Xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tiếp tục tăng

Ủy ban Thương mại Quốc tế thuộc Bộ Thương mại Mỹ mới công bố số liệu cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2009, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt 5,77 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng thời gian này năm ngoái.

Hàng dệt may vẫn đứng đầu danh sách các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam vào Mỹ, đạt gần 2,39 tỷ USD, tăng 2,3%. Đứng thứ nhì là hàng giày dép, đạt hơn 720.000 USD, tăng 20%. Đồ gỗ và nội thất đạt 645.000 USD, giảm 6,8%. Những mặt hàng xuất khẩu khác của Việt Nam sang Mỹ đạt gần 300.000 USD gồm nông sản; máy móc thiết bị điện, máy nghe nhìn, ghi âm và phụ kiện; thủy hải sản; dầu mỏ, khí đốt và sản phẩm hóa dầu. Cũng trong thời gian này, nhập khẩu từ Mỹ vào Việt Nam đạt hơn 1,3 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và Mỹ đạt hơn 7 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái.
 


Hàng dệt may vẫn đứng đầu danh sách các mặt hàng xuất khẩu vào Mỹ

Theo ông Ngô Văn Thoan, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Mỹ, việc Việt Nam đứng thứ 26 về kim ngạch nhập khẩu của Mỹ và là một trong số rất ít nước vẫn tăng được kim ngạch nhập khẩu vào nước này trong thời gian qua là cố gắng rất lớn của Việt Nam, đặc biệt là của các doanh nghiệp Việt Nam. Giá trị xuất khẩu của nhiều mặt hàng Việt Nam vào Mỹ giảm chủ yếu là do giá hàng nhập khẩu vào Mỹ giảm mạnh so với các năm trước. Ông Ngô Văn Thoan cho rằng suy thoái kinh tế bắt đầu từ cuối năm 2007 đã làm cho nhu cầu tiêu dùng của Mỹ giảm mạnh và cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu tăng trưởng, ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Mỹ, đặc biệt là với các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam như đồ gỗ nội thất, thủy hải sản và nông sản.
 
Dựa trên những dự báo về sự hồi phục tiêu dùng của người Mỹ, việc áp dụng các hàng rào kỹ thuật của Mỹ đối với một số sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam, ông Ngô Văn Thoan ước tính kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm 2009 chỉ có thể đạt mức của năm 2008 là 12,6 tỷ USD, hoặc tăng không đáng kể lên khoảng 13 tỷ USD, trong đó hàng dệt may đạt 5,5 tỷ USD, hàng giày dép và đồ gỗ đạt 1,4 tỷ USD mỗi loại, các mặt hàng nông sản, thủy hải sản, và dầu mỏ, khí đốt đạt khoảng 700.000 USD mỗi loại./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên