Vượt dần qua khó khăn

Kinh tế nước ta đang có những chuyển biến tích cực với xu hướng phục hồi rõ nét.

Số liệu kinh tế 9 tháng đầu năm vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố ngày hôm qua (28/9) trong buổi họp giao ban tháng 9 cho thấy, nền kinh tế nước ta đang dần vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, vẫn còn đó rất nhiều điểm đáng lo ngại cần phải giải quyết…

Kinh tế nước ta đang có những chuyển biến tích cực với xu hướng phục hồi rõ nét. Nếu như quí I, mức tăng trưởng kinh tế chỉ là 3,11%, thì quí II là 4,46%, và đến quí III là 5,6%. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, đây chính là tiền đề vững chắc cho thấy chúng ta có thể vượt kế hoạch tăng trưởng GDP 5% trong cả năm nay, đã được quốc hội điều chỉnh. Công nghiệp trong hai tháng 8 và tháng 9 đã dần lấy lại ổn định đạt mức tăng trên 10%. Tháng 9 này là 13,8%… Nhiều địa phương có giá trị sản lương công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái như Quảng Ninh tăng 13,3%; Thanh Hóa tăng 11,3%; Cần Thơ tăng 9,3%... Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng lĩnh vực nông nghiệp vẫn duy trì được tăng trưởng. Nếu như tính theo giá cố định năm 1994 thì giá trị toàn ngành nông nghiệp tăng khoảng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kinh tế chuyển biến tích cực

Tuy nhiên, vẫn còn những chỉ tiêu cho thấy nền kinh tế nước ta sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong những tháng cuối năm. Kim ngạch xuất khẩu trong 9 tháng năm 2009 ước đạt 41,73 tỷ USD, giảm 14,3%. Trong đó kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không kể dầu thô ước đạt 16,7 tỷ 700 USD giảm 6,3%. Một số mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh là dây điện và dây cáp điện giảm 26,5%; sản phẩm gốm sứ giảm 25,9%; sản phẩm mây tre cói và thảm giảm 21,3%; sản phảm gỗ giảm 14,2%.  Theo dự báo của Bộ Công Thương thì trong những tháng tiếp theo, xuất khẩu có khả năng còn giảm sâu hơn nữa. Điều này đòi hỏi các địa phương, các doanh nghiệp cần đề ra những biện pháp hiệu quả để giữ vững cũng như mở rộng các thị trường xuất khẩu.

Một điểm đáng quan ngại nữa mà Thứ trưởng thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ông Cao Viết Sinh - nhấn mạnh trong buổi họp này là chỉ số CPI. Nếu so với tháng 12/2008, CPI tháng này tăng 4,11%, tuy nhiên chỉ trong tháng 9, CPI tăng tới 0,62%. Đặc biệt là các tỉnh Đông Nam bộ tăng tới 1,25%. Riêng TP. Hồ Chí Minh tăng 1,59%. Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM cho biết, có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Thứ nhất là do một số nguồn nhiên liệu đầu vào tăng như xăng, điện. Thứ hai là tác động của chính sách kích cầu mà TP đang triển khai. Điều này cần phải được theo dõi kỹ bởi vì trong những tháng cuối năm chỉ số CPI thường có xu thế tăng và tháng sau tăng cao hơn tháng trước.

Một điểm đáng lo ngại khác là mặc dù hiện nay cần rất nhiều vốn để nền kinh tế phục hồi nhanh nhưng giải ngân vốn đầu tư phát triển của chúng ta lại đang rất chậm.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giải ngân vốn đầu tư tập trung đạt 56%, trong đó, Trung ương chỉ đạt 39,4% còn địa phương là 61% kế hoạch. Còn đối với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ thì nguồn vốn dành cho giao thông, thủy lợi tính tới nay chỉ đạt 45,1%. Trong đó, Trung ương là 53,5%; còn địa phương 36,8%. Vốn trái phiếu Chính phủ cho y tế và giáo dục có mức độ giải ngân rất thấp. Y tế chỉ là 35,2%, giáo dục 60%.

Đáng chú ý là nhiều nguồn vốn trái phiếu Chính phủ từ năm 2008 chuyển sang năm 2009 mà đến bây giờ vẫn chưa giải ngân hết. Điển hình như TP. Hà Nội, vốn trái phiếu Chính phủ dành cho lĩnh vực y tế năm 2008 chuyển sang năm 2009 là 70 tỷ, nhưng tới nay mới giải ngân được khoảng 1,8 tỷ đồng; Hải Phòng chuyển nguồn là 14 tỷ đồng nhưng mới giải ngân được 9 tỷ đồng…

Năm ngoái, vốn trái phiếu Chính phủ chuyển nguồn sang năm nay là 7.700 tỷ đồng, vốn ngân sách tập trung chuyển sang là 20.000 tỷ đồng. Đây là một sự lãng phí nguồn lực mà các địa phương cần phải khắc phục, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn và cần tận dụng mọi nguồn lực để phát triển./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên