Vụ cá tra, ba sa bị áp thuế chống phá giá:

Việt Nam có thể khởi kiện quyết định của DOC ra tòa quốc tế

(VOV) -Trong vòng 5 ngày tới, các luật sư của bị đơn sẽ cùng Bộ Thương mại Mỹ xem xét lại phương pháp tính toán mức thuế mới.

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa quyết định áp mức thuế chống phá giá cao tới hàng chục lần đối với các sản phẩm cá tra, basa phi-lê nhập khẩu từ Việt Nam. Với mức thuế này, các sản phẩm cá tra, basa Việt Nam gần như sẽ không còn chỗ đứng trên một trong những thị trường nhập khẩu thuỷ sản lớn nhất thế giới.  Phóng viên Đài TNVN thường trú tại Mỹ đã có cuộc trao đổi với ông Đào Trần Nhân, Trưởng Đại diện Thương vụ VN tại Mỹ về nguyên nhân và giải pháp cho vấn đề này. 

Ông Đào Trần Nhân

PV: Thưa ông, Bộ Thương mại Hoa Kỳ vừa quyết định áp mức thuế chống bán phá giá rất cao đối với cá tra và basa filet của Việt Nam. Theo ông, với mức thuế này, doanh nghiệp Việt Nam ước tính sẽ phải chịu thiệt hại như thế nào và cơ hội đối với cá tra và basa Việt Nam nhập khẩu vào thị trường Mỹ sẽ như thế nào?

Ông Đào Trần Nhân: Với quyết định cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 8 đối cá tra, cá ba-sa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Bộ Thương mại Mỹ đã áp một mức thuế rất cao đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, một trong những bị đơn bắt buộc là công ty Vĩnh Hoàn phải chịu mức thuế suất 19 cent/kg. Theo như tính toán của chúng tôi, với mức xuất khẩu trong giai đoạn từ tháng 8/2010-8/2011, công ty Vĩnh Hoàn sẽ bị truy hoàn mức thuế lên tới 3,5 triệu USD.

PV: Thưa ông, khi nào thì quyết định này của Bộ Thương mại Mỹ sẽ chính thức có hiệu lực và khi nào thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nộp tiền thuế theo biểu thuế mới?

Ông Đào Trần Nhân: Trong khoảng 5 ngày tới tức là tuần sau, quyết định này sẽ có hiệu lực sau khi được đăng trên Công báo liên bang của Hoa Kỳ và các bị đơn bắt buộc trong vụ kiện này sẽ bị truy hoàn thuế. Tuy nhiên, theo các luật sư thì cũng rất có thể Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã có tính toán sai lệch trong việc đưa các dữ liệu làm yếu tố đầu vào để tính thuế chống bán phá giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Cho nên, trong vòng 5 ngày tới, các luật sư của bị đơn sẽ cùng Bộ Thương mại Mỹ xem xét lại phương pháp tính toán mức thuế mới để xem có sai sót hay không. Nếu không chính xác thì bị đơn có thể yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ sửa đổi lại mức thuế. Khả năng thứ hai là phía Việt Nam cũng có thể yêu cầu các luật sư tiến hành khởi kiện quyết định của Bộ Thương mại ra tòa thương mại quốc tế Hoa Kỳ. Trong trường hợp này thì vụ án có thể kéo dài nhiều năm và các doanh nghiệp sẽ không phải đóng mức thuế cao này cho đến khi tòa án ra phán quyết cuối cùng.

PV: Ông có thể cho biết lý do vì sao thuế chống bán phá giá lại đột ngột tăng cao như vậy?

Ông Đào Trần Nhân: Mức thuế trong đợt rà soát hành chính lần thứ 8 đột nhiên tăng rất cao vì Bộ Thương mại Hoa Kỳ bất ngờ chọn nước thay thế mới để tính thuế đối với mặt hàng cá tra và cá ba-sa của Việt Nam. Trong 7 lần rà soát hành chính trước đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đều dùng Bangladesh là nước thay thế để tính thuế đối với Việt Nam. Nhưng trong đợt rà soát hành chính lần này, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đột ngột quay sang chọn Indonesia làm nước thay thế. Chính vì vậy mà mức thuế tăng cao như hiện nay.

PV: Thưa ông, tại sao Mỹ lại sử dụng Indonesia làm nước thay thế thay vì Bangladesh như trước đây?

Ông Đào Trần Nhân: Tôi nghĩ rằng đây là tác động của sự vận động rất mạnh của các nhóm lợi ích của Hoa Kỳ. Cụ thể, Hiệp hội cá nheo Hoa Kỳ đã vận động hành lang rất mạnh để Bộ Thương mại Hoa Kỳ tìm mọi cách thay đổi nước thay thế từ Bangladesh sang Indonesia nhằm tăng thuế để ngăn cản cá tra và cá ba-sa của Việt Nam cạnh tranh với cá nheo của Mỹ trên thị trường này.

PV: Thưa ông, đến năm 2014, Bộ Thương mại Mỹ sẽ tiến hành đợt rà soát lần thứ 9, vậy chúng ta cần phải làm gì để tránh trường hợp bị áp mức thuế cao phi lý như hiện nay?

Ông Đào Trần Nhân: Hàng năm, theo quy định, phía Hoa Kỳ đều có rà soát hành chính đối với các mặt hàng xuất khẩu đang bị kiện chống bán phá giá của Việt Nam. Theo tôi, ngay từ bây giờ, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chuẩn bị tích cực cho đợt rà soát lần thứ 9 để làm sao cho đến khi phía Mỹ đưa ra quyết định sơ bộ dự kiến trong tháng 9 năm nay cũng như quyết định cuối cùng vào tháng 3/2014, các doanh nghiệp Việt Nam phải chuẩn bị cung cấp đầy đủ các số liệu thống kê cũng như các tài liệu liên quan theo yêu cầu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng như của các luật sư. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng như Nhà nước Việt Nam cũng cần chuẩn bị cho tình huống xấu, tức là Bộ Thương mại Hoa Kỳ lại tiếp tục chọn một nước khác không phải là Bangladesh làm nước thay thế để tính thuế. Đây là công việc đòi hỏi phải có sự chuẩn bị gấp rút ngay từ bây giờ cũng như sự tham gia của tất cả các bên liên quan của phía Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mỹ tăng thuế chống bán phá giá cá tra, ba sa Việt Nam
Mỹ tăng thuế chống bán phá giá cá tra, ba sa Việt Nam

(VOV)-DN Vĩnh Hoàn (VHC) phải chịu thuế 0,19 USD/kg dù đã có ba năm liên tiếp đạt mức thuế bằng 0.

Mỹ tăng thuế chống bán phá giá cá tra, ba sa Việt Nam

Mỹ tăng thuế chống bán phá giá cá tra, ba sa Việt Nam

(VOV)-DN Vĩnh Hoàn (VHC) phải chịu thuế 0,19 USD/kg dù đã có ba năm liên tiếp đạt mức thuế bằng 0.