dự án nuôi trồng thủy sản, người dân vẫn chưa tham gia bảo hiểm.

“Bảo hiểm nông nghiệp có thể thực thi tốt nếu như hệ thống tín dụng có cơ chế, chính sách bảo hiểm khi vay vốn, có thêm điều kiện bảo hiểm và có chính sách bảo hiểm cho người vay được hỗ trợ phí, giảm lãi suất. Muốn được như vậy, nhà nước cần phải có chính sách cụ thể để các bộ ngành có điều kiện triển khai”, ông Điều kiến nghị.

Hiện nay, dự thảo Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp đang được xây dựng và dự kiến nghị định sẽ được thực hiện từ năm 2018. Theo đó, nhà nước dự tính sẽ hỗ trợ 20% cho người dân, 90% phí bảo hiểm cho hộ nghèo…

Để bảo hiểm nông nghiệp phát triển, cần xây dựng cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ người dân, hỗ trợ doanh nghiệp bảo hiểm, trợ giúp các tổ chức tín dụng, tạo điều kiện để đưa bảo hiểm nông nghiệp thực sự đến được với người nông dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sẽ mở rộng đối tượng cho vay làm nông nghiệp công nghệ cao
Sẽ mở rộng đối tượng cho vay làm nông nghiệp công nghệ cao

VOV.VN - Theo Thống đốc, sửa Nghị định 55 về chính sách tín dụng cho nông nghiệp nông thôn, theo đó sẽ mở rộng đối tượng cho vay cho nông nghiệp công nghệ cao.

Sẽ mở rộng đối tượng cho vay làm nông nghiệp công nghệ cao

Sẽ mở rộng đối tượng cho vay làm nông nghiệp công nghệ cao

VOV.VN - Theo Thống đốc, sửa Nghị định 55 về chính sách tín dụng cho nông nghiệp nông thôn, theo đó sẽ mở rộng đối tượng cho vay cho nông nghiệp công nghệ cao.

Phát triển nông nghiệp đô thị để nội đô tự chủ lương thực, thực phẩm
Phát triển nông nghiệp đô thị để nội đô tự chủ lương thực, thực phẩm

VOV.VN -Hiện nay, phát triển nông nghiệp đô thị, ven đô thị có vai trò quan trọng trong việc tự cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ cho nội đô, tăng thu nhập.

Phát triển nông nghiệp đô thị để nội đô tự chủ lương thực, thực phẩm

Phát triển nông nghiệp đô thị để nội đô tự chủ lương thực, thực phẩm

VOV.VN -Hiện nay, phát triển nông nghiệp đô thị, ven đô thị có vai trò quan trọng trong việc tự cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ cho nội đô, tăng thu nhập.

Có "gói" 100.000 tỉ đồng, làm nông nghiệp công nghệ cao vẫn đói vốn
Có "gói" 100.000 tỉ đồng, làm nông nghiệp công nghệ cao vẫn đói vốn

Nhiều dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao vẫn đình trệ, hoặc chậm triển khai vì đợi các chính sách giải ngân gói 100.000 tỉ đồng.

Có "gói" 100.000 tỉ đồng, làm nông nghiệp công nghệ cao vẫn đói vốn

Có "gói" 100.000 tỉ đồng, làm nông nghiệp công nghệ cao vẫn đói vốn

Nhiều dự án đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao vẫn đình trệ, hoặc chậm triển khai vì đợi các chính sách giải ngân gói 100.000 tỉ đồng.